Vĩnh Phúc hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp

08:30' - 19/11/2020
BNEWS Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất trồng lúa tại Vĩnh Phúc đạt hơn 90%, trong thu hoạch lúa đạt hơn 70%.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, giải phóng sức lao động cho người dân, những năm gần đây tỉnh Vĩnh Phúc đã có các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư mua sắm máy móc, cơ giới để đưa vào sản xuất nông nghiệp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đi đôi với việc xây dựng nông thôn mới, vấn đề áp dụng khoa học, đặc biệt là đưa máy móc, cơ giới vào sản xuất nông nghiệp được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm. Giai đoạn từ 2016- 2019, Vĩnh Phúc đã hỗ trợ 1.926 máy nông nghiệp cho các hộ nông dân, với tổng kinh phí hơn 32,2 tỷ đồng.

Cùng đó, tỉnh cũng đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện dồn thửa, đổi ruộng để tăng diện tích đất canh tác cho mỗi thửa ruộng với mong muốn đưa máy làm đất, máy gặt vào thao tác, hoạt động hiệu quả. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất trồng lúa đạt hơn 90%, trong thu hoạch lúa đạt hơn 70%.
Vụ Mùa năm 2020, toàn tỉnh Vĩnh Phúc gieo cấy hơn 24.000 ha lúa. Dù ngay từ đầu vụ đã gặp khó khăn do thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp song theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, bà con nông dân đã chủ động sử dụng các bộ giống ngắn ngày chất lượng cao, tăng cường chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh gây hại, nhất là chú trọng đưa cơ giới hóa trong sản xuất. Do đó, cây trồng sinh trưởng tốt, sản lượng lúa đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, năng suất ước đạt 56 - 57 tạ/ha, tăng 2 - 3 tạ/ha so với năm 2019.
Theo bà con nông dân, trước đây mỗi khi vào vụ canh tác, họ phải thức dậy rất sớm và tối đêm mới về để tránh mưa, nắng. Đặc biệt, mỗi khi đến vụ thu hoạch lúa, nông dân lại lo lắng lúa bị gió bão gây đổ, năng suất giảm mạnh.
"Giờ đây đã có máy móc cơ giới làm thay sức người ở tất cả các công đoạn, bà con chỉ việc đưa phương tiện ra tận đẩu ruộng đón từng bao thóc đã được máy móc làm sạch đưa về nhà. Sáng đang là ruộng lúa, chiều đã là ruộng khoai, ruộng ngô nhờ cơ giới hóa trong sản xuất", chị Tâm, một nông dân xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường vui mừng cho biết.
Thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp là những giải pháp quan trọng để phát triển ngành hàng lúa gạo của Vĩnh Phúc trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp và ngành nông nghiệp đã xác định.
Riêng vụ Mùa 2020, ngân sách tỉnh đã dành gần 16 tỷ đồng hỗ trợ các giống lúa chất lượng cao như BC15, Thiên ưu 8, Đài Thơm 8...cùng với việc khuyến khích, vận động người dân các địa phương làm mạ khay để cấy bằng máy.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, vụ Xuân 2020, thời tiết bất thường khiến việc sản xuất chịu nhiều ảnh hưởng, nhưng nhờ áp dụng cơ giới hóa, diện tích lúa trong mô hình đều sinh trưởng, phát triển tốt. Tỷ lệ thành bông của lúa cấy máy đạt 85,5%, cao hơn phương pháp truyền thống khoảng 28,5%.
Vấn đề đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp với khâu thu hoạch lúa, làm đất theo giới chuyên môn cũng mang lại lợi ích khác, đó là tận dụng triệt để nguồn rơm rạ để đưa xuống ruộng làm chất hữu cơ. Nếu như trước đây khi gặt thủ công, số rơm rạ sau thu hoạch rất lớn phải đưa về hoặc đốt bỏ tại kênh, mương, ruộng đồng khói bụi bay tràn trên diện rộng ô nhiễm môi trường.
Khi áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa và làm đất thì tất cả gốc lúa, thân cây, bông lá lúa vả cả các loại trấu, mùn từ thân cây lúa thải ra được các máy cày máy bừa nhấn chìm, vùi lấp xuống dưới mặt đất của ruộng đồng, bổ sung chất hữu cơ cho đất, giúp ích cho các loại cây trồng các mùa vụ sau sinh trưởng tốt hơn.
Theo tính toán của các nhà khoa học cứ 1 ha lúa sẽ thải ra từ 5 - 7 tấn rơm rạ. Trong 1 tấn rơm chứa 5-8 kg đạm, 1,2 kg lân, 20 kg kali, 40kg silic và 400 kg carbon. Nếu đốt bỏ rơm rạ toàn bộ lượng đạm có trong rơm rạ bị mất hết, 25% lân và 20% kali bị mất đi, chất silic còn lại nhưng do bị đun nóng nên cây lúa không sử dụng được. Do vậy, khi đốt rơm rạ cũng có nghĩa là đã bỏ đi một lượng phân bón, chất dinh dưỡng cần thiết cho cây lúa. Điều đáng quan tâm là đốt rơm rạ ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Cơ giới hóa với khâu gặt và làm đất đúng quy trình đã tận dụng tối đa các dưỡng chất, nhất là chất hữu cơ rất cần thiết cho cây trồng và đặc biệt sản phẩm nông nghiệp được gieo trồng từ nguồn giàu hữu cơ là những sản phẩm sạch, an toàn, đang được khuyến khích sản xuất.

Bên cạnh đưa cơ giới hóa vào lĩnh vực trồng trọt, tỉnh Vĩnh Phúc cũng  từng bước đưa thiết bị, máy móc phát triển chăn nuôi hiện 100% các hộ nuôi bò sữa trên địa bàn sử dụng máy vắt sữa, máy thái cỏ.

Máy vắt sữa bò không làm giảm sữa, không gây ô nhiễm vú bò, các yếu tố về vệ sinh an toàn thực phẩm được bảo đảm. Một người sử dụng máy với 1 giờ vắt sữa được từ 150 kg - 225 kg, bằng 3 người vắt sữa thành thạo, giúp cho các hộ chăn nuôi bò sữa hay chủ trang trại giảm được công lao động.

Máy thái cỏ làm cho thức ăn được gọn, nhỏ, mềm giúp gia súc ăn được nhiều. Công suất mỗi máy 1 giờ thái cỏ được từ 350 kg - 450 kg cỏ, bằng 6 người thái cỏ bằng tay.
Máy nghiền trộn thức ăn cho lợn, gà làm cho thức ăn được chế biến cân đối dinh dưỡng, vật nuôi hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, giảm chi phí 1.100 đồng/kg thức ăn so với thức ăn mua ở các công ty chế biến thức ăn gia súc, đối với loại cùng hàm lượng dinh dưỡng…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục