Vòng xoáy lương-giá leo thang tại Anh

05:30' - 02/06/2023
BNEWS Tình hình lạm phát của Anh năm 2023 có vẻ đang trở nên giống với thực trạng của những năm 1970 khi người ta nói về một “căn bệnh Anh” khiến nước này được ví như “bệnh nhân” của châu Âu.
Báo The Financial Times (Anh) có bài viết nhận định rằng tình hình lạm phát của Anh năm 2023 có vẻ đang trở nên giống với thực trạng của những năm 1970 khi người ta nói về một “căn bệnh Anh” khiến nước này được ví như “bệnh nhân” của châu Âu.
Lạm phát cao kéo dài làm lu mờ vấn đề lãi suất ở các quốc gia khác. Các hợp đồng tương lai gắn với chỉ số chứng khoán càng làm gia tăng áp lực về giá. Các cơ quan chức năng đang chật vật kiểm soát chi tiêu hộ gia đình trong khi vòng xoáy lương-giá leo thang cao hơn.
Số liệu công bố ngày 24/5 cho thấy tỷ lệ lạm phát tháng Tư là 8,7%, cao hơn so với mức 8,4% mà Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự báo, cho thấy nước Anh dường như gặp phải một vấn đề riêng. Nước này không những chịu tác động của việc chi tiêu mạnh tay của chính phủ vào thời điểm thị trường lao động bị cắt giảm, điều mà Mỹ cũng đang phải đối mặt, mà còn cả những tác động còn lại của việc giá khí đốt bán buôn ở châu Âu tăng mạnh vào năm ngoái.
Tuy nhiên, với việc lạm phát ở Anh cao hơn đáng kể so với hầu hết các quốc gia khác ở Tây Âu và BoE liên tục đưa ra những dự đoán lạc quan quá mức, thì những lời bào chữa ngày càng ít đi.
Stephen King, cố vấn kinh tế cấp cao của ngân hàng HSBC và là tác giả của cuốn “We Need to Talk About Inflation” (tạm dịch: Chúng ta cần bàn về lạm phát), đã tỏ ra gay gắt sau khi Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) công bố số liệu hôm 24/5. Ông cho rằng số liệu do BoE công bố nêu đậm một loạt thực trạng đáng lo ngại, đó là tăng trưởng suy giảm, lực cản tiền lương thực tế, lạm phát cơ bản cao nhất trong nhiều thập kỷ. BoE thừa nhận rằng họ đã sử dụng một mô hình không hoạt động tốt trong thời gian gần đây. Lãi suất chính sách vẫn rất thấp so với mức lạm phát cơ bản 6,8%.
Lạm phát của Anh hiện cao hơn nhiều so với mức trung bình 7% của khu vực sử dụng đồng tiền chung euro. Hai quốc gia Tây Âu duy nhất khác có tỷ lệ lạm phát trên 8% là Italy - nơi lạm phát ngang bằng với Anh - và Áo. Giá thực phẩm vẫn tăng vọt với tỷ lệ 19,1% trong tháng 4/2023.
Anh có vẻ như đang gặp khó khăn lớn hơn khi Đại học London School of Economics and Political Science (LSE) ngày 24/5 công bố nghiên cứu mới cho thấy các rào cản thương mại của Brexit đã đóng góp 8 điểm phần trăm vào mức tăng 25% của giá thực phẩm từ năm 2019 đến tháng 3/2023.
Trong ba tháng liên tiếp, BoE cũng đã thất bại khi không hiểu được các động lực ngắn hạn của giá cả. Vào tháng Hai, BoE dự báo lạm phát sẽ giảm xuống 9,2% vào tháng Ba nhưng trên thực tế vẫn ở mức 10,1%. Khi BoE điều chỉnh các dự báo của mình trong tháng này, ngân hàng trung ương đã thiết kế các biên độ sai số mới để cải thiện độ chính xác. Các quan chức cho biết ngân hàng trung ương đã thử mọi cách để đảm bảo các dự báo không quá lạc quan một lần nữa.
Thống đốc BoE, ông Andrew Bailey, ngày 23/4 thừa nhận rằng ngân hàng đã có “những bài học rất lớn” về kiểm soát lạm phát và dự báo lạm phát. Ông cho biết việc không hiểu được áp lực giá ngay lập tức đối với thực phẩm một phần là do thời tiết bất lợi ở Morocco mà BoE không thể dự đoán được và đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng các mặt hàng dễ hỏng như dưa chuột và cà chua.
Tuy nhiên, ông Bailey cũng thừa nhận BoE đã không nhận ra rằng các nhà sản xuất thực phẩm đã chốt các hợp đồng bán buôn dài hạn về giá hàng hóa thực phẩm toàn cầu, sát với mức đỉnh của năm ngoái.
Rõ ràng là vị Thống đốc này cũng không nhận ra giá cả tại Anh đã tăng 1,2% trong tháng gần nhất. Ông cũng không cho rằng việc tăng giá sẽ lan rộng như vậy, do giá ô tô cũ tăng và phí điện thoại di động tăng mạnh, rồi đến sách, thiết bị thể thao và đồ làm vườn cũng như các sản phẩm dành cho thú cưng. Phí điện thoại di động tăng một phần là do các hợp đồng tương lai gắn với chỉ số chứng khoán, một nét đặc trưng của những năm 1970 và vẫn là lý do khiến lạm phát kéo dài cho đến ngày nay.
Ngay cả trước khi phạm phải những lỗi dự báo mới nhất, các quan chức của BoE đã chịu sức ép khi trực tiếp giải trình với các nghị sĩ tại Ủy ban Tài chính của Hạ viện vào ngày 23/5. Mặc dù ông Bailey cho biết BoE đã dựa trên đánh giá của mình để đẩy dự báo của mình lên mức cao hơn, nhưng ông đã bị Chủ tịch Ủy ban Tài chính Hạ viện - nghị sỹ Harriett Baldwin chỉ trích vì sử dụng một mô hình chỉ dựa trên dữ liệu phản ánh 30 năm ổn định giá tương đối.
Huw Pill, nhà kinh tế trưởng của BoE, cho biết ngân hàng này đang nghiên cứu dữ liệu lịch sử một cách cẩn thận để có cái nhìn toàn diện về cách kiểm soát lạm phát. Ông nói: “Chúng tôi đang cân nhắc liệu có tiếp tục sử dụng các mô hình hiện có hay sẽ xây dựng lại các khuôn khổ đã được áp dụng cho dữ liệu của những năm 1970 và 1980 hay không”.
Tuy nhiên, ông Huw Pill cũng nói thêm rằng trên thực tế cũng có thể những sự kiện vừa qua không liên quan trực tiếp đến nhau. Theo ông, lạm phát vẫn dai dẳng trong những thập kỷ trước bởi vì các công ty và nhân viên lúc đó mặc định rằng lạm phát sẽ vẫn ở mức cao, đồng thời định giá và yêu cầu tăng lương tương ứng.
Mặc dù Thống đốc Bailey đã chấp nhận rằng vòng xoáy giá-lương đang khuếch đại lạm phát, nhà kinh tế trưởng của ông cho biết, tình hình hiện tại khác với những năm 1970. Ông Pill cho hay: “Cấu trúc của thị trường lao động rất khác biệt và đặc biệt là chế độ thực thi chính sách tiền tệ rất khác nhau”. BoE đã nhấn mạnh phần lớn lạm phát đến từ việc giá xăng và thực phẩm tăng mạnh, những mặt hàng mà Anh nhập khẩu và ngân hàng trung ương không kiểm soát được.
Như các nhà kinh tế đã chỉ ra, việc BoE đổ lỗi tình trạng lạm phát cho giá năng lượng và lương thực nhập khẩu ngày càng trở nên không phù hợp với dữ liệu.
Lạm phát cơ bản đã tăng từ 6,2% trong tháng Ba lên 6,8% trong tháng Tư khi mức trung bình mà các nhà kinh tế dự đoán vẫn y nguyên. Các số liệu chính thức cũng cho thấy hàng hóa và dịch vụ ít liên quan nhập khẩu đang ngày càng gia tăng đóng góp vào tỷ lệ lạm phát chung.
ONS cho biết, trong tháng Tư, các hạng mục có tỷ lệ nhập khẩu dưới 10%, chẳng hạn như tiền thuê nhà ở, đã đóng góp 1,76 điểm phần trăm vào tỷ lệ lạm phát 8,7%. Con số này tăng từ 1,38 điểm phần trăm vào tháng Ba và là mức cao nhất kể từ khi hệ thống số liệu được công bố lần đầu tiên vào năm 2006. 
Allan Monks, chuyên gia kinh tế Anh tại ngân hàng JP Morgan Chase Bank, cho biết, đây là điều đáng báo động và sẽ khiến BoE tăng lãi suất thêm nữa. Ông Monks nói rằng: “Dữ liệu không thể được nhìn nhận là sản phẩm một lần hoặc đơn giản là một sản phẩm phụ gián tiếp của việc tăng giá năng lượng và thực phẩm, như BoE và những người ủng hộ có xu hướng đề cập gần đây.”
Dư âm của quá khứ đã gây hoảng sợ trên thị trường tài chính, làm tăng kỳ vọng về việc tăng lãi suất trong tương lai. Thị trường tài chính dự đoán lãi suất sẽ tăng lên 5,3% vào cuối năm nay.
Theo Sandra Horsfield, chuyên gia về kinh tế Anh tại công ty dịch vụ tài chính Investec, đây có thể là vấn đề rất nghiêm trọng và lãi suất có thể tăng thêm 0,25 điểm phần trăm lên 4,75% vào tháng Sáu. Theo bà Horsfield, trong thời kỳ lạm phát đình trệ theo kiểu những năm 1970, với tăng trưởng thấp và lạm phát cao, cần tự hỏi liệu việc "hãm phanh" đà tăng lạm phát mạnh hơn nữa có cần thiết hay không./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục