Vốn ODA sẽ chỉ tập trung cho những dự án thực sự hiệu quả

07:16' - 16/08/2016
BNEWS Việt Nam đang là một trong những nước có tỷ lệ giải ngân vốn ODA hàng đầu đối với các nhà tài trợ như Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Trong 5 năm qua, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã giải ngân đạt 23 tỷ đô la Mỹ (USD), cao gấp 1,6 lần so với 5 năm trước. Việt Nam đang là một trong những nước có tỷ lệ giải ngân vốn ODA hàng đầu đối với các nhà tài trợ như Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn nợ công bền vững, thời gian tới việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn này phải hết sức chặt chẽ, chỉ tập trung cho những dự án thực sự hiệu quả, đồng thời tăng cường cho các địa phương vay lại.

Đây là điều được ông Lưu Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên BNEWS về giải ngân vốn ODA. 

Ông Lưu Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI

Phóng viên: Thời gian qua, tình hình giải ngân vốn ODA vẫn còn chậm nhiều so với kế hoạch. Xin ông cho biết đâu là những nguyên nhân và tiến độ giải ngân cụ thể như thế nào? 

Ông Lưu Quang Khánh: Những năm vừa qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã rất quyết liệt trong việc cải thiện tỷ lệ giải ngân vốn ODA. Thực tiễn cho thấy, tình hình thực hiện và giải ngân vốn ODA đã được cải thiện, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Những công trình đầu tư bằng nguồn ODA, đặc biệt là những công trình mang tầm cỡ quốc gia đã được đưa vào sử dụng, góp phần cho tăng trưởng và cải thiện đời sống của nhân dân như Nhà ga T2 Nội Bài, đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai...

Tuy vậy vẫn còn một lượng không nhỏ các dự án còn ách tắc, chậm tiến độ. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, mức giải ngân vốn ODA thấp hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu đó là do công tác chuẩn bị dự án chưa tốt, chất lượng thiết kế chưa cao dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện. Cùng với đó là ách tắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Đặc biệt đối với các dự án ODA trong lĩnh vực giao thông; phát triển đô thị ở các thành phố lớn thì công tác giải phóng mặt bằng mất rất nhiều thời gian so với dự kiến. Việc thiếu vốn đối ứng cho các dự án ODA cũng là một nguyên nhân gây chậm tiến độ thực hiện dự án mặc dù Chính phủ luôn ưu tiên bố trí nguồn vốn này.

Cuối cùng là năng lực của các Ban Quản lý dự án còn nhiều hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Nhiều Ban Quản lý dự án không am hiểu quy trình và thủ tục của nhà tài trợ đã dẫn đến vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện dự án.

Phóng viên: Ông có thể đánh giá tình hình quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA tại các địa phương hiện nay? 

Ông Lưu Quang Khánh: Công tác quản lý sử dụng nguồn vốn ODA ở các địa phương trong những năm qua đã được cải thiện và có rất nhiều tiến bộ. Trước đây, các chương trình, dự án ODA thường tập trung quản lý ở cấp Trung ương song với quy mô ngày càng mở rộng và năng lực của các địa phương ngày càng được nâng cao, do vậy Chính phủ đã phân cấp ngày mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong công tác quản lý và thực hiện nguồn vốn này. 

Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tiếp tục phân cấp cho các địa phương. Nhiều dự án trước đây các bộ, ngành là đầu mối thực hiện thì bây giờ đã giao cho các địa phương chủ động thực hiện.

Điều này cũng đã tạo ra được rất nhiều mặt tốt, đó là các địa phương sẽ tích cực, chủ động hơn trong công tác vận động, quản lý và sử dụng nguồn vốn này. Đồng thời, việc sử dụng vốn ODA sát hơn với nhu cầu phát triển của các địa phương.

Từ đó, địa phương cũng xây dựng và triển khai các dự án thực tế hơn. Nguồn ODA do địa phương thực hiện cũng tạo ra một nguồn lực rất quan trọng về vốn để giải quyết bài toán về đầu tư phát triển cho các địa phương. 

Mặt khác, khi thực hiện các dự án ODA là những dự án lớn, dự án phức tạp, các địa phương cũng phải "va đập" nhiều, phải trao đổi, thảo luận, đàm phán với các nhà tài trợ, qua đó năng lực của địa phương được nâng cao rất nhiều.

Đến nay, nhiều địa phương cũng đã xây dựng được những mô hình quản lý ODA rất chuyên nghiệp. Tức là tất cả các dự án ODA đều giao cho một Ban Quản lý dự án thực hiện để tập trung kinh nghiệm và kiến thức về quản lý dự án.  

Mặc dù vậy vẫn còn những hạn chế, đó là sự phối hợp theo cả chiều ngang và chiều dọc, vì quá trình thực hiện các dự án ODA đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành của địa phương, giữa địa phương, Trung ương và với các nhà tài trợ.

Các mối quan hệ này được ràng buộc bằng nhiều quy định khác nhau và trên thực tế nhiều địa phương đã không làm tốt điều này. Sự phối hợp không tốt sẽ dẫn đến việc triển khai bị chậm trễ, mất rất nhiều thời gian.

Ngoài ra, một số địa phương không thực hiện đúng theo cam kết về vốn đối ứng cho các dự án ODA sau khi ký hiệp định do ngân sách địa phương eo hẹp cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.  

Cầu Tân Phong bắc qua sông Đào, Nam Định - được xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

Phóng viên: Vậy trong thời gian tới, cơ chế vay và sử dụng vốn ODA sẽ có thay đổi gì không, thưa ông? 

Ông Lưu Quang Khánh: Việc huy động và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong thời gian tới đã được thể hiện rõ trong Đề án định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thời kỳ 2016-2020 (sau đây gọi tắt là Đề án ODA 2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm nay và Nghị định số 16/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, đối với nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại, chúng ta sẽ ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng chính sách phát triển thể chế, tăng cường năng lực con người, hỗ trợ trực tiếp các cải thiện về đời sống văn hóa xã hội, môi trường cho người dân, nhất là khu vực người nghèo ở những vùng nông thôn miền núi, đồng bào dân tộc, phát triển y tế giáo dục…

Đối với nguồn vốn vay ODA ưu đãi, chúng ta sẽ sử dụng cho các chương trình, dự án mà có khả năng thu hồi vốn. Ví dụ: Dự án Metro tàu điện ngầm, dự án đường cao tốc, các nhà máy điện... là những dự án có khả năng tạo nguồn thu và thu hồi vốn trực tiếp.

Chúng ta sẽ không sử dụng vốn vay ưu đãi cho các hoạt động có tính chất sự nghiệp hay những hoạt động có tính chất không tạo được nguồn trong tương lai. Đây là hướng hết sức quan trọng trong việc sử dụng vốn vay trong thời gian tới. 

Ngoài ra, theo Chỉ thị 02 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả nợ công, chúng ta sẽ đẩy mạnh cho các địa phương vay lại nguồn vốn ODA và vay ưu đãi.

Trước đây, Trung ương đứng ra vay của các nhà tài trợ sau đó cơ bản cấp phát lại cho các địa phương thực hiện các dự án ODA. Bây giờ, để nâng cao trách nhiệm của các địa phương, Chính phủ sẽ định hướng và yêu cầu các địa phương vay lại theo tỷ lệ căn cứ vào nguồn thu ngân sách của các địa phương để tăng cường trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn vốn này.

Tôi cho rằng, đó là giải pháp hết sức quan trọng trong thời gian tới. Chính phủ hiện đang xem xét ban hành Nghị định để chúng ta có hành lang pháp lý về vấn đề này. 

Phóng viên: Xin ông cho biết, để sử dụng nguồn vốn ODA hiệu quả trong giai đoạn 2016-2020, những giải pháp trước mắt và lâu dài là gì?  

Ông Lưu Quang Khánh: Để thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đạt hiệu quả cao nhất, Chính phủ đã ban hành đồng bộ các nhóm giải pháp và kế hoạch hành động để thực hiện thành công Đề án ODA 2016-2020.

Trong Đề án ODA nêu rõ, cơ quan chủ quản và chủ dự án phải chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án như: thiết kế dự án là phải đi đôi với vai trò trách nhiệm, giám sát chất lượng của các cấp có thẩm quyền thông qua việc thẩm định, phê duyệt dự án, đảm bảo quy mô dự án phù hợp; đồng thời, phù hợp với khả năng bố trí vốn của các cơ quan của chúng ta. 

Các địa phương phải tăng cường trách nhiệm trong việc thực hiện các dự án này, đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cam kết đối ứng của mình. Đối với công tác đền bù giải phóng mặt bằng, phải bố trí nguồn lực và chuẩn bị kỹ hơn để sau khi dự án được ký kết thì công tác đền bù giải phóng mặt bằng không bị kéo dài nữa. Các Ban Quản lý dự án phải được tăng cường năng lực theo hướng chuyên nghiệp và bền vững. 

Một nhiệm vụ nữa cũng rất quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì thực hiện là nghiên cứu, xác định ngưỡng an toàn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020. Đây là cơ sở để chúng ta huy động nguồn vốn ODA song vẫn đảm bảo an toàn nợ công. 

Để giải quyết kịp thời ngay các ách tắc, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, Chính phủ đã giao Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi tổ chức các cuộc họp kiểm điểm những dự án chậm tiến độ. Đồng thời, tổ chức các Đoàn công tác đi thực địa, kiểm tra và đôn đốc các dự án lớn, trọng điểm, có tác động lan tỏa.

Với những giải pháp nêu trên, tôi cho rằng chắc chắn việc sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài sẽ đạt hiệu quả cao nhất.

*Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn ông!

>>> Hơn 45,6 triệu USD vốn ODA hỗ trợ kỹ thuật cho lĩnh vực xây dựng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục