VPBank ghi nhận gần 20 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế

11:51' - 20/10/2022
BNEWS Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng vừa công bố lợi nhuận trước thuế 9 tháng tăng gần 70% so với cùng kỳ.
Ngày 20/10, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB) công bố lợi nhuận trước thuế 9 tháng tăng gần 70% so với cùng kỳ, với động lực từ mảng bán lẻ, chất lượng tài sản ổn định và các chỉ số an toàn được duy trì.

Theo đó, kết thúc quý III/2022, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 19,8 nghìn tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ, hoàn thành 67% kế hoạch lợi nhuận của năm 2022.
 
Nhờ đa dạng hóa doanh thu, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng hợp nhất đạt 45 nghìn tỷ đồng, tăng gần 36% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng hợp nhất trong 9 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng lên tới 59,2%. Tại ngân hàng riêng lẻ, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 56% so với cùng kỳ.

Quy mô và tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng bán lẻ, bao gồm cho vay khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và Công ty tài chính tiêu dùng FE Credit, đóng góp gần 70% tổng dư nợ cấp tín dụng của VPBank, với tăng trưởng đạt khoảng 20%, đưa ngân hàng vào top dẫn đầu thị trường trong mảng bán lẻ. 

Tính riêng trong quý III, dư nợ tín dụng hợp nhất của VPBank đạt 443 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tăng trưởng dư nợ tín dụng của ngân hàng riêng lẻ đạt 15,45%, cao hơn mức trung bình ngành là 10,96%.

Cũng theo công bố của VPBank, tỷ lệ dư nợ trên huy động (LDR) đạt mức 76% (so với giới hạn 85%) và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được kiểm soát ở mức 27% (so với yêu cầu 37%).

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất theo tiêu chuẩn Basel 2 đạt xấp xỉ 15%. Hệ số chi phí trên thu nhập (CIR) đạt 22,3%, chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) ở mức 3,5%, chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 22,5%. Những chỉ số này đều nằm trong top đầu toàn ngành trong nhiều quý.

VPBank cho biết tại ngân hàng riêng lẻ, gần 90% khách hàng cơ cấu đang trả nợ đúng hạn. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 2%.

Bên cạnh đó, vốn chủ sở hữu của ngân hàng hợp nhất đã cán mốc hơn 100 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối quý II. Mới đây, VPBank cũng vừa công bố phát hành cổ phiếu tăng cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Dự kiến sau khi hoàn tất việc phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của của VPBank sẽ tăng lên 67 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, sau khi tăng vốn, VPBank sẽ trở thành một trong những ngân hàng có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu lớn nhất hệ thống.

Trước đó, Công ty Chứng khoán SSI đưa ra dự báo lợi nhuận sau thuế của VPBank cả năm sẽ đạt 20.582 tỷ đồng, chỉ đứng sau Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Tuy vậy, xét về tốc độ tăng trưởng, SSI lại xếp VPBank ở vị trí dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng cao nhất năm 2022 có thể tăng gần 76% so với cùng kỳ.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2022 của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo Thống kê - Ngân hàng Nhà nước tiến hành, 70,4-75,9% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý này.

Lợi nhuận trước thuế trong năm 2022 được 88,3% tổ chức tín dụng dự kiến tăng trưởng dương so với năm 2021. Bên cạnh đó, vẫn có 6,8% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2022 và 4,9% ước tính lợi nhuận không thay đổi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục