Việt Nam xuất siêu sang Ấn Độ nhiều mặt hàng thế mạnh

10:47' - 03/10/2016
BNEWS Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ ngày càng phát triển tốt, nhất là từ khi Hiệp định thương mại song phương FTA ASEAN-Ấn Độ chính thức được ký kết.
Việt Nam xuất siêu sang Ấn Độ nhiều mặt hàng thế mạnh. Ảnh: Quách Lắm/TTXVN

Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ (Bộ Công Thương) vừa cho biết, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ trong 8 tháng năm 2016 đã đạt 3,47 tỷ USD, tăng 1,23% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 1,76 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu đạt 1,7 tỷ USD, giảm 4,4%.

Riêng tháng 8, Việt Nam đạt mức xuất siêu sang Ấn Độ là 25,72 triệu USD, tăng 5% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch xuất siêu kể từ đầu năm khoảng 60 triệu USD.

Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ tăng mạnh ở các mặt hàng chè, hạt điều, kim loại thường, nguyên phụ liệu dệt may, da, giày, cà phê, hàng dệt may. Riêng xuất khẩu hàng dệt may sang Ấn Độ trong tháng 8 đạt 7,22 triệu USD, tăng hơn 3 lần so với tháng 7, nâng tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may sang Ấn Độ trong 8 tháng qua đạt 22,81 triệu USD.

Bên cạnh các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng vào thị trường Ấn Độ, một số sản phẩm lại có kim ngạch xuất khẩu giảm như than đá, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, chất dẻo nguyên liệu, điện thoại các loại và linh kiện. Trong 8 tháng qua tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng này giảm 48,8% so với cùng kỳ.

Cùng với việc xuất khẩu, Việt Nam cũng tăng kim ngạch nhập khẩu từ Ấn Độ gồm hàng rau quả, đá quý, kim loại quý, máy vi tính, sản phẩm và linh kiện, giấy các loại và các sản phẩm từ sắt thép.

Tuy nhiên, Việt Nam giảm nhập khẩu từ Ấn Độ các mặt hàng dầu mỡ động thực vật, thức ăn gia súc và nguyên liệu, như phân bón. Đặc biệt, trong nhiều tháng qua Việt Nam không nhập khẩu ngô từ Ấn Độ do giá không cạnh tranh được với các nước khác.

Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ ngày phát triển tốt, nhất là từ khi Hiệp định thương mại song phương FTA ASEAN-Ấn Độ chính thức được ký kết. Hiện, Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Ấn Độ đã có 87 dự án đầu tư tại Việt Nam, đứng thứ 30/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam với vốn đăng ký 298 triệu USD, tập trung chủ yếu vào các ngành như công nghiệp chế tạo và khai khoáng.

Theo nhận định từ các chuyên gia thương mại, với nền tảng lâu đời của mối quan hệ truyền thống Việt Nam-Ấn Độ, chính sách hướng Đông của Ấn Độ cũng như công cuộc đổi mới của Việt Nam là những yếu tố thuận lợi giúp mang lại cơ hội thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước.

Ấn Độ tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư trên các lĩnh vực dầu khí, thép, khoáng sản, chè, đường, đào tạo công nghệ thông tin, cũng như là điểm trung chuyển hàng hóa trong khu vực Đông Nam Á.

Chính vì vậy, mặc dù còn nhiều khó khăn, trở ngại như thông tin chưa đầy đủ, có cách trở địa lý, khác biệt về văn hóa, tâm lý, thói quen, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu trùng hợp, nhưng quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ sẽ tiếp tục phát triển ngày càng tốt đẹp hơn.

Điều này đã thể hiện qua việc chỉ riêng trong năm 2015, phía Ấn Độ đã tổ chức được 25 đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam khảo sát thị trường, xúc tiến cơ hội đầu tư.

Đáng lưu ý, Chính phủ nước này cũng đang xây dựng các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế cho các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư. Theo đó, mặt hàng dệt may, cơ khí, nông sản là những lĩnh vực mà cả Việt Nam và Ấn Độ cùng có thế mạnh và cũng đã được chính phủ hai nước đặc biệt quan tâm.

Để đạt mục tiêu đến năm 2020, kim ngạch song phương Việt Nam-Ấn Độ đạt 15 tỷ USD, Bộ Công Thương cho rằng, cần phải tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm.

Cùng đó, doanh nghiệp cần liên hệ chặt chẽ hơn với các đại sứ quán, phòng thương mại giữa hai bên để tìm kiếm cơ hội hợp tác với nước bạn cũng như khuyến khích đầu tư thương mại giữa hai bên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục