Việt Nam lần đầu tiếp nhận điều trị khẩn cấp nhân viên Liên hợp quốc mắc COVID-19

20:58' - 16/06/2021
BNEWS Đây là lần đầu tiên Việt Nam tiếp nhận và điều trị một bệnh nhân là nhân viên Liên hợp quốc theo cơ chế MEDEVAC, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên hợp quốc.

Theo đề nghị của Liên hợp quốc, vừa qua, Việt Nam đã tiếp nhận và điều trị khẩn cấp một bệnh nhân là nhân viên Liên hợp quốc nhiễm COVID-19 đang công tác tại một nước trong khu vực ở trong tình trạng bệnh chuyển biến nặng.

Bệnh nhân được đưa đến Việt Nam bằng máy bay riêng do Nhóm công tác sơ tán y tế khẩn cấp của Liên hợp quốc (MEDEVAC) thực hiện. Sau quá trình điều trị tích cực theo quy trình cách ly chặt chẽ, nhờ năng lực chuyên môn và sự tận tình của các y, bác sĩ Việt Nam, bệnh nhân đã bình phục, được xuất viện và rời Việt Nam ngày 15/6/2021 để trở lại tiếp tục công tác.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tiếp nhận và điều trị một bệnh nhân là nhân viên Liên hợp quốc theo cơ chế MEDEVAC, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên hợp quốc. Nghĩa cử này một lần nữa khẳng định truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam, thiện chí và cam kết đóng góp của Việt Nam vào hợp tác quốc tế để chung tay ứng phó với dịch COVID-19.
Lãnh đạo và đại diện Liên hợp quốc ở các cấp khác nhau bày tỏ sự cảm kích trước thiện chí và tinh thần đoàn kết quốc tế của Việt Nam, đồng thời đánh giá cao năng lực chuyên môn, khả năng đóng góp ngày càng lớn của ngành y tế Việt Nam đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân cũng như góp phần mở rộng hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế đất nước.

Đặc biệt, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Atul Khare nhấn mạnh việc làm này có ý nghĩa quan trọng, góp phần hỗ trợ Liên hợp quốc hoàn thành nhiệm vụ của mình tại khu vực, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Việt Nam trong thời gian tới.

Nhân dịp này, ông Atul Khare cũng cảm ơn Việt Nam tiếp tục cử lực lượng tham gia Bệnh viện dã chiến cấp II tại Cộng hòa Nam Sudan và đã tiêm vaccine COVID-19 cho các cán bộ, quân nhân được cử đi làm nhiệm vụ.
MEDEVAC được Liên hợp quốc thành lập nhằm tạo khuôn khổ toàn cầu cho việc sơ tán y tế khẩn cấp đối với những nhân viên Liên hợp quốc đang làm nhiệm vụ và trong tình trạng sức khỏe đặc biệt nghiêm trọng mà y tế sở tại có thể không đáp ứng được yêu cầu. Nhiều nước trong và ngoài khu vực đã tham gia tiếp nhận và điều trị khẩn cấp cho nhân viên Liên hợp quốc thông qua cơ chế MEDEVAC.
Liên hợp quốc, thông qua cơ chế COVAX, đã chuyển đến Việt Nam gần 2,5 triệu liều vaccine COVID-19 trong tổng số 38,9 triệu liều sẽ cung cấp miễn phí cho Việt Nam.
Kể từ khi gia nhập Liên hợp quốc năm 1977, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ to lớn của các tổ chức thuộc hệ thống phát triển Liên hợp quốc trong nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết đất nước, cũng như trong công cuộc đổi mới, nhất là nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất, phát triển nguồn nhân lực khoa học - kỹ thuật, tư vấn chính sách phát triển, nâng cao năng lực, hội nhập quốc tế, thực hiện các mục tiêu phát triển toàn cầu.
Cùng với các hoạt động hỗ trợ vật tư y tế phòng chống dịch cho nhiều nước trên thế giới được triển khai trong suốt hơn một năm qua, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp vào sự hợp tác và tình đoàn kết quốc tế để cùng các nước vượt qua đại dịch./.

>>>Chuyển đổi Bệnh viện Trưng Vương thành bệnh viện chuyên điều trị COVID-19

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục