Vụ "Hồ sơ Panama": Ngành dịch vụ tài chính trọng yếu của Panama bị đe dọa nghiêm trọng

19:37' - 05/04/2016
BNEWS Tâm lý lo ngại đang bao trùm Panama khi vụ rò rỉ tài liệu chưa từng có thể đe dọa đến ngành dịch vụ tài chính trọng yếu của Panama lâu nay dựa vào hoạt động kinh doanh ở nước ngoài.
Ngành dịch vụ tài chính trọng yếu của Panama bị đe dọa nghiêm trọng sau vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama". Ảnh: reuters

Vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama" đã tiết lộ các chính trị gia, những người nổi tiếng và tội phạm sử dụng công ty luật Mossack Fonseca để lập ra các công ty "bình phong" ở nước ngoài mà trong một số trường hợp là để rửa tiền hoặc trốn thuế.

Các văn phòng của Mossack Fonseca đã bị đóng cửa vào ngày 4/4, trong khi trước đó luôn phủ nhận sai phạm.

Một trong hai người sáng lập Mossack Fonseca là ông Ramon Fonseca ngày 3/4 nói rằng vụ rò rỉ 11,5 triệu tài liệu từ các máy chủ của họ là do "sự tấn công có hạn chế", cho rằng đó là một vụ phạm tội và là một vụ tấn công nhằm vào Panama.

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Panama Juan Carlos Valera khẳng định nước này sẽ hợp tác với chính phủ các nước trên thế giới trong quá trình điều tra vụ bê bối trên.

Tuy nhiên, ông Valera cũng cam kết sẽ "bảo vệ hình ảnh đất nước" - hiện đang nỗ lực thoát khỏi hình ảnh là thiên đường trốn thuế và các vụ giao dịch mờ ám.

Một động thái cho thấy việc Panama đang lãnh hậu quả nghiêm trọng đến đâu do vụ rò rỉ thông tin là Hiệp hội Luật sư Panama MAG và các đại diện từ ngành tài chính đã có họp khẩn với các quan chức Bộ Ngoại giao vào ngày 4/4.

Người đứng đầu MAG, Jose Alberto Alvarez đã nói vụ bê bối không chỉ ảnh hưởng đến Mossack Fonseca mà ảnh hưởng đến giới luật sư ở Panama nói chung.

Ông cũng nhấn mạnh rằng có khoảng 1 triệu công ty nặc danh đăng ký tại Panama và mỗi công ty trong số đó đóng một khoản thuế là 250 USD một năm, nghĩa là chính phủ nước này chỉ thu được 250 triệu USD mỗi năm.

Panama trong những năm gần đây đã thành công trong nỗ lực để được đưa ra khỏi danh sách thiên đường trốn thuế trên toàn cầu.

Các cải cách đã được thực hiện như ngăn chặn việc sử dụng trái phiếu vô danh cũng như quản lý các khu vực miễn thuế, các sòng bạc, các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng và đổi tiền.

Tuy nhiên, sự chậm trễ trong việc xóa bỏ bí mật ngân hàng và tự động trao đổi thông tin khách hàng đã khiến nước này vẫn nằm trong "tầm ngắm" của các nước khác, đặc biệt là Mỹ và châu Âu.

Theo Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Angel Gurria, Panama vẫn tiếp tục cho phép tiền được giấu ở nước ngoài, "qua mặt" các nhà chức trách về thuế và thực thi pháp luật.

Tuy nhiên, ông cho rằng những tiết lộ từ "Hồ sơ Panama" dù phơi bày những hoạt động bất chính cũng đã cho thấy mức độ sử dụng công ty bình phong và trái phiếu vô danh đã giảm.

Ngày 4/4, Văn phòng Công tố Panama thông báo đã mở cuộc điều tra liên quan đến các thông tin về hành vi rửa tiền và trốn thuế của hàng loạt chính trị gia và các nhân vật nổi tiếng được tiết lộ trong "Hồ sơ Panama" - vụ rò rỉ dữ liệu đình đám đang gây chấn động thế giới hiện nay.

Trong một tuyên bố, Văn phòng Công tố Panama nhấn mạnh "những sự thật được mô tả trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế liên quan đến "Hồ sơ Panama" đều sẽ bị điều tra hình sự".

Mục đích của cuộc điều tra này là nhằm xác minh các hình thức phạm tội, những đối tượng liên quan cũng như những thiệt hại tài chính tiềm tàng.

Tuyên bố cũng khẳng định nước này sẽ không khoan dung cho các hoạt động pháp luật và tài chính không minh bạch.

Cùng ngày, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo đang xem xét các báo cáo về các thỏa thuận và giao dịch tài chính ở nước ngoài mà nhiều chính trị gia và các nhân vật nổi tiếng trên toàn cầu có dính líu được tiết lộ trong “Hồ sơ Panama”.

Bộ trên nhấn mạnh sẽ đánh giá một cách cẩn trọng mọi cáo buộc đáng tin cậy nhằm xác định sự tồn tại của các bằng chứng cho thấy có hành vi tham nhũng và các hành vi khác vi phạm luật pháp Mỹ.

Tại Canada, phóng viên TTXVN tại Ottawa cùng ngày cho biết chính phủ nước này đã yêu cầu được cung cấp một bản sao dữ liệu rò rỉ về danh sách khách hàng được Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama giúp trốn thuế, để giới chức nước này kiểm tra thông tin và có biện pháp xử lý bất kỳ trường hợp trốn thuế nào trong vụ việc này.

Ottawa cũng khẳng định đang theo dõi chặt chẽ các trường hợp công dân nước này mở công ty trốn thuế và rửa tiền ở Panama cũng như các nơi khác trên thế giới và sẽ đưa vụ việc lên các công tố viên nếu cần thiết.

Theo các kết quả điều tra 11,5 triệu trang tài liệu bị rò rỉ của Mossack Fonseca ở Panama, công ty luật này đã tạo ra một "thiên đường trốn thuế", qua đó giúp khoảng 140 chính trị gia, gồm cả 12 nhà lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo các nước, cùng những ngôi sao thể thao, trùm ma túy... trốn nộp thuế.

Số tài liệu này ghi lại hoạt động hàng ngày của công ty luật Mossack Fonseca trong suốt 40 năm (từ năm 1975).

Đây được xem vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất từ trước tới nay và nó hé lộ về một vụ tham nhũng toàn cầu, cũng như những bí mật của giới nhà giàu trên toàn thế giới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục