Vietcombank giảm mạnh lãi suất cho vay cuối năm

17:06' - 18/11/2019
BNEWS Chiều ngày 18/11, Vietcombank công bố giảm đồng loạt 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu bằng VND của doanh nghiệp trong 2 tháng cuối năm 2019.
Khách hàng giao dịch tại Vietcombank. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Động thái này của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nhằm bám sát chủ trương của Chính phủ và định hướng của Ngân hàng Nhà nước trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng đối với doanh nghiệp những tháng cuối năm.

Đây cũng được đánh giá là đợt giảm lãi suất "lớn nhất từ trước đến nay" bởi áp dụng cho tất cả doanh nghiệp thay vì chỉ trong lĩnh vực ưu tiên.

Đáng chú ý, lần giảm lãi suất này không phải chỉ được áp dụng từ ngày 18/11 mà từ 1/11/2019 tức cho cả các khoản vay cách đây 18 ngày.

Theo ước tính của Vietcombank, quy mô đợt giảm lãi suất này tác động tới 320.000 tỷ đồng dư nợ cho vay của ngân hàng. Lợi nhuận ước tính của Vietcombank có thể giảm 260 tỷ đồng trong 2 tháng cuối năm. Tuy nhiên, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank khẳng định, động thái này của ngân hàng sẽ không ảnh hưởng chỉ tiêu mà cổ đông giao cho năm 2019.

Thông báo của Vietcombank cho biết, đối với các khoản vay thông thường của các doanh nghiệp, Vietcombank giảm đồng loạt 0,5%/năm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019.

Đặc biệt, đối với các khoản vay thuộc lĩnh vực ưu tiên của các doanh nghiệp, lãi suất giảm xuống mức tối đa là 5,0%/năm đối với cho vay ngắn hạn hiện hữu, đưa lãi suất về mức thấp hơn 1,5%/năm so với quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đây là lần thứ 3 liên tiếp trong năm nay ngân hàng này giảm lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, lần đầu tiên tại cuộc họp Hội nghị ngành ngân hàng 2019 và lần thứ 2 là vào đầu tháng 8, mỗi lần 0,5%/năm.

Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm: Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại; Phục vụ kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa; Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao; Lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Cho vay doanh nghiệp khởi nghiệp.

Cũng trong ngày 18/11, lãi suất huy động của Vietcombank tại Chi nhánh Sở giao dịch đã đồng loạt được điều chỉnh giảm 0,2%/năm tại nhiều kỳ hạn so với trước đó. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1-3 tháng giảm từ mức 4,5-5%/năm xuống còn 4,3-4,8%/năm, kỳ hạn 6 và 9 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống còn 5,3%/năm.

Việc giảm lãi suất huy động cũng được ghi nhận tại nhiều ngân hàng trong ngày 18/11. Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 12 tháng đều được điều chỉnh giảm 0,2%/năm xuống còn 4,3-4,8%/năm với các kỳ hạn từ 1-3 tháng và 5,3%/năm với các kỳ hạn 6 và 9 tháng. Còn tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy hiện chỉ còn 7,6%/năm đối với khách hàng gửi từ 100 tỷ trở lên kỳ hạn 24 tháng thay vì 8,6%/năm như trước đó. Các kỳ hạn khác cũng giảm từ 0,1-0,2%/năm.

Trước đó, một số ngân hàng thương mại ngay từ đầu tháng 11 cũng đã điều chỉnh giảm nhẹ mức lãi suất huy động từ 0,1 - 0,3%/năm, tập trung chủ yếu ở các kỳ hạn trên 12 tháng; trong đó có Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)...

Động thái giảm lãi suất huy động hàng loạt ở những tháng cuối năm này đi ngược lại xu hướng thông thường bởi đây là thời điểm nhà các ngân hàng cần huy động vốn nhiều nhất để phục vụ nhu cầu kinh doanh cuối năm. Tuy nhiên đây cũng là nỗ lực lớn của ngành ngân hàng trong việc tiết giảm chi phí đầu vào từ đó tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế./.

>> Xoay quanh câu chuyện điều chỉnh lãi suất trái chiều giữa các ngân hàng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục