Vinalines không chỉ là thay "áo mới"

08:20' - 03/01/2019
BNEWS Với lợi thế là một trong những doanh nghiệp hàng hải lớn nhất Việt Nam, hội tụ cả 3 lĩnh vực cốt lõi: Đội tàu, cảng biển và dịch vụ logistics, Vinalines sẽ có hình ảnh mới sau cổ phần hóa.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang xây dựng hình ảnh mới sau cổ phần hóa. Đó là thay đổi tổ chức quản lý điều hành và phương thức quản trị, mở rộng cơ hội tiếp cận với thị trường vốn và các hình thức huy động vốn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

* Dấu mốc mới

Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã chính thức giao dịch trên thị trường Upcom với mã giao dịch MVN từ ngày 8/10/2018. Như vậy, từ một doanh nghiệp nhà nước, Vinalines giờ đây đã trở thành công ty đại chúng quy mô lớn hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines cho biết, để mang lại hiệu quả tối đa cho các cổ đông, Tổng công ty sẽ áp dụng các thông lệ quản trị công ty tốt nhất, một hệ thống kế toán, kiểm toán phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Cũng theo ông Sơn, Vinalines đã thay đổi mạnh mẽ thời gian qua. Tuy nhiên, Tổng công ty còn rất nhiều việc phải làm. Thay đổi mô hình quản trị, thay đổi logo, biểu tượng... là cần thiết, nhưng nó cũng chỉ như con người thay đổi một cái áo mới. Điều quan trọng nhất vẫn là thay đổi tư duy và cách làm hướng tới khách hàng. Có như vậy mới trở thành biểu tượng của sự thay đổi.

Quyền Tổng Giám đốc Vinalines Nguyễn Cảnh Tĩnh cho rằng, với lợi thế là một trong những doanh nghiệp hàng hải lớn nhất Việt Nam, hội tụ cả 3 lĩnh vực cốt lõi: Đội tàu, cảng biển và dịch vụ logistics, Vinalines sẽ có hình ảnh mới sau cổ phần hóa.

Tàu chở container vào bốc dỡ hàng tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). Ảnh: Trần Lê Lâm–TTXVN

Cụ thể, về vận tải biển, sau khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Vinalines sẽ tiếp tục thanh lý các tàu cũ, hoạt động không hiệu quả, thay thế bằng các tàu có tính năng hiện đại, tàu chuyên dụng (tàu container, tàu vận tải than khối lượng lớn) vào thời điểm thích hợp.

Trong giai đoạn thị trường vận tải biển chưa có dấu hiệu phục hồi, cùng với khai thác cảng biển, hoạt động logistics của Vinalines vẫn có lãi, giúp đơn vị cân bằng thu chi. Với xu thế ngày càng chuyên môn hóa, khách hàng là các nhà sản xuất lớn luôn mong muốn các hãng tàu vừa cung cấp dịch vụ vận chuyển, vừa làm chuỗi cung ứng.

“Vì vậy, việc thiết kế các dịch vụ tích hợp nhằm tạo ra chuỗi dịch vụ cung ứng trọn gói, gồm: Dịch vụ vận chuyển bằng đường biển/đường bộ/sà lan, dịch vụ kho bãi, thực hiện phân phối cho các hệ thống bán lẻ được coi là nhiệm vụ trọng tâm mà Tổng công ty hướng tới sau cổ phần hóa”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh nhấn mạnh.

Quyền Tổng Giám đốc Vinalines Nguyễn Cảnh Tĩnh cho rằng: “Chữ tín và niềm tin thị trường sẽ được Vinalines xây dựng trên cơ sở thực hiện công khai, minh bạch thông tin, sử dụng vốn góp của nhà đầu tư hiệu quả, tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật và thực hiện đầy đủ những cam kết với cổ đông của mình".

* Lấy cảng biển làm trụ cột chính

Dự kiến đến năm 2020, hệ thống cảng biển thuộc Vinalines sẽ đảm nhận khoảng 30% sản lượng hàng hóa thông qua cảng của cả nước và giữ vai trò là các cảng nòng cốt tại các khu vực Bắc - Trung - Nam.

Theo ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông Vinalines, để đạt được mục tiêu đó, ngoài việc tiếp tục cải tạo cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực bốc xếp tại cảng, Vinalines sẽ đặc biệt chú trọng xây mới và cơ cấu lại các cảng nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế.

“Tuy nhiên, nếu như giai đoạn trước, tổ hợp “kiềng 3 chân - Đội tàu, cảng biển và dịch vụ logistics” của đơn vị chủ yếu tập trung phát triển mảng vận tải biển, sau cổ phần hóa, cảng biển sẽ đóng vai trò trung tâm, tạo tiền đề cho việc phát triển các lĩnh vực còn lại”, ông Hải nói.

Chia sẻ rõ hơn về vấn đề này, ông Trần Tuấn Hải cho biết, thời gian tới, tại khu vực phía Bắc, cảng Hải Phòng được định hướng trở thành cảng dẫn đầu thị phần khai thác về hàng rời và hàng container; trong đó, 2 bến cảng container tại cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện) với năng lực tiếp nhận tàu lên đến 8.000 TEU sẽ được xây dựng. Tại đây, cũng hình thành hệ thống logistics trở thành trạm trung chuyển quốc tế, đưa hàng hóa xuất khẩu của khu vực miền Bắc đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ.

Ở khu vực miền Trung, cảng Ðà Nẵng đã hoàn thành dự án mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 đưa vào khai thác đầu năm 2018. Về dài hạn, Vinalines sẽ nghiên cứu, kiến nghị cho phép đầu tư cảng Liên Chiểu với quy mô 2 bến, có thể tiếp nhận tàu biển trọng tải đến 100.000 DWT giảm tải và 50.000 DWT đủ tải.

Vinalines giờ đây đã trở thành công ty đại chúng quy mô lớn hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Ảnh:minh họa/TTXVN

Ở khu vực phía Nam, Vinalines sẽ hoàn thiện, đưa vào khai thác Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (giai đoạn 2); Các cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang, Cần Thơ cũng sẽ được nâng cao năng lực khai thác, phục vụ lưu thông hàng hóa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khi luồng Quan Chánh Bố (Trà Vinh) hoàn thiện.

Đối với các cảng liên doanh, trong vài năm gần đây, Cảng quốc tế Cái Mép - CMIT liên tục nằm trong top các cảng tăng trưởng nhanh nhất thế giới (trung bình khoảng gần 30%/năm). Hàng tuần, CMIT đón 13 tuyến tàu mẹ đi thẳng bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ, 2 tuyến tàu mẹ đi thẳng châu Âu và 5 tuyến tàu nội Á, trung bình mỗi ngày có 2 tàu mẹ cập các bến ở Cái Mép để kết nối hàng hoá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Mỹ và châu Âu.

Giữa năm 2018, Cảng SSIT (Công ty liên doanh Dịch vụ Container Quốc tế Cảng Sài Gòn)cũng đã đưa tuyến container đầu tiên thuộc hãng MSC (hãng tàu Mediterranean Shipping Company S.A) vào khai thác, đánh dấu bước khởi đầu rất quan trọng của cảng này.

Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines cho hay, định hướng phát triển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là giữ vững vị trí doanh nghiệp hàng đầu của ngành hàng hải Việt Nam, phấn đấu đến năm 2030 trở thành doanh nghiệp có thương hiệu trong khu vực và tham gia chia sẻ thị trường khu vực, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng hải của khu vực và thế giới.

Cơ cấu sở hữu sau cổ phần hóa, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP sẽ nắm giữ vốn tại 19 công ty con và 15 công ty liên kết. Bên cạnh việc quyết định giữ quyền chi phối tại công ty mẹ, Tổng công ty cũng sẽ nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên tại các công ty cổ phần: Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn và Cảng Đà Nẵng.  

Công ty mẹ giữ vai trò chủ đạo và là đầu mối trung gian để các đơn vị thành viên có thể tham gia phối hợp bình đẳng với nhau cùng có lợi, đẩy mạnh sự hỗ trợ, liên kết giữa các khối vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải. Phát huy sức mạnh tổng thể từ các doanh nghiệp thành viên để tham gia triển khai các dự án lớn nhằm tăng cường sức mạnh, sức cạnh tranh so với các đối thủ trên thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục