Vinasoy thu thập, nghiên cứu hơn 1.500 nguồn gen đậu nành quý

12:49' - 07/07/2022
BNEWS Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy vừa thực hiện đợt trồng khảo nghiệm, đánh giá 1.533 nguồn gen đậu nành quý tại Trạm Khảo nghiệm đậu nành Tây Nguyên sau 10 năm thu thập, nghiên cứu.

Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy (VSAC - thuộc Công ty Sữa đậu nành Việt Nam) vừa thực hiện đợt trồng khảo nghiệm, đánh giá 1.533 nguồn gen đậu nành quý tại Trạm Khảo nghiệm đậu nành Tây Nguyên sau 10 năm thu thập, nghiên cứu.

 

Đây là đợt trồng đánh giá toàn bộ tập đoàn nguồn gen đậu nành hiện có để làm vật liệu lai tạo giống, nhằm phát triển các giống đậu nành mới có chất lượng dinh dưỡng và năng suất cao, phù hợp với các vùng nguyên liệu khắp cả nước.

Ông Huỳnh Sơn Hải, Giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy cho biết, Vinasoy đã quyết tâm đầu tư đến cùng cho vùng nguyên liệu để chủ động được nguồn đậu nành thơm ngon, giàu dinh dưỡng.

Vì vậy, Vinasoy đã đầu tư phát triển đội ngũ kỹ sư, nhà khoa học giỏi nhất và công nghệ nghiên cứu tiên tiến nhất trong lĩnh vực đậu nành.

Qua đó, chọn tạo thành công giống đậu nành không biến đổi gen VINASOY 02-NS, có năng suất cao, phù hợp với các dòng sản phẩm và chuyển giao cho nông dân ở các vùng nguyên liệu cải thiện năng suất chỉ từ 1 - 1,5 tấn lên 2,5 - 3 tấn/ha.

Tham quan thực tế Trạm khảo nghiệm đậu nành Tây Nguyên, ông Đinh Công Chính, Phó Trưởng Phòng cây lương thực, cây thực phẩm (Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thời gian qua, diện tích và sản lượng đậu nành của Việt Nam liên tục giảm dần qua các năm. Nếu như năm 2010, diện tích trồng đậu nành đạt 197.800 ha, năm 2021 chỉ còn hơn 37.000 ha, giảm hơn 75% so với năm 2010. Việt Nam sẽ thiếu hụt 3,5 – 5 triệu tấn đậu tương/năm, trở thành nước nhập khẩu đậu nành lớn với kim ngạch 2 - 3 tỷ USD/năm.

Theo ông Chính, nhờ sở hữu tập đoàn nguồn gen đậu nành quý, đa dạng cùng nền tảng nghiên cứu tiên tiến, Vinasoy có nhiều cơ hội chọn tạo ra ngày càng nhiều các giống đậu tương tốt, đáp ứng cho nhu cầu của nhà sản xuất và phù hợp với yêu cầu về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng. Đây là việc làm rất ý nghĩa, mang tính dài hạn, bền vững, vừa có tư duy chiến lược lại ứng dụng được công nghệ cao trong công tác chọn tạo giống, phát triển vùng trồng.

Ngân hàng gen đậu nành là thành quả lớn của VSAC sau nhiều năm thu thập, nghiên cứu các dòng, giống đậu nành trong và ngoài nước, từ các dòng, giống đậu nành hoang dại đến các dòng, giống đậu nành có các đặc tính chuyên biệt như năng suất cao, đạm cao, kháng sâu bệnh, kháng mặn, kháng phèn… Vinasoy thực hiện bảo quản nguồn gen quý này trong điều kiện tối ưu để đảm bảo duy trì chất lượng hạt giống trong thời gian dài, đồng thời áp dụng công nghệ di truyền phân tử trong công tác chọn tạo giống vì thế việc xác định giống con lai tốt được thực hiện rất nhanh, chính xác và không cần nhiều thời gian chờ đợi có kết quả.

Triển khai trồng khảo nghiệm tại huyện Cư Jút, vùng trồng đậu nành lớn nhất của tỉnh Đắk Nông hiện nay, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy cho biết, với lợi thế về khí hậu, đất đai thổ nhưỡng, Cư Jút có thể gieo trồng tới 4 mùa đậu nành trong năm, giúp việc thử nghiệm đánh giá diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn, rút ngắn 1/2 thời gian so với phương pháp truyền thống, thậm chí nhanh hơn cả của các trung tâm nghiên cứu có tiếng trên thế giới như ở vùng Costa Rica – Trung Mỹ. Với 2 yếu tố trên Vinasoy đã rút ngắn được thời gian chọn tạo giống mới và phát triển được giống tốt chỉ sau 4-5 năm (so với thời gian trung bình 10 năm ở các nước nổi tiếng cung ứng đậu nành như ở Canada, Mỹ… )./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục