Vụ án Hà Văn Thắm: Tranh luận xung quanh khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung

15:44' - 03/05/2018
BNEWS Phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Hà Văn Thắm và đồng phạm tiếp tục diễn ra trong sáng 3/5.

Sáng 3/5, phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Oceanbank) và đồng phạm xảy ra tại Oceanbank tiếp tục với phần tranh luận của các bị cáo và các Luật sư bào chữa.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Các bị cáo và Luật sư bào chữa tiếp tục trình bày quan điểm và xin miễn xử lý trách nhiệm hình sự, giảm hình phạt.
*Bị cáo Nguyễn Văn Hoàn xin giảm nhẹ hình phạt
Bị cáo Nguyễn Văn Hoàn (nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank) đã bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt 10 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tổng hợp hình phạt cho cả hai tội danh là 22 năm tù.
Các cơ quan tiến hành tố tụng nhận định bị cáo Hoàn đã giúp sức cho Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) và Hà Văn Thắm thực hiện chủ trương thu phí của khách hàng thông qua việc ký kết hợp đồng dịch vụ khống và hợp đồng repo tài sản với Công ty BSC Việt Nam để Hà Văn Thắm sử dụng chi cho Nguyễn Xuân Sơn và bị Sơn chiếm đoạt.
Đối với tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” liên quan đến khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung, Cơ quan điều tra nhận định vi phạm của bị cáo Hoàn là “biết tài sản dùng để bảo đảm cho khoản vay 500 tỷ của Công ty Trung Dung không đủ tính pháp lý và giá trị để bảo đảm cho khoản vay nhưng không yêu cầu bổ sung tài sản”. Từ đó, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã nhận định “Bị cáo Hoàn là đồng phạm giúp sức tích cực thực hiện”.
Không đồng ý với quyết định của Bản án sơ thẩm, bị cáo Hoàn đã có đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại, tuyên bố bị cáo Hoàn không phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” với vai trò đồng phạm với bị cáo Hà Văn Thắm và bị cáo Nguyễn Xuân Sơn.

Bị cáo Nguyễn Văn Hoàn, nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank tự bào chữa tại phiên tòa. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Bị cáo Hoàn cũng đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Trình bày quan điểm tại Tòa, bị cáo Hoàn cho rằng: Về tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo như quy kết của bản án sơ thẩm, bị cáo không hoàn thiện thủ tục vay. Đồng thời, bị cáo Hoàn khẳng định là tất cả tài sản đảm bảo tiền vay, thế chấp liên quan đến khoản vay của Công ty Trung Dung đều đầy đủ, không thiếu bất cứ thứ gì. Theo bị cáo Hoàn, xử phạt bị cáo 12 năm là quá nặng và xin Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt.
Đối với tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, bị cáo Hoàn cho rằng mình chưa bao giờ ký một hợp đồng dịch vụ nào qua Công ty BSC như cáo buộc của Viện Kiểm sát, đồng thời đề nghị Viện Kiểm sát xem xét lại vấn đề này. Theo Nguyễn Văn Hoàn, bị cáo cũng không biết Hà Văn Thắm chi tiền cho Nguyễn Xuân Sơn. Bị cáo chỉ ghi nhận có nhận chỉ đạo của Hà Văn Thắm, có thông báo với anh em ở dưới là kết hợp với công ty BSC làm một số dịch vụ ngân hàng. Bị cáo không biết hoạt động thu chi của Công ty BSC là như thế nào.
Tại phiên tòa, Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Hoàn cho rằng: Hành vi của bị cáo Hoàn chỉ đóng vai trò giúp sức cho bị cáo Thắm trong việc tạo nguồn thu, không giúp sức cho bị cáo Thắm trong việc chi lãi ngoài cho bị cáo Sơn để giúp bị cáo Sơn chiếm đoạt 69 tỷ đồng thông qua Công ty BSC. Theo Luật sư, bị cáo Hoàn thậm chí còn không biết Thắm sử dụng số tiền từ BSC như thế nào, nên không thể biết được tiền đó sẽ đến với bị cáo Sơn, rồi bị Sơn chiếm đoạt như quy kết của các cơ quan tố tụng.
Đối với tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” liên quan đến khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung, Luật sư cho rằng những vi phạm của bị cáo Hoàn chỉ là sai sót về mặt nghiệp vụ ngân hàng, không phải do lỗi cố ý. Sai sót này không phải là nguyên nhân chính, trực tiếp gây thiệt hại cho Oceanbank. Nguyên nhân chính trực tiếp gây thiệt hại cho Oceanbank là hành vi gian dối của bị cáo Phạm Công Danh (Chủ tịch Công ty Thiên Thanh) và bị cáo Hứa Thị Phấn (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Phú Mỹ MTV) với sự giúp sức của các nhân viên của hai bị cáo này.
Trong quá trình Oceanbank cấp tín dụng cho Công ty Trung Dung, bị cáo Hoàn luôn cố gắng làm đúng, làm tròn trách nhiệm trước, trong, sau khi giải ngân, kiểm tra, đốc thúc khoản vay, để ngăn chặn, hạn chế rủi ro, thiệt hại cho ngân hàng. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo Hoàn luôn thành khẩn khai báo; thể hiện thái độ ăn năn hối cải; có thái độ hợp tác, cung cấp thông tin cần thiết giúp đỡ cơ quan tiến hành tố tụng làm sáng tỏ vụ án.

Luật sư Vũ Xuân Nam bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Hoàn tại phiên tòa. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Với những quan điểm trên, Luật sư bào chữa cho rằng: Với mức độ sai phạm như kể trên, việc bị cáo Hoàn bị xử phạt với mức án 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” là quá nặng.
* Luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn
Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã tuyên buộc bị cáo Hứa Thị Phấn (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Phú Mỹ MTV) 17 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Về trách nhiệm dân sự, Tòa sơ thẩm tuyên bị cáo Phấn phải bồi hoàn cho Ngân hàng Đại Dương 500 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, Luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn đề nghị xem xét các vấn đề liên quan đến thủ tục tố tụng và nội dung của vụ án. Luật sư cho rằng, bị cáo Phấn không đồng phạm với Hà Văn Thắm, Nguyễn Văn Hoàn, Phạm Công Danh về tội Vi phạm cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng đối với khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung tại Ngân hàng Đại Dương; không phải là người định đoạt, sử dụng và thụ hưởng số tiền 500 tỷ đồng như bản án sơ thẩm đã buộc.
Luật sư cũng cho rằng, bị cáo Hứa Thị Phấn không có hành vi lừa đảo Oceanbank, lừa đảo các cán bộ thẩm định hồ sơ vay của Oceanbank và dẫn lại nội dung của Biên bản cam kết số 03/2012/BB-3 ngày 23/11/2012 cam kết về thời điểm và điều kiện để giải tỏa số tiền 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung sau khi được Ngân hàng Đại Dương giải ngân và chuyển về Ngân hàng Đại Tín.

Theo Luật sư, bị cáo Phấn hoàn toàn không biết nội dung của bản cam kết này, cũng như không biết việc bàn bạc, thỏa thuận liên quan đến khoản vay của Công ty Trung Dung. Từ đó, Luật sư cho rằng không có đủ căn cứ để buộc tội bị cáo Phấn phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Đối với trách nhiệm dân sự, Luật sư bào chữa cho bị cáo Phấn đề nghị Hội đồng xét xử buộc bị cáo Phạm Công Danh, Công ty Trung Dung và Tập đoàn Thiên Thanh phải có trách nhiệm trả theo nguyên tắc “ai vay thì người đó trả” với lý lẽ rằng: chính bị cáo Danh và Tập đoàn Thiên Thanh mới là người định đoạt, sử dụng và thụ hưởng thật sự lợi ích từ số tiền 500 tỷ đồng này cho mục đích tái cơ cấu ngân hàng chứ không phải trả cho bị cáo Phấn thụ hưởng.
Cũng tại phiên tòa, các bị đơn dân sự (gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại dương; Công ty Trách nhiệm hữu hạn VNT và cá nhân bà Mai Thị Hằng) đã đưa quan điểm về nội dung kháng cáo liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án tại OceanBank./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục