Vinamilk linh hoạt biến “nguy” thành “cơ”

09:05' - 22/05/2021
BNEWS Trong bối cảnh dịch COVID-19, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã chứng khoán: VNM) đã linh hoạt trong chiến lược kinh doanh để giữ ổn định sản xuất và tăng xuất khẩu.

Dịch COVID-19 đã tạo ra những thách thức rất lớn cho nền kinh tế và ngành sữa cũng hứng chịu những thiệt hại nặng nề. Trong bối cảnh đó, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã chứng khoán: VNM) đã linh hoạt trong chiến lược kinh doanh để giữ ổn định sản xuất và tăng xuất khẩu.

Theo Tổng Giám đốc Vinamilk, bà Mai Kiều Liên, dịch COVID-19 gây ra những khó khăn chưa có tiền lệ với nền kinh tế và ngành sữa không phải là ngoại lệ. Sữa là thực phẩm thiết yếu trong rổ hàng hóa của người tiêu dùng Việt Nam, tuy nhiên, ngành sữa đã tăng trưởng âm 6% trong năm 2020 khi mà cả nước có 32,1 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 và thu nhập bình quân của người lao động giảm 2,3% so với năm 2019.

Bà Liên cho biết, trong bối cảnh mới đầy thách thức, Vinamilk đã có những ứng phó kịp thời để đạt mục tiêu kép là đảm bảo tăng trưởng đồng thời ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.

Trong quý I/2020, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty ước đạt 13.241 tỷ đồng và 2.597 tỷ đồng, tương ứng đạt 21,3% và 23,2% kế hoạch năm.

Chi phí đầu vào liên quan đến các nguyên liệu chính như bột sữa và đường tăng lên đáng kể từ cuối năm 2020 đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên theo bà Liên, con số lợi nhuận thiếu hụt trong quý đầu năm công ty sẽ bù đắp trong 9 tháng cuối năm. Nhìn chung, hoạt động kinh doanh còn phải phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là dịch COVID-19.

Kinh nghiệm năm 2020 cho thấy, nhờ tự chủ được vùng nguyên liệu sữa tươi trong nước, kết hợp với mạng lưới nhà cung cấp nguyên liệu nhập khẩu từ nhiều quốc gia, Vinamilk đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và cả xuất khẩu.

Ứng dụng công nghệ vào quản lý là định hướng được Vinamilk thực hiện trong nhiều năm qua và được thúc đẩy mạnh mẽ trong năm 2020 để ứng phó với điều kiện giãn cách xã hội, hạn chế giao thương do đại dịch toàn cầu.

Quá trình chuyển đổi số đã được triển khai nhanh chóng, không chỉ tại Vinamilk mà ở các công ty con, công ty thành viên; trong đó, điển hình là việc hoàn thành triển khai hệ thống ERP tại Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu - Sữa Mộc Châu (mã chứng khoán: MCM) chỉ trong vòng 10 tháng kể từ ngày Vinamilk tham gia vào đơn vị này.

Hàng loạt các dự án chuyển đổi số khác đã và đang được triển khai trong nhiều lĩnh vực của hầu hết các hoạt động của Vinamilk như quản trị, tài chính, nhân sự, kinh doanh quốc tế và chuỗi cung ứng...

Những công cụ này là cánh tay đắc lực giúp Vinamilk duy trì sự ổn định, đảm bảo quản trị hoạt động và hiệu suất ngay cả khi quy mô doanh nghiệp mở rộng ra gấp nhiều lần so với hiện tại.

Bà Mai Kiều Liên cho rằng, nhìn lại năm 2020 nhiều biến động, một trong những thành công của Vinamilk đó chính là duy trì sự hoạt động ổn định, hiệu quả của tất cả đơn vị thành viên và đảm bảo việc làm, thu nhập và các phúc lợi cho gần 10.000 nhân viên của công ty trên cả nước.

Thực tiễn năm 2020 cho thấy rõ vai trò chủ đạo của phát triển bền vững đối với xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp. Đối mặt với bối cảnh dịch bệnh, chiến tranh thương mại, đình trệ chuỗi cung ứng toàn cầu …, Vinamilk đã linh hoạt chiến lược kinh doanh, vững vàng trong thử thách và đạt tăng trưởng dương.

Cụ thể, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2020 của Vinamilk đạt lần lượt 59.723 tỷ đồng và 11.236 tỷ đồng, tăng trưởng 6% và 6,5% so với năm 2019.

Riêng Sữa Mộc Châu sau một năm về với Vinamilk đã ghi nhận sự bứt phá với doanh thu thuần năm 2020 đạt 2.823 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 281 tỷ đồng, lần lượt tăng 10,3% và 68,2% so với năm 2019.

Theo ban lãnh đạo Vinamilk, bước qua năm 2021, cùng với nhiều biến số bất ngờ khó lường của dịch COVID-19, hệ thống kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro vững chắc sẽ giúp doanh nghiệp dự phòng trước được những thay đổi, giúp biến “nguy” thành “cơ”, tận dụng và củng cố các lợi thế cạnh tranh.

Một phần trong hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 là Việt Nam sẽ giảm thuế nhập khẩu các sản phẩm sữa từ châu Âu về mức 3,5%-0% so với mức 5-15% như hiện tại trong vòng 3-5 năm tới. Điều này sẽ khiến thị trường sữa cạnh tranh hơn khi sữa nhập khẩu từ châu Âu được hưởng lợi, nhưng đồng thời là động lực thúc đẩy các công ty sữa nội địa gia tăng năng lực để cung cấp ra thị trường các sản phẩm chất lượng hơn.

Thực tế, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 kéo dài tại nhiều nước trên thế giới nhưng hoạt động xuất khẩu của Vinamilk tiếp tục đón những thông tin tích cực trong quý I/2021, với sản phẩm sữa đặc và sữa hạt được xuất sang thị trường Trung Quốc, sữa tươi có chứa tổ yến được xuất sang thị trường “khó tính” Singapore.  Dựa trên những kết quả này, xuất khẩu dự kiến sẽ tiếp tục mạch tăng trưởng của năm 2020. Trong quý I/2021, doanh thu xuất khẩu của công ty ước tăng trưởng trên 8% so với cùng kỳ.

Các công ty con của Vinamilk đã ghi nhận những kết quả khả quan trong năm 2020, điển hình là Angkormilk với mức tăng trưởng gần 20% và Sữa Mộc Châu tăng trưởng hơn 10%. Cổ phiếu Sữa Mộc Châu đã chính thức được niêm yết trên thị trường UPCOM chỉ sau chưa đầy 1 năm về với Vinamilk.

Các dự án liên doanh ViBev giữa Vinamilk và Công ty cổ phần Tập đoàn Kido, dự án liên doanh tại Philippines đang triển khai các hoạt động kinh doanh, khai thác thị trường như kế hoạch. Dự kiến các liên doanh này sẽ ra mắt sản phẩm mang nhãn hiệu riêng vào quý III và quý IV năm 2021.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, các dự án phát triển vùng nguyên liệu của Vinamilk vẫn được thực hiện đúng tiến độ. Tiêu biểu là việc đón thành công 2.100 bò sữa HF thuần chủng nhập khẩu từ Mỹ về trang trại mới của Vinamilk tại Quảng Ngãi vào ngày 21/3/2021.

Đây là trang trại mới có quy mô 4.000 con, diện tích trên 100 ha với tổng vốn đầu tư ban đầu lên đến 700 tỷ đồng nằm trong hệ thống trang trại sinh thái “Green Farm” mà Vinamilk đang đầu tư phát triển từ đầu năm 2021. Theo kế hoạch, công ty cũng sẽ nhập khẩu hơn 5.000 con bò sữa cao sản để gia tăng tổng đàn cho các dự án trang trại trong năm nay.

Ngoài ra trong năm 2021, Vinamilk sẽ tập trung đầu tư các dự án lớn để mở rộng quy mô. Cụ thể như dự án Trang trại bò sữa công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái tại Mộc Châu, Sơn La, Tổ hợp trang trại bò sữa Lao-Jagro tại Lào, Dự án chăn nuôi, chế biến và phân phối bò thịt của Vilico...

Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên cho biết, Vinamilk cũng đang tìm kiếm cơ hội mua bán sáp nhập (M&A) trong 3-5 năm tới để tăng trưởng thêm và cũng có thể đi theo ngành kinh doanh mới nếu tiềm năng.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinamilk, bà Lê Thị Băng Tâm, năm 2021 đến với những tác động khó lường do ảnh hưởng dây chuyền của toàn bộ nền kinh tế, xã hội, chính trị toàn cầu. Những biến động, khó khăn mới cũng sẽ xuất hiện và thách thức Vinamilk.

Tuy nhiên bà Tâm cho biết, công ty đã chuẩn bị từ chiến lược cho đến các chương trình cụ thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và chinh phục các mục tiêu đề ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục