VN- Index tiếp tục giảm sâu đầu phiên sáng 17/3

10:27' - 17/03/2020
BNEWS Cùng với đà giảm mạnh của thị trường chứng khoán thế giới và giá dầu, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục giảm sâu đầu phiên sáng 17/3.
Cùng với đà giảm mạnh của thị trường chứng khoán thế giới và giá dầu, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục giảm sâu đầu phiên sáng 17/3.Ảnh:BNEWS/TTXVN
Vào lúc 9 giờ 30 phút sáng, chỉ số VN - Index giảm gần 26 điểm xuống còn hơn 722 điểm. Toàn sàn có 55 mã tăng giá, trong khi có tới 228 mã giảm giá và 36 mã đứng giá.

HNX - Index cũng giảm 2 điểm xuống hơn 97 điểm. Toàn sàn có tới 68 mã giảm giá, 23 mã đứng giá và chỉ có 20 mã tăng giá.

Nhóm cổ phiếu VN30 (30 mã có ảnh hưởng lớn nhất lên chỉ số VN- Index) thì cả 30 mã đều chìm trong sắc đỏ; trong đó, bộ 3 cổ phiếu họ VinGroup là VIC, VHM và VRE giảm rất sâu từ 4,6% -5,9%. Các mã lớn khác như BVH, VNM, MSN, SAB, PNJ cũng đều giảm giá rất sâu.

Tại nhóm cổ phiếu dầu khí, chịu ảnh hưởng kép từ việc thị trường giảm sâu và giá dầu lao dốc nên diễn biến của cổ phiếu nhóm này rất tiêu cực với sự giảm mạnh của GAS, PVB, PVD, PVD, BSR...

Giá dầu thế giới giảm mạnh trong ngày giao dịch 16/3 khi các nhà đầu tư quan ngại sự lan rộng của dịch COVID-19 có thể tiếp tục tác động tiêu cực tới nhu cầu dầu thô toàn cầu.

Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 4/2020 tại thị trường New York (Mỹ) giảm 3,03 USD xuống còn 28,70 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giao tháng 5/2020 tại thị trường London (Anh) giảm 3,80 USD xuống 30,05 USD/thùng khi đóng cửa.

Theo nhà phân tích năng lượng Carsten Fritsch của Commerzbank Research, diễn biến của giá dầu là điều có thể dự đoán do việc các nền kinh tế lớn trên thế giới giảm lãi suất và thực hiện các chương trình mua trái phiếu sẽ không có ảnh hưởng nào tới nhu cầu dầu hiện đang suy yếu.

Chuyên gia này cho rằng việc ngày càng nhiều nước đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại, hủy các chuyến bay sẽ càng tác động bất lợi lớn hơn tới nhu cầu dầu, nhất là khi điều này cũng liên quan tới tình hình hoạt động kinh tế nói chung đang bị thu hẹp. Bên cạnh đó, thị trường dầu mỏ cũng chịu sức ép từ tình trạng dư cung đang bắt đầu “nhen nhóm”.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng giảm giá mạnh. Chỉ còn KLB là tăng khá mạnh với mức 6,9%. Cá mã ngân hàng còn lại đều có mức giảm rất sâu từ 1,4 – 6,4%.

Đến 9 giờ 45 phút, các chỉ số thu hẹp được đà giảm một chút, chỉ số VN – Index đang giảm gần 20 điểm xuống mốc hơn 729 điểm, trong khi HNX – Index giảm 1,28 điểm xuống hơn 98 điểm.

Thực tế, dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, thị trường chứng khoán Việt Nam đang diễn biến tương đồng với các thị trường chứng khoán trên thế giới .

Chứng khoán Mỹ tiếp tục chứng kiến thêm một ngày thứ Hai đen tối nữa khi Phố Wall chứng khiến phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ năm 1987 trong ngày 16/3.

Điều này cho thấy những biện pháp chưa từng có tiền lệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), các nhà lập pháp Mỹ và Nhà Trắng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 và hạn chế những tác động kinh tế bởi dịch bệnh vẫn chưa thể giúp khôi phục thị trường.

Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm mạnh 2.997,1 điểm (12,93%), xuống 20.188,52 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 324,89 điểm (11,98%), xuống 2.386,13 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 970,28 điểm (12,32%), đóng cửa ở mức 6.904,59 điểm.

Như vậy, phiên này chứng kiến mức sụt giảm mạnh nhất của chỉ số S&P 500 kể từ tháng 12/2018, bất chấp việc Fed bất ngờ cắt giảm lãi suất về gần 0% vào ngày 15/3, đánh dấu lần cắt giảm lãi suất khẩn cấp thứ hai chỉ trong chưa đầy hai tuần, trước thềm cuộc họp chính sách ngày 17-18/3.

Đây là phiên giảm điểm mạnh thứ ba trong lịch sử chứng khoán Mỹ tính theo giá trị phần trăm, chỉ sau hai đợt “lao dốc” thê thảm vào “thứ Hai đen tối” năm 1987 và tháng 10/1929.

Điều này báo động sự lây lạn mạnh mẽ của đại dịch COVID-19 và cho thấy cách mà nó đang làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu.

Các nhà đầu tư đang ngày càng hoài nghi về khả năng các nhà hoạch định chính sách Mỹ có thể đưa ra các biện pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế từ dịch bệnh.

Các chỉ số đã giảm sâu hơn vào cuối phiên khi Tổng thống Donald Trump kêu gọi người dân Mỹ tạm dừng hầu hết các hoạt động xã hội trong 15 ngày và không tụ tập các nhóm lớn hơn 10 người nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.

Phiên giao dịch ngày 16/3 của Phố Wall đã bị tạm dừng 15 phút ngay sau khi mở cửa khi đà giảm 8% của S&P 500 đã kích hoạt cơ chế "ngắt" tự động. Đó là lần thứ ba kể từ tuần trước, cơ chế này bị kích hoạt.

Trong khi đó, phiên giao dịch ngày 16/3, chỉ số chứng khoán tổng hợp TSX tại thị trường Canada giảm 9,9% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016. Nếu so với mức đỉnh đạt được tại phiên 20/2/2020, thì chỉ số này đã giảm tới 31%.

Đáng chú ý, cổ phiếu của Air Canada đã giảm giá 28% chỉ riêng trong phiên 16/3 và để mất 62% giá trị tính từ đầu năm tới nay.

Thủ tướng Justin Trudeau ngày 16/3 thông báo Canada sẽ đóng cửa biên giới với những người không phải là công dân Canada, hoặc không thường trú ở nước này.

Tuy nhiên, quy định mới sẽ không áp dụng đối với các phi hành đoàn, nhân viên ngoại giao và các công dân Mỹ.

Các chuyên gia nhận định làn sóng cắt giảm lãi suất trên quy mô toàn cầu, với đợt hạ lãi suất khẩn cấp trong ngày 13/3 của Ngân hàng trung ương Canada, dường như chưa đủ để có thể trấn an nhà đầu tư.

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo Ngân hàng trung ương Canada có thể sẽ hạ lãi suất chủ chốt từ 0,75% xuống 0,25% trước ngày 15/4 tới.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng giảm mạnh trong phiên giao dịch 16/3. Khép lại phiên giao dịch ngày 16/3, chỉ số EURO STOXX 50 hạ 4,2%, xuống 2.478,51 điểm. Tại thị trường London của Anh, chỉ số FTSE 100 mất 4,7%, xuống 5.111,45 điểm, thấp nhất kể từ tháng 10/2011...

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cũng quyết định giảm đồng loạt các lãi suất điều hành từ 0,25% - 1% từ ngày 17/3. Tuy nhiên, có thể nhận thấy là thông tin này không đủ sức mạnh để giúp thị trường chứng khoán trong nước tích cực hơn, giữa bối cảnh diễn biến của dịch bệnh COVID-19 vẫn còn rất phức tạp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục