Việt Nam - Lào hợp tác phát triển nông lâm nghiệp

16:12' - 06/12/2021
BNEWS Chiều 6/12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp Lào Phet Phôm-Phi-Phăc về hợp tác nông lâm nghiệp và phát triển nông thôn.

Chiều 6/12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp Lào Phet Phôm-Phi-Phăc về hợp tác trong nông lâm nghiệp và phát triển nông thôn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao những thành tựu về kinh tế của Lào trong thời gian qua, đặc biệt là nông nghiệp. Nông nghiệp Lào còn nhiều tiềm năng phát triển thời gian tới. 
Trong thời gian từ 2015-2020, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai 6 dự án với số vốn trên 250 tỷ đồng; trong đó, hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng 3 dự án. Các dự án đã góp phần thiết thực vào phát triển đất nước Lào và là nền tảng góp phần củng cố thêm quan hệ giữa hai nước. 

Toàn cảnh cuộc hội đàm. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Đặc biệt, từ tháng 5/2017, Bộ Nông nghiệp hai nước đã ký Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn. Hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao, chuyên gia, kỹ thuật viên nhằm tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy lợi, khuyến nông, an toàn thực phẩm và tìm kiếm các đối tác đầu tư sang Lào.
"Việt Nam hỗ trợ Lào xây dựng, chuyển giao các mô hình, các kỹ thuật canh tác cho Lào. Việt Nam cũng đang hoàn thiện các điều kiện để nhập khẩu các sản phẩm của Lào như: bưởi, chanh leo, xoài, cam", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.
Trong chăn nuôi, thú y, hai bên thường xuyên chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh động vật, biện pháp kiểm soát dịch bệnh và kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật giữa hai nước. 

Hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về sự hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ rừng, thực thi pháp luật lâm nghiệp, kiểm soát và ngăn chặn những hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép gỗ, lâm sản và động vật hoang dã trái phép; phối hợp trong thực hiện Công ước CITES.
Về thủy lợi, hai bên đã hợp tác trong nhiều lĩnh vực như: triển khai các dự án thủy lợi sử dụng vốn viện trợ của Việt Nam; hỗ trợ Lào nghiên cứu lập quy hoạch thủy lợi; đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ thủy lợi của Lào; chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng Luật Thủy lợi và các văn bản quy phạm pháp luật về thủy lợi; quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp Lào Phet Phôm-Phi-Phăc cũng chúc mừng những thành tựu nông nghiệp Việt Nam đạt được trong thời gian qua. Tuy dịch COVID-19 khiến nhiều việc hợp tác, trao đổi không được thực hiện thường xuyên, nhưng hai bên vẫn đạt được nhiều thành tựu trong thời gian vừa qua.
Bộ trưởng Phet Phôm-Phi-Phăc mong muốn hai bên tiếp tục phối hợp thực hiện các dự án đã ký kết và các đơn vị phụ trách hai bên tăng cường trao đổi, đặc biệt về kiểm địch động thực vật để sản phẩm hai nước thương mại sôi nổi và đa dạng hơn nữa.
Bộ trưởng Phet Phôm-Phi-Phăc cũng mong muốn tìm kiếm các nhà đầu tư có tiềm năng về công nghệ sang đầu tư vào Lào nhiều hơn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, cơ hội hợp tác giữa hai nước vẫn còn nhiều, tinh thần hợp tác là mang lại lợi ích cho nông dân cả hai nước. Việc hợp tác giữa nông nghiệp của hai đất nước không chỉ là lợi ích kinh tế mà còn tạo không gian hòa bình, phát triển; làm sao nông dân biên giới hai nước ngày càng phát triển. Bộ sẽ chủ động có các chương trình hợp tác giữa 2 bộ và đề xuất các chương trình liên Chính phủ.
"Với tầm nhìn của các doanh nghiệp vươn tới, nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn mở rộng dự án sang Lào để tạo ra quy mô lớn hơn. Bởi, tư duy phát triển ngày nay sẽ không chỉ đóng khuôn ở một quốc gia nhất định mà sẽ là tầm nhìn ở liên quốc gia; tầm nhìn khu vực", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết thêm, hai nước cùng sống trên dòng sông Mê Kông. Hai bên cần chú ý nhiều hơn không gian kinh tế ở tiểu vùng sông Mê Kông. Các tổ chức quốc tế đang mong muốn chọn một số điểm nghiên cứu, hỗ trợ hợp tác trong khu vực Mê Kông, đây cũng là cơ hội cho các nước tận dụng sự hỗ trợ tư vấn kỹ thuật. Bởi vậy, ngoài hợp tác song phương thì nông nghiệp hai nước có thể hợp tác với bên thứ 3 là các nhà tài trợ quốc tế. 
Tại hội đàm, hai Bộ trưởng đã chứng kiến lễ bàn giao đưa vào sử dụng công trình dự án thủy lợi Đông - Pha - Xi và Tha - Pha - Noong Phông, Thủ đô Viêng Chăn, Lào sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào. Tổng số vốn cho dự án là trên 68 tỷ đồng; trong đó, vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam là trên 61 tỷ đồng./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục