Vietcombank còn nhiều dư địa mở rộng biên lợi nhuận ròng

18:34' - 09/05/2021
BNEWS Vietcombank có thể cải thiện hiệu suất doanh mục cho vay để mở rộng NIM (biên lợi nhuận ròng) trong các năm tới.

Theo các chuyên gia tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Everest (mã chứng khoán: EVS), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank (mã chứng khoán: VCB) có thể cải thiện hiệu suất danh mục cho vay trong các năm tới nhờ cơ cấu lại danh mục cho vay: giảm tỷ trọng cho vay liên ngân hàng, cho vay khách hàng lớn, tăng tỷ trọng cho vay khách hàng vừa và nhỏ và cho vay bán lẻ.

Thông qua đó, NIM (biên lợi nhuận ròng - chỉ số cho biết doanh nghiệp thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế từ một đồng doanh thu) của Vietcombank sẽ được mở rộng.

Nhờ vị thế của mình, Vietcombank luôn duy trì được lãi suất huy động các kỳ hạn ở mức thấp, cùng với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức cao giúp cho Vietcombank trở thành ngân hàng có chi phí huy động vốn bình quân thấp nhất ngành.

Đây là lợi thế cạnh tranh không nhỏ giúp Vietcombank tiếp cận được các khách hàng với chất lượng tín dụng tốt và gia tăng biên lãi thuần - chỉ số cho biết mức lợi nhuận tăng thêm trên mỗi đơn vị hàng hóa được bán ra hoặc dịch vụ được cung cấp.

Mới đây, Vietcombank công bố kết quả kinh doanh quý I/2021. Theo đó, thu nhập lãi của Vietcombank đạt 17.201 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước nhưng nhờ chi phí lãi giảm mạnh tới 22%, thu nhập lãi thuần của Vietcombank đạt 10.081 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Mảng dịch vụ là điểm nhấn của Vietcombank trong quý I/2021 khi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 3.437 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với quý cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ đột biến lãi từ mảng dịch vụ, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro tín dụng của Vietcombank đạt xấp xỉ 11.000 tỷ đồng. Sau khi dự phòng rủi ro tín dụng, ngân hàng báo lãi trước thuế 8.631 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thực tế, Vietcombank sở hữu một hệ sinh thái tài chính toàn diện, có các công ty con hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, quản lý quỹ, cho thuê tài chính, chuyển tiền. Riêng lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, Vietcombank ký hợp đồng phân phối độc quyền với Tập đoàn Bảo hiểm FWD, giá trị thương vụ ước tính lên tới 1 tỷ USD.

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông vừa diễn ra, Ban lãnh đạo Vietcombank cho biết, ngân hàng đã hạch toán 1.700 tỷ đồng phí trả trước từ hợp đồng bảo hiểm với Tập đoàn Bảo hiểm FWD và 1.100 tỷ đồng phí hoa hồng. Như vậy, tổng thu nhập từ hoạt động phân phối bảo hiểm trong quý I/2021 đạt khoảng 2.800 tỷ đồng.

Chứng khoán Everest kỳ vọng hiệu suất hoạt động dịch vụ trên quy mô khách hàng của Vietcombank sẽ được cải thiện nhờ mảng phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance). Hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với Tập đoàn Bảo hiểm FWD giúp Vietcombank thu được một khoản phí trả trước (upfront fee) lớn phân bổ qua các năm, đồng thời cũng là sức ép để thúc đẩy Vietcombank tích cực hơn trong việc bán bảo hiểm.

Cũng tại Đại hội đồng cổ đông, lãnh đạo Vietcombank thông tin, đơn vị được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 10,5% cho năm 2021, tuy nhiên mức giao này có thể điều chỉnh tùy tình hình kinh tế. Lãnh đạo Vietcombank cho rằng mức tăng trưởng khoảng 11% là phù hợp.

Lịch sử các năm trước cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng thường cao hơn hạn mức giao đầu năm. Chứng khoán Everest kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2021 của Vietcombank tối thiểu đạt 12%.

Chứng khoán Everest cho rằng, hiệu suất danh mục cho vay của Vietcombank ở mức thấp hơn nhiều so với đối thủ cạnh tranh. Vietcombank có thể cải thiện hiệu suất danh mục cho vay trong các năm tới nhờ cơ cấu lại danh mục cho vay: giảm tỷ trọng cho vay liên ngân hàng, cho vay khách hàng lớn, tăng tỷ trọng cho vay khách hàng vừa và nhỏ và cho vay bán lẻ. Thông qua đó, NIM của VCB sẽ được mở rộng.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2021, Vietcombank lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 11%; trong đó, riêng lợi nhuận ngân hàng riêng lẻ là 25.000 tỷ đồng - có điều chỉnh theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và ý kiến của Bộ Tài chính. Tỷ lệ nợ xấu vẫn sẽ duy trì mức thấp dưới 1%; tỷ lệ chi trả cổ tức là 8%.

Đặc biệt năm nay, ngân hàng lên kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ lên hơn 50.000 tỷ đồng bằng cách phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

Vietcombank tiền thân là Sở Quản lý Ngoại hối thuộc Ngân hàng Quốc Gia Việt Nam, thành lập năm 1955. Cơ cấu tổ chức của Vietcombank nhìn chung không có sự khác biệt so với các tổ chức tín dụng khác và đã đáp ứng chuẩn Basel 2 theo quy định tại thông tư 13/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Vietcombank hiện được sở hữu 74,8% với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 15% bởi Ngân hàng Mizuho - Nhật Bản, 15% bởi GIC - Quỹ đầu tư của chính phủ Singapore, 7,7% bởi các cổ đông khác. Lãnh đạo và người có liên quan sở hữu không đáng kể.

Hiện, khối ngoại sở hữu xấp xỉ 23% vốn của Vietcombank, như vậy vẫn còn room để khối ngoại tiếp tục sở hữu ngân hàng này theo quy định của pháp luật.

Trên thị trường chứng khoán VCB có giá 97.000 đồng/cổ phiếu (chốt phiên giao dịch 7/5), giảm nhẹ 2% so với chốt phiên giao dịch đầu năm ngày 4/1./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục