Vĩnh Phúc công khai thông tin gần 600 doanh nghiệp nợ thuế

13:59' - 23/12/2019
BNEWS Vĩnh Phúc vẫn còn hàng trăm doanh nghiệp chây ì không nộp tiền nợ thuế theo thông báo hoặc nộp không đủ tiền nợ thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp.

Mặc dù cơ quan chức năng Vĩnh Phúc đã thường xuyên áp dụng các biện pháp đôn đốc, nhắc nhở việc nợ đọng thuế của các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhưng hiện tại, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn hàng trăm doanh nghiệp chây ì không nộp tiền nợ thuế theo thông báo hoặc nộp không đủ tiền nợ thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp. Không ít doanh nghiệp nợ tới hàng chục tỷ đồng tiền thuế và tới đây sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc, đến tháng 11/2019, trên địa bàn tỉnh có gần 600 doanh nghiệp nợ đọng các khoản tiền thuế đến 90 ngày và trên 90 ngày với tổng số tiền nợ lên tới trên 1.000 tỷ đồng; trong đó, riêng số tiền nợ thuế của các doanh nghiệp do Cục Thuế tỉnh quản lý khoảng gần 600 tỷ đồng; Chi cục Thuế thành phố Vĩnh Yên có 300 doanh nghiệp, nợ số tiền thuế trên 211 tỷ đồng; Chi cục Thuế thành phố Vĩnh Yên có 55 doanh nghiệp nợ gần 69 tỷ đồng.

Chi Cục Thuế Vĩnh Tường có 20 doanh nghiệp nợ gần 55 tỷ đồng; Chi Cục Thuế Yên Lac 27 doanh nghiệp nợ gần gần 29 tỷ đồng;  Chi cục Thuế Tam Dương có 26 doanh nghiệp nợ hơn 13 tỷ đồng; Chi Cục Thuế huyện Bình Xuyên có 24 doanh nghiệp nợ hơn 10,3 tỷ đồng; Chi cục Thuế huyện Tam Đảo có 6 doanh nghiệp, nợ số tiền gần 3,9 tỷ đồng.

Theo danh sách các doanh nghiệp nợ tiền thuế được công khai thông tin (Kèm theo phiếu đề nghị phối hợp về việc công khai thông tin doanh nghiệp nợ tiền thuế ngày 21/11/2019) của Cục Thuế tỉnh thì tại thời điểm tháng 11/2019, đứng đầu danh sách doanh nghiệp có số tiền nợ thuế lớn là Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ T&T với số nợ trên 88 tỷ đồng.

Tiếp đó là Công ty Quảng Lợi số tiền nợ gần 70 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Vạn Cát trên 63 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Thành Công Vĩnh Phúc trên 33 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư dệt may Vĩnh Phúc gần 20 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư dệt may Vĩnh Phúc nợ gần 20 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng- Thương Mại Duy Anh hơn 19,3 tỷ đồng...

Để đảm bảo thu hồi tốt các khoản nợ thuế, thời gian tới, ngành thuế tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm theo quy trình quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện xây dựng kế hoạch thu tiền thuế nợ; phối hợp tốt với các cơ quan liên quan như: Kho bạc nhà nước, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thực hiện nhiệm vụ đôn đốc thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước và triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đôn đốc nợ thuế. Đồng thời, ngành thuế tiếp tục thực hiện công khai thông tin người nộp thuế có số nợ thuế lớn trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Luật Quản lý thuế.

Trên địa bàn Vĩnh Phúc còn có tình trạng nợ tiền thuê đất cũng diễn ra phức tạp. Đầu năm 2019, tỉnh có 159 dự án sử dụng đất đô thị nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất với tổng số tiền hơn 150 tỷ đồng và hơn 50.000 USD. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ nộp thuế đến từng dự án, chủ doanh nghiệp khi được giao đất, thuê đất.

Tỉnh tiếp tục rà soát, phân loại nợ và nắm bắt tình hình, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp để có biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ đọng. Đối với các doanh nghiệp có biểu hiện chây ì, chậm nộp tiền thuê đất, cố tình không chịu nộp và trốn tránh, dù trước đó được ngành chức năng nhắc nhở nhiều lần, tỉnh sẽ triển khai các biện pháp cưỡng chế, thu hồi nợ đọng theo quy định.

Cùng với đó, tỉnh kiên quyết thu hồi đất đối với các dự án chậm triển khai hoặc không thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; công khai danh sách các dự án, doanh nghiệp không chấp hành nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất trên các phương tiện thông tin đại chúng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục