Xoay quanh câu chuyện điều chỉnh lãi suất trái chiều giữa các ngân hàng

17:32' - 13/11/2019
BNEWS Đi ngược với xu hướng tăng lãi suất huy động vào mùa cuối năm, một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm nhẹ mức lãi suất từ 0,1 - 0,3%/năm, tập trung chủ yếu ở các kỳ hạn trên 12 tháng.
Một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm nhẹ mức lãi suất từ 0,1 - 0,3%/năm. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất chung hiện vẫn ở mức cao, nhưng không phải là vấn đề đáng lo ngại vì thực tế thị trường đang tự điều chỉnh.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 24 tháng giảm 0,2%/năm xuống còn 7.55%/năm kể từ ngày 11/11/2019. Trước đó, lãi suất huy động các kỳ hạn 16 - 17 tháng tại Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) cũng giảm 0,3%/năm xuống còn 7,4%/năm.

Ghi nhận tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), lãi suất cao nhất mà ngân hàng này áp dụng cho các kỳ hạn 24 - 60 tháng đã giảm từ 8,6%/năm xuống còn 8,5%/năm. Lãi suất các kỳ hạn khác cũng được điều chỉnh giảm đồng loạt từ 0,1 - 0,2%/năm. Trong đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng còn 7,3%/năm; kỳ hạn 8 - 11 tháng còn 7,7%/năm…

Còn tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), biểu lãi suất huy động mới nhất cho thấy lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,1%/năm xuống còn 7,7%/năm, lãi suất kỳ hạn 15 - 18 tháng tại quầy giảm 0,2%/năm xuống còn 8,1%/năm. Lãi suất cao nhất tại Eximbank hiện là 8,4%/năm với các kỳ hạn 13, 24 và 36 tháng.

Cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ tháng 11/2019, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đang áp dụng lãi suất từ 7,2% - 7,5%/năm cho các khoản gửi khác nhau kỳ hạn 6 tháng, giảm 0,1%/năm so với trước đó. Đồng thời, lãi suất gửi tiền online cao nhất trong cùng kỳ hạn tại VPBank cũng giảm từ 7,6%/năm xuống còn 7,5%/năm.

Trong khi đó, xu hướng tăng lãi suất huy động vẫn được ghi nhận tại một số ngân hàng thương mại khác, thậm chí mức tăng lên tới 1,2%/năm so với trước.

Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng đã được điều chỉnh tăng mạnh, từ mức 7,6%/năm lên 8,8%/năm. Các kỳ hạn khác như 6 tháng cũng tăng từ 7,4%/năm lên 8%/năm, kỳ hạn 9 tháng tăng từ 7,5%/năm lên 8,1%/năm, kỳ hạn 12 tháng tăng từ 8%/năm lên 8,2%/năm và kỳ hạn 24 tháng tăng từ 8%/năm lên 8,7%/năm.

Mức lãi suất huy động cao nhất trong hệ thống theo khảo sát trong những tuần đầu tháng 11/2019 lên tới 9,4%/năm thuộc về Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) dành cho các khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng với kỳ hạn 13 tháng.

Theo một lãnh đạo ngân hàng thương mại, việc các ngân hàng điều chỉnh lãi suất trái chiều là do thời gian qua nhiều ngân hàng đã huy động đủ nguồn vốn để đáp ứng đủ quy định về an toàn vốn mới của Ngân hàng Nhà nước, thanh khoản ổn định nên không có áp lực huy động vốn tại thời điểm này. Đồng thời, nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất đầu vào cũng nhằm tạo điều kiện giảm lãi suất đầu ra.

"Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước "tuýt còi" trước cuộc đua tăng lãi suất của nhiều ngân hàng thương mại hồi tháng 8/2019 cũng khiến các ngân hàng cẩn trọng hơn trong hoạt động huy động", vị lãnh đạo này cho hay.

Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, sự hấp dẫn của trái phiếu doanh nghiệp đối với các nhà đầu tư đang giúp cho doanh nghiệp có thêm kênh huy động mà không quá phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng.

"Mặc dù tín dụng vẫn giữ một vai trò quan trọng và không có sự suy giảm đột ngột, nhưng rõ ràng doanh nghiệp đã biết dùng đến các công cụ của thị trường tài chính, huy động vốn từ thị trường chứng khoán. Đây sẽ là kênh huy động chính trong tương lai để giảm phụ thuộc vào ngân hàng", ông Thịnh cho hay.

Theo khảo sát, từ đầu tháng 11 tới nay, ngoại trừ 4 ngân hàng lớn là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công thương Việt Nam (VietinBank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) có lãi suất huy động gần như không đổi với lãi suất cao nhất chỉ ở mức 6,8 - 7%/năm thì hầu hết các ngân hàng thương mại đều có mức lãi suất điều chỉnh ở mức cao. Như vậy, khoảng cách chênh lệch lãi suất huy động cao nhất giữa các nhóm ngân hàng đã vượt trên mức 2%/năm.

Nguyên nhân của khoảng cách chênh lệch này, theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh là do xuất phát từ uy tín của các ngân hàng. Đối với các ngân hàng nhỏ, họ chấp nhận đẩy lãi suất huy động lên mức cao để hút nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư và các tổ chức. Tuy nhiên, lãi suất cao cũng đi đôi với rủi ro lớn mà người gửi tiền cần cân nhắc.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đức Độ, lãi suất cho vay phụ thuộc vào lãi suất huy động. Hiện nay xu hướng gửi tiền của người dân vẫn là ngắn hạn nên muốn duy trì nguồn vốn dài hạn thì các ngân hàng vẫn phải duy trì mức lãi suất cao.

Nhận định về biến động lãi suất từ nay đến cuối năm, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc khối khách hàng tư nhân SSI cho rằng, xu hướng đi ngang và nhích nhẹ vẫn là chủ đạo trong thời gian tới tại cả thị trường liên ngân hàng lẫn thị trường 1 (thị trường huy động từ cá nhân, tổ chức). Tuy nhiên, nguồn lực đang rất dồi dào nên sẽ không có biến động nào đáng lo ngại./.

Xem thêm:

>>Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất tháng 11/2019?

>>Trung Quốc cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong 3 năm qua

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục