Vietnam Airlines bán và thuê lại 4 máy bay để đảm bảo an toàn vốn chủ sở hữu

14:36' - 10/02/2017
BNEWS Vietnam Airlines chuẩn bị báo cáo Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2017 về chủ trương thực hiện phương án bán và thuê lại đối với 4 máy bay theo hợp đồng mua có lịch nhận năm 2017.
Máy bay Airbus A350 của Vietnam Airlines. Ảnh: VietnamPlus

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang chuẩn bị báo cáo Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2017 về chủ trương thực hiện phương án bán và thuê lại đối với 4 máy bay, bao gồm 1 máy bay Boeing B787 - 9 và 3 máy bay Airbus A350 theo hợp đồng mua có lịch nhận năm 2017.

Đây là phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 172/QĐ-TTg ngày 16/01/2013 về đề án tái cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2012 – 2015. Vietnam Airlines trình Đại hội cổ đông và đã được thông qua trong năm 2016.

Là hãng hàng không quốc gia Việt Nam, với cổ đông chính Nhà nước, Vietnam Airlines được Chính phủ đồng ý bảo lãnh miễn phí 100% vốn vay tín dụng xuất khẩu, vay thương mại nước ngoài để đầu tư phát triển đội tàu bay.

Mặc dù các dự án đầu tư máy bay B787-9 và A350 của Tổng công ty đều đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư và vay bảo lãnh, nhưng đứng trước áp lực nợ công quốc gia đang tăng cao, và đảm bảo độ an toàn cho dòng vốn chủ sở hữu, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo Vietnam Airlines có các giải pháp để giảm tỷ lệ phải trả trên chủ sở hữu.

Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính dựa trên tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines cũng đã yêu cầu Tổng công ty xây dựng phương án tái cơ cấu đầu tư, tài chính, trong đó trọng tâm là phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, cân đối dòng tiền, cơ cấu lại đội tàu bay nhằm giảm dần hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu, cân đối khả năng thanh toán các khoản nợ và đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Vietnam Airlines xây dựng phương án vốn cho các máy bay có lịch nhận năm 2017 theo hình thức bán và thuê lại. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh, việc sử dụng phương án này sẽ giúp Vietnam Airlines cơ cấu lại đội tàu bay, giảm số lượng máy bay sở hữu, giảm dần hệ số nợ phải trả trên vốn sở hữu và tăng khả năng thanh khoản cho Tổng công ty.

“Với kế hoạch này, Tổng công ty vẫn bảo đảm kế hoạch phát triển đội bay và có được máy bay để khai thác theo đúng cấu hình lựa chọn ban đầu, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay, đặc biệt là vốn vay bảo lãnh Chính phủ, quá đó không làm tăng nợ công quốc gia”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Ngọc Minh nêu rõ.

Dự kiến, phương án bán và thuê lại 4 máy bay này sẽ giúp Vietnam Airlines giảm nhu cầu đầu tư và vay nợ mua máy bay khoảng 544 triệu USD so với kế hoạch ban đầu, qua đó, giảm hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu từ 4 lần tại thời điểm 31/12/2016 xuống còn khoảng 3,2 lần tại thời điểm 31/12/2017 và tiến tới sẽ giảm xuống dưới 3 lần vào cuối năm 2018.

Tính đến hết 31/12/2016, Vietnam Airlines đang sở hữu đội tàu bay, bao gồm 86 chiếc, tuổi thọ trung bình 5,7 năm tuổi. Kế hoạch phát triển đội tàu bay của Vietnam Airlines được triển khai theo hướng đổi mới và đơn giản hóa chủng loại, trong đó, tập trung vào các dòng máy bay hiện đại, công nghệ mới, thân thiện với môi trường và tiện nghi hơn cho khách hàng.

Vietnam Airlines sẽ loại toàn bộ 2 loại tàu bay Fokker và ATR72 ra khỏi đội hình sở hữu và sử dụng các dòng máy bay mới, như Airbus A320, A321… Hãng cũng đang lên kế hoạch thay thế toàn bộ 18 chiếc máy bay thân rộng Boeing 777 và Airbus A330 hiện tại bằng 33 chiếc máy bay thế hệ mới Boeing 787-9 và Airbus A350, dự kiến hoàn thành vào năm 2019.

Hoạt động bán và thuê lại (Sale and leaseback – SLB) máy bay là một giao dịch phổ biến trên thế giới mà bên sở hữu thực hiện bán máy bay rồi thuê khai thác lại ngay chính máy bay đó từ bên mua với thời hạn thuê cụ thể.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục