Vòng xoáy của cây hồ tiêu - Liên kết để phát triển cây hồ tiêu bền vững

14:03' - 23/11/2016
BNEWS Quy hoạch lại diện tích, kiểm soát tốt quy hoạch, dịch bệnh trên cây tiêu để giảm thiểu thiệt hại người trồng tiêu là chỉ đạo của Bộ NN&PTNT với các tỉnh phát triển cây hồ tiêu.

Nhân viên Công ty Cổ phần nông trại sinh thái Ecofarm thu hoạch tiêu hữu cơ tại Phú Quốc. Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN

Bài 1: Vòng xoáy của cây hồ tiêu - Giàu, nghèo từ cây hồ tiêu

Những giải pháp sản xuất an toàn cho đất, môi trường và sức khỏe cây hồ tiêu đang được người dân chú trọng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu, nâng cao tuổi thọ cho cây tiêu.

Hướng đến sản xuất hữu cơ

Trước thực trạng các vườn hồ tiêu vùng Đông Nam Bộ đối diện với các loại nấm bệnh gây thiệt hại, người trồng tiêu mất trắng do bệnh dịch… các nhà nông đã bắt đầu chuyển sang phương thức canh tác sử dụng phân bón hữu cơ và phân vi sinh để phục hồi các vườn tiêu.

Theo ông Bạch Thanh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Nguyễn Thanh Hải, cây tiêu bị bệnh là do sức đề kháng của cây thấp, dễ bị vi khuẩn và các loại nầm bệnh tấn công.

Hơn nữa, trước đây các nhà vườn bón quá nhiều phân vô cơ để đẩy năng suất của cây tiêu lên, lâu ngày lượng phân này còn tồn dư trong đất, làm cho đất bị nhiễm độc. Rễ tiêu bị ảnh hưởng, dễ nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm, tháo đốt, rụng lá, thâm mạch dẫn....

Do đó, khi sử dụng phân sinh học sẽ giúp giải độc, cải tạo đất, tăng độ pH trong đất, tăng lượng vi sinh vật có trong đất để tạo enzyme, hoàn nguyên dinh dưỡng cho đất thì cây tiêu mới phát triển tốt, cho hạt chất lượng.

Đến thăm vườn tiêu bị nhiễm bệnh và được phục hồi ngoài mong đợi nhờ giải pháp sử dụng phân bón hữu cơ, chị Huỳnh Thị Thu Hằng, ấp Phú Lâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ, nhà chị có vườn tiêu 2,5 ha nhưng trong đó 5.000 m2 bị ngộ độc đất và nhiễm tuyến trùng, tháo đốt tiêu không có khả năng phục hồi.

Thế nhưng khi chị tìm hiểu cách chăm sóc vườn tiêu theo hướng sử dụng phân sinh học, sau 3 tháng vườn tiêu của chị xanh tốt trở lại ngoài mong đợi.

Chị Hằng chia sẻ, trong vụ thu hoạch tiêu 2017 sắp tới, chị chỉ thu hoạch tiêu trên 2 ha, diện tích vừa phục hồi chờ đến vụ sau mới có thể thu hoạch vì còn chờ thời gian cho cây tiêu lấy lại sức mới cho trái chất lượng.

Vườn hồ tiêu 6.000 m2 của anh Nguyễn Công Minh, ấp 11, xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai tưởng như phải phá bỏ để trồng mới thì lại được phục hồi cách đây 3 tháng khi sử dụng phân sinh học cứu vườn tiêu.

Anh Minh chia sẻ, thời gian phục hồi cây tiêu khi sử dụng phân sinh học sẽ lâu hơn so với phân bón vô cơ, nhưng vườn này vốn không thể sử dụng phân bón vô cơ để phục hồi thì phân sinh học đã có thể phục hồi được.

Cây tiêu được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, thu mua với giá từ 250.000 đồng - 300.000 đồng/kg, giúp nông dân có lợi nhuận cao. Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN

Khi cây tiêu phục hồi sức sống, lá tiêu xanh mướt, cũng dày hơn, khỏe hơn, vân lá cứng cáp hơn so với trước đây nhờ bộ rễ phục hồi khỏe mạnh, dinh dưỡng được truyền lên trên mạnh mẽ hơn, giúp anh giảm thất thoát trong việc cải tạo lại đất, trồng mới vườn tiêu. Dự kiến, vườn tiêu này vẫn có thể thu hoạch, cho trái chất lượng trong vụ thu hoạch 2017.

Theo ông Đặng Thanh Minh, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND huyện cũng đã khuyến cáo người dân tiến hành đồng bộ các biện pháp canh tác tổng hợp để hạn chế bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu, tập trung đầu tư chăm sóc theo hướng sử dụng phân vi sinh và hữu cơ để nâng cao chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nắm chắc đầu ra khi hạt tiêu đạt chất lượng cao.

Bên cạnh đó, để tránh hiện tượng cung vượt cầu, người dân không nên tự ý mở rộng diện tích tiêu ở những vùng đất không phù hợp, thiếu nước tưới.

Liên kết để tiêu thụ bền vững

Sản xuất hồ tiêu đáp ứng tiêu chuẩn người tiêu dùng trên toàn thế giới vốn không dễ thì sản xuất hồ tiêu sạch, hồ tiêu hữu cơ, hồ tiêu có đăng kí sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap lại càng khó hơn, nhưng cũng đã có nhiều hộ nông dân lựa chọn phương pháp này để tồn tại lâu dài với nghề.

Để người nông dân trồng tiêu hưởng ứng và áp dụng cách sản xuất tiêu sạch, Công ty Cổ phần Nông trại sinh thái Ecofarm đã hướng dẫn cho các nông dân trồng tiêu tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang sản xuất tiêu hữu cơ được đăng kí tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu sang Nhật Bản.

Theo ông Lý Văn Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông trại sinh thái Ecofarm, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu "khó tính", vì vậy để có thể xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này, đòi hỏi chính nông dân sản xuất phải tuân theo các tiêu chí an toàn thực phẩm của GlobalGAP.

Tỉnh Đồng Nai hiện cũng đã phát triển diện tích tiêu hữu cơ lên 50 ha; trong đó, có 13,5 ha đã được đăng kí chứng nhận GlobalGAP.

Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh Đồng Nai đang khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư phát triển trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu chất lượng cao theo quy hoạch được duyệt của tỉnh.

Bên cạnh đó, trong liên kết tiêu thụ tiêu, vẫn còn ít doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thực hiện liên kết với nông dân.

Tuy nhiên, trong 2 năm qua, Công ty TNHH Nông nghiệp Lâm San đã phối hợp liên kết với Hợp tác xã Lâm San, tại huyện Cẩm Mỹ thu mua hồ tiêu nguyên liệu trên 30 ha của nông dân trong tỉnh với sản lượng 200 tấn một năm để xuất khẩu sang châu Âu.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam có tiềm năng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ vì hàng năm, có 50 triệu tấn phế phụ phẩm từ rơm, thân cây bắp, 100 triệu tấn phế thải của động vật, phân bùn, phân chấp.

Do đó, ngành nông nghiệp phải định hướng lại sử dụng phân bón theo hướng hữu cơ, từng bước chuyển sang nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên con đường hội nhập quốc tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục