VPBank và thương vụ thoái vốn tỷ đô

16:41' - 07/05/2021
BNEWS Cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) được giới đầu tư kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng tích cực trong thời gian tới.
Nhờ việc thoái vốn ở Công ty Tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cũng như khả năng phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài vào cuối năm 2021, cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) được giới đầu tư kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng tích cực trong thời gian tới.
Cuối tháng 4 mới đây, VPBank chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn SMBC (Nhật Bản) để bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit với mức định giá 2,8 tỷ USD.  Theo tính toán của FiinGroup, về ngắn hạn, tiền chảy vào FE Credit khoảng 3.572 tỷ đồng, tương đương 154 triệu USD do VPBank tăng vốn điều lệ công ty này lên 10.900 tỷ đồng ngay trước giao dịch.
Phần lớn dòng tiền của giao dịch khoảng 1,2 tỷ USD sẽ thuộc về VPBank. Về mặt kế toán, ngân hàng này sẽ hạch toán lợi nhuận ở mức 1,14 tỷ USD. Giao dịch thoái vốn sẽ đóng góp khoảng 26.500 tỷ đồng vào lãi trước thuế của VPBank trong năm 2021.
Trong một báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho biết, thương vụ bán vốn tại FE Credit sẽ giúp VPBank ghi nhận khoản lãi sau thuế khoảng 23.000 tỷ đồng trong năm 2021.
Còn theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, việc VPBank bán cổ phần của FE Credit tại thời điểm này là hợp lý. Đối tác chiến lược nước ngoài của FE Credit sẽ có thể cải thiện chi phí vốn và công tác quản trị rủi ro của công ty, giúp củng cố vị trí dẫn đầu của công ty.
Lý giải điều này trong một báo cáo gần đây, VNDirect cho rằng, FE Credit đã duy trì vị trí dẫn đầu thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam trong giai đoạn 2015-2020, với tốc độ tăng trưởng kép dư nợ cho vay tăng 28%/năm và luôn chiếm hơn 52% thị phần trong giai đoạn này. Công ty đã tận dụng thành công sự bùng nổ trong thị trường tài chính tiêu dùng khi vẫn còn trong giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, khi dư nợ cho vay của công ty luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, lợi nhuận ròng của công ty có xu hướng giảm do phải duy trì chi phí vốn cao và nợ xấu tăng nhanh. Sự mở rộng nhanh chóng của dư nợ cho vay đã gây áp lực lên nguồn vốn của ngân hàng mẹ, đẩy chi phí vốn của VPBank lên mức cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết tại HOSE. Do vậy, việc VPBank thực hiện thoái vốn ở thời điểm này là hợp lý.
“Khi nghiên cứu các công ty tài chính tiêu dùng trong khu vực có hoạt động kinh doanh và phân khúc sản phẩm tương tự, FE Credit có thể có mức P/B (giá trên giá trị sổ sách) là 3,5-4 lần – mức thấp nhất so với các đối thủ có ROE tương tự trong khu vực. Phần vốn tăng thêm sẽ có nhiều mục đích sử dụng, chẳng hạn như thúc đẩy quy mô cho vay của ngân hàng mẹ, đầu tư vào ngân hàng kỹ thuật số…”, báo cáo của VNDirect cho biết.
Trên thị trường chứng khoán, nhờ kỳ vọng tích cực của nhà đầu tư đối với thương vụ thoái vốn này, giá cổ phiếu VPB duy trì đà tăng tích cực kể từ đầu năm nay. Chốt phiên giao dịch ngày 6/5, cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đóng cửa ở mức 61.800 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mức đỉnh lịch sử kể từ khi mã cổ phiếu này niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HOSE) ngày 17/8/2017.
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, cổ phiếu VPB vẫn luôn duy trì đà tăng tích cực, tăng hơn 90%, trong khi VN-Index chỉ tăng 13,8%. Trên thực tế, tín hiệu tăng giá của mã cổ phiếu này xuất hiện từ quý IV/2020 khi rộ thông tin VPBank chuẩn bị thực hiện thoái vốn ở FE Credit.
Trước thời điểm thỏa thuận hợp tác trên được ký kết, nhiều quỹ đầu tư ngoại cũng tăng tỷ trọng cổ phiếu VPB trong danh mục đầu tư. Chẳng hạn, cuối tháng 4/2021, VPB trở thành cổ phiếu lớn thứ 2 trong danh mục của VEIL - quỹ đầu tư lớn nhất do Dragon Capital quản lý, với tỷ trọng 9,89%. Trong khi trước đó, tỷ trọng VPB trong danh mục chỉ là 8,56% và là khoản đầu tư lớn thứ 5.
Dù đã tăng ấn tượng trong một khoảng thời gian dài, song cổ phiếu VPB vẫn được nhiều công ty chứng khoán nhận định “khả quan” trong dài hạn.
SSI định giá cổ phiếu VPB sau một năm với mức giá điều chỉnh là 70.850 đồng/cổ phiếu và nâng khuyến nghị lên “khả quan”. Trong đó có tính đến việc bán vốn 49% FE Credit cũng như khả năng phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài vào cuối năm 2021. Việc phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược nước ngoài được VPBank lên kế hoạch từ năm 2019 và có thể hoàn thành vào cuối năm nay.
VNDirect vẫn lựa chọn VPB để đầu tư dài hạn, nhờ vị trí dẫn đầu trong phân khúc tài chính tiêu dùng với lợi suất cao và ROE ổn định tại mức từ 21-22%.
Ngoài yếu tố thoái vốn, VPBank luôn nằm trong top ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận hàng năm ở mức cao. Dự kiến năm 2021, lợi nhuận trước thuế của VPBank tăng 28%, riêng ngân hàng mẹ tăng từ 35-38% so với năm 2020.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2021 tổ chức mới đây, lãnh đạo VPBank dự kiến, với nguồn lợi nhuận từ thoái vốn FE Credit, lợi nhuận năm 2021, vốn chủ sở hữu của ngân hàng có thể tăng lên 90.000 tỷ đồng vào cuối năm nay, từ mức 56.000 tỷ đồng hiện nay. Việc nâng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu sẽ được cân đối và trình đại hội cổ đông năm 2022, có thể nâng lên 75.000 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, VPBank là ngân hàng thương mại có mức vốn điều lệ dự kiến cao nhất trong các ngân hàng thương mại. Đây được xem là những yếu tố củng cố đà tăng của cổ phiếu VPB trên thị trường chứng khoán trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục