Việt Nam nỗ lực chống khai thác hải sản bất hợp pháp

18:05' - 26/09/2017
BNEWS Việt Nam đang hoàn thiện khung pháp lý thông qua việc đưa nội dung này vào dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi.
Việc chống khai thác bất hợp pháp chính là bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Việt Nam. Ảnh minh họa TTXVN

Trước những yêu cầu mới của thị trường EU về vấn đề chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), Việt Nam đang hoàn thiện khung pháp lý thông qua việc đưa nội dung này vào dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi.

Đồng thời, đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm thể hiện rõ quan điểm của Việt Nam trong việc cam kết tuân thủ pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã và sẽ tham gia.

* Vấn đề “nóng” của toàn cầu

Để chống lại hoạt động khai thác IUU, Ủy ban Châu Âu (EC) đã ban hành quy định nhằm ngăn chặn, chống và loại bỏ các hoạt động khai thác IUU, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/10/2010.

Theo đó, chỉ các sản phẩm hải sản được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia hoặc nước xuất khẩu chứng thực là hợp pháp mới được nhập khẩu vào hay xuất khẩu từ EU.

Các nước được xác định là không có các biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo khai thác hợp pháp sẽ bị cảnh cáo chính thức (nhận “thẻ vàng”) để cải thiện.

Nếu các nước này không cải thiện, họ sẽ đối mặt với lệnh cấm xuất khẩu sang thị trường EU, đồng nghĩa với việc nhận “thẻ đỏ”.

Tuy nhiên, nếu các nước đã có những cải cách cần thiết, họ sẽ được xóa cảnh báo và nhận “thẻ xanh”.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, đã có trên 20 quốc gia bị nhận thẻ vàng từ EU; trong đó 9 nước đã tiến hành cải cách và được hủy bỏ cảnh cáo. Hiện vẫn còn 3 nước đang bị nhận thẻ đỏ là Campuchia, Guinea và Sri Lanka.

Những quốc gia bị EU phạt thẻ đỏ, thẻ vàng đều chịu những thiệt hại rất lớn về thị trường. Năm 2014, Philippines bị phạt thẻ vàng trong 12 tháng, thiệt hại 250 triệu USD; năm 2016, Đài Loan (Trung Quốc) cũng bị phạt thẻ vàng trong 12 tháng, thiệt hại 230 triệu USD…

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, không chỉ đến những năm gần đây, vấn đề chống IUU mới được đề cập tới mà đây là quy định được Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) đưa ra cách đây hơn 20 năm và đang là vấn đề “nóng” của toàn cầu.

Không riêng EU, thị trường Mỹ cũng đang chuẩn bị áp dụng hệ thống kiểm soát thủy sản nhập khẩu nhằm chống lại nạn khai thác bất hợp pháp từ 1/1/2018.

Đối với các nước vi phạm, chỉ tính trong khu vực Đông Nam Á, đã có 3 nước bị EU giơ thẻ phạt, gồm Campuchia thẻ đỏ, Thái Lan và Philippines đang bị thẻ vàng.

Riêng Thái Lan bị thẻ vàng đã vài năm nay, tuy đã có nhiều cải cách, nỗ lực nhưng vẫn chưa lên được thẻ xanh.

Tại Việt Nam, ngay khi nhận được thông tin EU triển khai quy định về chống khai thác IUU, Việt Nam đã chủ động và tích cực ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh và hướng dẫn các thủ tục nhằm đáp ứng quy định IUU của EC.

Đồng thời, Tổng cục Thủy sản cùng VASEP và các doanh nghiệp đã phối hợp để tổ chức nhiều hội thảo và tập huấn trong suốt giai đoạn bắt đầu áp dụng 2009-2010.

Tuy vậy, giữa tháng 5/2017, Đoàn công tác của Tổng vụ các vấn đề Biển và Thủy sản của EC đã tới Việt Nam làm việc liên quan đến vấn đề IUU.

Sau đó, đoàn công tác này đã đưa ra 5 khuyến nghị và đưa ra cảnh báo Việt Nam có thể bị EU “giơ” thẻ vàng, nếu trước ngày 30/9/2017 không khắc phục tốt và đầy đủ các yêu cầu.

* Hoàn thiện khung pháp lý

Trước bối cảnh mới, Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) đã bổ sung các quy định cụ thể, chi tiết về các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp theo các khuyến nghị của EU. Dự kiến, dự thảo này sẽ được trình Quốc hội vào tháng 10/2017 tới đây.

Tại hội nghị góp ý Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ở Tp.Hồ Chí Minh mới đây, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, việc bổ sung các quy định chống IUU là việc làm rất cần kíp và phù hợp để hoàn thiện khung pháp lý về vấn đề này.

Đây cũng là một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi, thể hiện rõ quan điểm của Việt Nam trong việc cam kết tuân thủ pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã và sẽ tham gia.

Ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng ban Phát triển bền vững thuộc Hiệp hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, việc chống khai thác IUU không phải là vấn đề của riêng EU hay của thế giới mà đây là vấn đề cấp bách hiện nay của Việt Nam.

“Nếu chúng ta không kiểm soát tàu bè khai thác, trữ lượng khai thác… thì sản lượng thủy sản khai thác sẽ ngày càng cạn kiệt, có thể chỉ còn 2-3 triệu tấn/năm thay vì 4-5 triệu tấn như hiện nay.

Do vậy, việc chống khai thác IUU chính là bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Việt Nam”, ông Cương nói.

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, việc xử lý vấn đề IUU ở các nước hiện cũng rất khác nhau. Như Indonesia và một số nước muốn tội phạm hóa và hình sự hóa các trường hợp vi phạm, còn Việt Nam và nhiều nước khác thì chỉ xử phạt hành chính.

Theo quy định tại khoản 1, điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tiền tối đa được quy định cho lĩnh vực thủy sản là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) lần này đã tăng mức xử phạt lên gấp 7 lần đối với hành vi vi phạm, nhằm đảm bảo mức xử phạt đủ tính răn đe.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các địa phương và ngư dân thực hiện lắp thiết bị giám sát vị trí cũng như hành trình khai thác đối với các tàu khai thác xa bờ.

Đồng thời, sớm hoàn thành Đề án Quản lý bền vững phát triển chặt chẽ thủy sản ở biển và Đề án Khai thác viễn dương cũng như ký kết hợp tác với các nước nhằm tổ chức khai thác hợp pháp; thiết lập đường dây nóng để ngăn chặn các hành vi đánh bắt thủy sản bất hợp pháp; cũng như sớm hoàn thiện Chương trình hành động quốc gia chống khai thác IUU để trình Chính phủ trong thời gian tới.

Ngoài việc hoàn thiện khung pháp lý, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu hải sản trên cả nước mới đây cũng cam kết sẽ nhất trí đồng lòng chung tay cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cộng đồng ngư dân thực hiện nghiêm túc các quy định về IUU và Chương trình hành động quốc gia chống khai thác IUU của Chính phủ.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch kiêm Chủ tịch Ủy ban Hải sản của VASEP, tính đến ngày 26/9, đã có 52 doanh nghiệp hải sản cam kết chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chỉ nhập khẩu hải sản khai thác có nguồn gốc khai thác hợp pháp.

Kiên quyết không thu mua hải sản của các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép, không có nhật ký và không báo cáo theo quy định, khai thác bằng ngư cụ bị cấm.

Đồng thời, nói không với những loài hải sản quý hiếm, những sản phẩm đánh bắt có kích cỡ nhỏ hơn quy định…

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và VASEP đang xem xét kiến nghị với EU lùi thời hạn đưa ra “phán quyết” thẻ vàng đến ngày 31/12/ 2017 thay vì 30/9/2017 như thông báo trước đó./.

Xem thêm:

>>>Công điện của Thủ tướng về ngăn chặn khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài

>>>Khai thác hải sản gặp nhiều thuận lợi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục