Vĩnh Long huy động gần 1.100 máy tính cho học sinh khó khăn học trực tuyến

20:37' - 02/10/2021
BNEWS Chương trình "Sóng và máy tính cho em" đã huy động gần 1.100 máy tính cho học sinh khó khăn của Vĩnh Long học trực tuyến.

Chiều 2/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long tổ chức Lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em" nhằm huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thể học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Thông qua chương trình, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đóng góp số tiền hơn 3,1 tỷ đồng và 1.039 máy tính bảng, 50 máy tính bàn cùng các gói cước miễn phí.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm cho biết, năm học 2021-2022, toàn tỉnh có trên 200.000 học sinh chuyển sang hình thức học trực tuyến hoặc học trên truyền hình nhằm thích ứng với điều kiện dịch bệnh.

Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập và đời sống của người dân, nhiều em học sinh không đủ điều kiện để học trực tuyến do gia đình quá khó khăn.

Đặc biệt, một số em học sinh không còn ông bà, cha hoặc mẹ, người nuôi dưỡng do dịch COVID-19.

Qua rà soát, toàn tỉnh có trên 29.000 học sinh không có thiết bị học trực tuyến, trong đó có 1.600 học sinh nghèo, trên 4.100 học sinh cận nghèo; có 110 khu vực nhà trường không có internet.

Chương trình "Sóng và máy tính cho em" nhằm huy động, tổng hợp các nguồn lực xã hội cùng tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện chăm lo cho các em học sinh, nhất là học sinh nghèo, cận nghèo và học sinh có người thân mất do dịch COVID-19... được tiếp tục học tập.

Để phát huy ý nghĩa của Chương trình, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cần phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương để tổ chức tốt việc rà soát đối tượng học sinh chưa có đủ các điều kiện để học tập trực tuyến, trong đó cần quan tâm các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo để kịp thời hỗ trợ.

Các đơn vị có liên quan nhanh chóng tổ chức mua sắm thiết bị theo quy định và bàn giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo để phân bổ về địa phương theo đúng đối tượng; trước mắt ưu tiên cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo cấp Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông, nhất là các lớp cuối cấp để học sinh theo kịp chương trình.

Trong quá trình tổ chức, Sở Giáo dục và Đào tạo và các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để cha mẹ học sinh, cộng đồng, nhà trường hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của chương trình và cùng phối hợp thực hiện; tổ chức cho học sinh sử dụng thiết bị trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.

Thực hiện Chương trình "Sóng và máy tính cho em", tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng phương án vận động hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn thông qua 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (năm học 2021-2022), tỉnh vận động ít nhất 50% học sinh hộ nghèo, cận nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình có cha hoặc mẹ mất do ảnh hưởng dịch COVID– 19, có thiết bị học tập trực tuyến.

Giai đoạn 2 (năm học 2022-2023), tỉnh Vĩnh Long huy động mọi nguồn lực, hướng tới mục tiêu 100% học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh có thiết bị học tập trực tuyến.

Ngoài ra, tỉnh cũng vận động miễn phí 100% sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố; miễn phí cước data di động cho đối tượng học sinh được hỗ trợ thiết bị học trực tuyến giai đoạn 1 trong thời gian ba tháng; hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học trực tuyến, đảm bảo đường truyền internet hoạt động ổn định và thông suốt trong quá trình dạy và học trực tuyến.

Trước đó, tỉnh Vĩnh Long thống nhất chủ trương không thu học phí học kỳ I đối với trẻ mẫu giáo, học sinh phổ thông công lập, học viên tại các cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông.

Tỉnh cũng đã vận động từ nguồn xã hội hóa và trao tặng 120.000 quyển tập, gần 500 bộ sách giáo khoa, 57 điện thoại thông minh cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và học sinh có cha hoặc mẹ mất vì dịch COVID-19, trên 200.000 khẩu trang… nhằm hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có điều kiện được học tập./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục