Việt Nam thay đổi nhanh chóng sau 25 năm kết nối Internet

14:50' - 07/12/2022
BNEWS Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, Việt Nam tuy bắt đầu chậm so với tiến trình toàn cầu nhưng sau 25 năm Việt Nam trở thành một nước mạnh về viễn thông – Internet.

Quyết định mở cửa, kết nối Internet toàn cầu cách đây 25 năm là sự dũng cảm, thể hiện tầm nhìn xa, tích cực hội nhập, góp phần thay đổi toàn diện cuộc sống kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo ngành thông tin và truyền thông. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Phạm Đức Long tại  chức chương trình kỷ niệm 25 năm Internet Việt Nam và Ngày Internet (Internet Day) 2022, do Cục Viễn thông, Trung tâm Internet Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Hiệp hội Internet Việt Nam đã tổ chức sáng 7/12, tại Hà Nội.

Việt Nam trở thành một nước mạnh về viễn thông

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, Việt Nam tuy bắt đầu chậm so với tiến trình toàn cầu nhưng sau 25 năm, đã vươn lên bắt kịp và đi cùng các nước trong khu vực và thế giới. Giờ đây, Việt Nam trở thành một nước mạnh về viễn thông – Internet với công nghệ hiện đại, mức phổ cập Internet cao.  

Hiện Việt Nam có 72,1 triệu người Việt, đạt tỷ lệ 73,2% dân số sử dụng Internet trong cuộc sống hàng ngày, đứng thứ 13 trên thế giới. Hạ tầng băng rộng đã phủ sóng 99,73% số thôn trên toàn quốc; 19,79 triệu hộ gia đình có cáp quang, đạt 72,4%. Hệ thống cáp quang đã triển khai tới 100% các xã, phường, thị trấn, 91% thôn bản, 100% trường học.

 

Số thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone là 94,2 triệu; số thuê bao băng rộng di động là 82,2 triệu. Tỉ lệ 74,3% dân số.  Có hơn 564 nghìn tên miền “.vn“ đứng thứ 2 ASEAN, top 10 khu vực châu Á – Thái Bình Dương; Mức độ sử dụng IP (IPv4, IPv6) thuộc top 20-30 quốc gia trên toàn cầu, Tỉ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt 53% với hơn 50 triệu người dùng IPv6, top 10 nước dẫn đầu thế giới về chuyển đổi IPv6. Và rất nhiều các thành tựu khác ….

Cũng theo Thứ Trưởng Phạm Đức Long, các doanh nghiệp Internet Việt Nam cũng vận động, thích ứng và lớn mạnh không ngừng, chuyển đổi mô hình từ phát triển kinh doạnh hạ tầng chuyển sang phát triển kinh doanh nền tảng, và vươn ra toàn cầu ….

Trải qua 25 năm phát triển, Internet Việt Nam đã chuyển đổi từ hạ tầng thông tin liên lạc thành hạ tầng số của nền kinh tế số. Hạ tầng số sẽ bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng Internet kết nối vạn vật, hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ, hạ tầng các nền tảng số; Từ vai trò của Intetnet là công cụ để phát triển kinh tế xã hội, thì đến nay và giai đoạn tiếp theo, Internet sẽ tạo ra phương thức phát triển mới để phát triển kinh tế xã hội.

Trong giai đoạn tiếp theo trách nhiệm của ngành thông tin và truyền thông, cơ quan quản lý, doanh nghiệp là xây dựng hạ tầng Internet tự chủ về công nghệ, rộng khắp, hiện đại và an toàn. Thúc đẩy và bảo vệ sự an toàn của dòng chảy dữ liệu. Dẫn dắt quá trình tích hợp Internet vào mọi hoạt động phát triển kinh tế xã hội.

Trách nhiệm của toàn xã hội là tham gia xây dựng, phát triển Internet Việt Nam an toàn, bền vững, xây dựng phát triển Internet là xây dựng và phát triển cuộc sống số cho giai đoạn chuyển đổi số.

Theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, trong 25 năm qua, sự phát triển của Internet ở Việt Nam là không thể phủ nhận. Internet đã mang đến cho Việt Nam những cơ hội và đổi mới. Rõ nét nhất là sự chuyển hóa của xã hội, các mô hình dịch vụ, ứng dụng trên Internet, đem lại sự thay đổi thần tốc trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa.

Internet bây giờ không chỉ cho mọi người mà còn cho mọi vật, cho mọi lĩnh vực, mọi ngành, của cả kinh tế, xã hội, văn hóa… Chuyển đổi số là phương thức phát triển mới để đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Internet Việt Nam phát triển ngoạn mục

25 năm vừa qua, tài nguyên Internet Việt Nam đã phát triển vượt bậc, góp phần đắc lực cho sự phát triển mạnh mẽ của Internet Việt Nam. Tính đến 31/10/2022, số lượng tên miền đạt mốc 564,444 tên miền, gấp khoảng 1000 lần so với thời kỳ đầu Internet Việt Nam. Tên miền ".vn" là tên miền quốc gia có số lượng đăng ký sử dụng lớn nhất khu vực Đông Nam Á, TOP 10 châu Á Thái Bình Dương.

Ở thời điểm hiện tại, hạ tầng băng rộng di động đã phủ sóng 99,73% số thôn trên toàn quốc. 19,79 triệu hộ gia đình Việt Nam đã có cáp quang, chiếm 72,4%.

Hệ thống cáp quang triển khai tới 100% các xã, phường, thị trấn, 91% thôn bản và 100% trường học. Việt Nam hiện có 94,2 triệu thuê bao smartphone di động. Số thuê bao băng rộng di động là 82,2 triệu, chiếm tỷ lệ 74,3% dân số.

Về IP/ASN, Từ ba mạng độc lập của các ISP đầu tiên năm 2002, đến tháng 10/2022, có tổng số 791 tổ chức, doanh nghiệp sử dụng IP/ASN độc lập;  tổng số mạng AS độc lập trên Internet Việt Nam là 533, là các mạng hạt nhân kết nối với nhau hình thành Internet Việt Nam. Lượng địa chỉ IPv4 Việt Nam đã tăng trưởng lên tới hơn 16 triệu địa chỉ, đứng thứ 8 khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thứ 29 toàn cầu về IPv4.

Sự phát triển của Internet đã dẫn đến sự cạn kiệt địa chỉ IPv4 trên toàn cầu kể từ năm 2011. Đón trước xu thế tất yếu trong ứng dụng IPv6, Việt Nam đã triển khai các hoạt động thúc đẩy và chuẩn bị chuyển đổi sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 từ năm 2008 với mục tiêu tổng thể là đảm bảo “Internet Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định trên nền tảng công nghệ IPv6 từ năm 2019”. Qua chặng đường hơn 10 năm thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, Việt Nam hiện là quốc gia có kết quả ứng dụng triển khai IPv6 nổi bật, đáng ghi nhận.

Tính đến hết tháng 10/2022, tỷ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt khoảng 53% đứng thứ 2 ASEAN, thứ 8 toàn cầu. Việc chuyển đổi sử dụng thế hệ địa chỉ và giao thức Internet mới IPv6 trên Internet Việt Nam là một bước đi mạnh dạn và đúng đắn, giúp Việt Nam vượt lên, đi cùng nhịp với các nước phát triển trên thế giới; khẳng định vị thế trong khu vực và quốc tế.

Chia sẻ về thực trạng tài nguyên Internet, bà Trần Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Internet Việt Nam cho hay, Việt Nam hiện có hơn 564.000 tên miền “.vn”, đứng thứ 2 ASEAN, top 10 khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Mức độ sử dụng địa chỉ IP (IPv4, IPv6) của Việt Nam thuộc top 20-30 quốc gia trên toàn cầu. Tỉ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt 53% với hơn 50 triệu người dùng, lọt top 10 nước dẫn đầu thế giới về chuyển đổi IPv6.

Đánh giá về sự phát triển của Internet Việt Nam, ông Paul Wilson - Giám đốc Trung tâm thông tin mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) cho rằng, Internet Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng mặt. Tỷ lệ sử dụng IPv6 tại Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Các tổ chức, chính phủ và người dân đều được hưởng lợi ích mà Internet mang lại. Google tin tưởng vào tương lai của Internet và đồng hành hỗ trợ sự phát triển của Internet Việt Nam./.

>>> Tổng đài 156 tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục