Vinamilk được gì khi thâu tóm GTNfoods?

14:59' - 27/01/2020
BNEWS Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) đã hoàn tất việc mua cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn HOSE để sở hữu 75% Công ty cổ phần GTNfoods - GTNfoods (mã chứng khoán: GTN).
Dây chuyền sản xuất sữa của Vinamilk. Ảnh: TTXVN

Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt - VCSC ước tính, Vinamilk đã chi khoảng 3.400 tỷ đồng để thâu tóm 75% cổ phần của GTNfoods. Vinamilk thâu tóm GTNfoods đồng nghĩa với việc doanh nghiệp này sở hữu thương hiệu Mộc Châu Milk vì GTNfoods là công ty mẹ của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu - đơn vị sở hữu thương hiệu Mộc Châu Milk.

* Tăng thị phần sữa

Việc thâu tóm GTNfoods được giới phân tích nhận định sẽ mang lại một số lợi ích cho Vinamilk trong dài hạn, điển hình là gia tăng thị phần cả về doanh thu lẫn sản lượng tiêu thụ trên thị trường sữa Việt Nam.

Trước khi Vinamilk trở thành công ty mẹ của GTNfoods, GTNfoods đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường. Theo Nghị quyết Đại hội cổ đông bất thường của doanh nghiệp này được công bố vào trung tuần tháng 12/2019, GTNfoods đã thông qua phương án chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại 3 công ty con là Công ty cổ phần Nông nghiệp GTN (GTN FARM, sở hữu 99,99% vốn), Công ty cổ phần Đầu tư và Khai thác tài sản GTNFOODS (GTN FOODS Tài sản, sở hữu 99,95% vốn) và Công ty TNHH Hàng tiêu dùng GTNFOODS (GTNFOODS Consumers, sở hữu 100% vốn).

Tổng mức giá chuyển nhượng do GTNfoods đưa ra là hơn 734,2 tỷ đồng; trong đó, công ty sẽ chuyển nhượng GTNFARM với mức giá gần 490,5 tỷ đồng, GTNFOODS Tài sản với mức giá 235,5 tỷ đồng và GTNFOODS Consumer với mức giá 8 tỷ đồng.

Như vậy, nếu tái cấu trúc thành công, GTNFoods chỉ còn sở hữu trực tiếp công ty con duy nhất là Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam - CTCP (VILICO). Đây là đơn vị đang sở hữu 51% vốn Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu.

Theo đánh giá của Chứng khoán Bản Việt (VCSC), đây là diễn biến tích cực cho Vinamilk vì các khoản thoái vốn này của GTNfoods sẽ giúp đơn giản hóa cấu trúc doanh nghiệp của GTNfoods, đồng thời mang lại tiền mặt cho công ty để tập trung vào mảng sữa.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), trong năm 2018, doanh thu của Mộc Châu Milk đạt hơn 2.481 tỷ đồng, chiếm 2,3% thị phần về doanh thu ngành sữa.

Trong năm 2019, Mộc Châu Milk liên tục làm mới sản phẩm chủ lực. Cụ thể, công ty đã tung ra các sản phẩm mới gồm sữa tươi Mộc Châu ít đường, sữa chua ăn vị khoai môn và bộ ba sữa tươi năng lượng kết hợp cả hai nguồn protein từ động vật và thực vật. Ngoài ra, Mộc Châu Milk cũng chú trọng thúc đẩy hoạt động khuyến mãi.

PHS ước tính doanh thu năm 2019 và 2020 của Mộc Châu Milk tăng trưởng lần lượt 4% và 5%. Cụ thể, doanh thu của Mộc Châu Milk trong năm 2020 đạt khoảng 2.709 tỷ đồng, chiếm 2,1% thị phần thị trường sữa Việt Nam. Đến năm 2020, Mộc Châu Milk đạt khoảng 85.000 tấn với mức tăng trưởng bình quân khoảng 7% trong giai đoạn 2015-2020. So với mức sản lượng tiêu thụ ước tính của cả nước khoảng 1 triệu tấn, Mộc Châu Milk có khả năng nâng thị phần lên 8,5% trong năm 2020.

PHS hi vọng Vinamilk sẽ có những chiến lược tăng trưởng tốt hơn cho Mộc Châu Milk nhằm nâng cao thị phần trong ngành sữa tươi Việt Nam sau khi thâu tóm GTNfoods.

Ngoài ra, việc thâu tóm GTNfoods sẽ giúp Vinamilk gia tăng nguyên liệu đầu vào và quỹ đất tiềm năng. Hiện Mộc Châu Milk đang sở hữu 3 trại chăn nuôi tập trung với quy mô 1.000 con bò mỗi trang trại. Số lượng bò được khoán cho các hộ dân khoảng trên 21.000 con, với sản lượng khoảng 100.000 tấn sữa tươi/năm, đóng góp 11% sản lượng sữa cả nước.

Công ty ước tính tăng trưởng đàn bò từ 12-15% hàng năm lên 35.000 con vào năm 2020. Nhóm phân tích từ PHS cho rằng, Vinamilk có thể tận dụng tối đa nguồn cung dồi dào từ Mộc Châu Milk, giúp chuỗi cung ứng được cải thiện hơn. Bên cạnh đó, GTNfoods có quỹ đất rộng lớn, với diện tích có thể nuôi đàn bò lên tới 1.040 ha.

GTNfoods đang tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu ra các khu vực lân cận của các tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái... Rủi ro về diện tích đất nông nghiệp của công ty được đánh giá ở mức thấp bởi Cao nguyên Mộc Châu mang đặc trưng của khí hậu cận ôn đới thích hợp cho việc chăn nuôi bò sữa. Với khí hậu lý tưởng như vậy, đàn bò giảm thiểu quá trình thải nhiệt do nhiệt độ tăng cao.

*Bổ sung ngành có lợi thế

Bà Cao Thị Hồng - Giám đốc chiến lược của GTNfoods cho rằng, nếu tái cấu trúc thành công, GTNfoods sẽ có cấu trúc gọn nhẹ, đơn giản, thu được khoản tiền mặt dồi dào (hơn 2.000 tỷ đồng từ thoái vốn); giúp công ty tập trung đầu tư chuyên sâu vào các ngành nghề có thế mạnh.

Bà Hồng cũng cho biết, GTNfoods sẽ sản xuất đồ uống, nước giải khát, sữa đậu nành; kinh doanh các loại chè, hàng công nghiệp thực phẩm, hàng tiêu dùng. Lý do được bà Hồng đưa ra là những ngành nghề bổ sung là những ngành đang có khả năng tăng trưởng tốt. Theo ước tính của Bộ Công Thương, mức tiêu thụ hằng năm của ngành thực phẩm đồ uống Việt Nam chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng trong thời gian tới.

Ngành thực phẩm đồ uống Việt Nam được dự báo sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh đến năm 2020 với mức tăng trung bình 10,9%/năm nhờ thu nhập của người dân cải thiện và và xu hướng tiêu dùng sản phẩm có hiệu quả cao hơn sẽ chiếm lĩnh thị hiếu người tiêu dùng.

Bà Hồng nhận định, GTNfood và các cổ đông như Vinamilk đang có lợi thế về nguồn nguyên liệu, sản xuất, kênh phân phối nên việc bổ sung ngành nghề kinh doanh mới là phù hợp.

Theo nhóm phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), việc Vinamilk hợp nhất GTNfoods thành công ty con dù không kỳ vọng tác động đáng kể nhưng sẽ giúp tăng thêm tối đa 4 - 5%/1% vào doanh thu/lợi nhuận ròng của doanh nghiệp này vào năm 2020 (trong điều kiện không tính đến các khoản thu nhập tài chính từ việc thoái vốn mảng ngoài ngành của GTNfoods).

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2019 của Vinamilk, lãi ròng 9 tháng đầu năm của doanh nghiệp này là gần 8.380 tỷ đồng, đạt được 80% kế hoạch năm.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vinamilk đạt gần 42.145 tỷ đồng, tăng gần 7% so cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán thành phẩm vẫn chiếm cao nhất, gần 96% với gần 40.371 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu VNM gần như đi ngang trong năm 2019. Bước sang năm 2020, cổ phiếu này tăng từ 117.900 đồng (phiên giao dịch ngày 2/1) lên 121.300 đồng/cổ phiếu (22/1), tương ứng mức tăng hơn 2,88%. VNM đang giao dịch với mức P/E (hệ số giá/lợi nhuận một cổ phiếu) là 19,83 lần

Trong khi đó, giá cổ phiếu GTN đã tăng 84,5% trong năm 2019, nhờ thương vụ thâu tóm của Vinamilk. Từ đầu năm đến nay, GTN có xu hướng giảm. Cụ thể, GTN giảm từ 19.400 đồng/cổ phiếu (phiên giao dịch ngày 2/1) xuống mức 18.200 đồng/cổ phiếu (phiên giao dịch ngày 22/1)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục