Vụ IPO của Grab sẽ mở ra một “chương” mới cho nền kinh tế Internet Đông Nam Á

09:25' - 16/04/2021
BNEWS Grab kỳ vọng đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) sắp tới tại Mỹ sẽ đẩy mức định giá của hãng lên tới gần 40 tỷ USD, trở thành vụ IPO thông qua SPAC lớn nhất từ trước tới nay.

Kế hoạch niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán Mỹ của hãng cung cấp dịch vụ gọi xe qua ứng dụng di động Grab thông qua việc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt, hay còn gọi là SPAC, là một kế hoạch mang tính bước ngoặt đối với cả Singapore – quê hương của start up này- và Mỹ.

Grab kỳ vọng đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) sắp tới tại Mỹ sẽ đẩy mức định giá của hãng lên tới gần 40 tỷ USD, trở thành vụ IPO thông qua SPAC lớn nhất từ trước tới nay.

Điều này cũng mở ra một chương mới cho nền kinh tế Đông Nam Á, đặc biệt là hệ sinh thái khởi nghiệp của khu vực này. Vụ IPO của Grab sẽ mở rộng cánh cửa cho các nhà đầu tư quốc tế thâm nhập vào một trong những thị trường Internet phát triển nhanh nhất thế giới.

Nó cũng có thể giúp các “kỳ lân” khác (chỉ các start up được định giá từ 1 tỷ USD) của khu vực tiếp bước, giữa bối cảnh Đông Nam Á đang thách thức sự thống trị của Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ.

Tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với các công ty kỹ thuật số ngày càng được công nhận rộng rãi. Theo nghiên cứu của Google, Temasek Holdings và Bain & Co., tổng giá trị thương mại của nền kinh tế Internet khu vực này dự kiến sẽ tăng lên 300 tỷ USD vào năm 2025, gấp ba lần so với mức tương ứng năm 2020. Nhưng cho đến nay, hầu hết các nhà đầu tư đều thiếu cách tiếp cận thị trường này.

Trước Grab, vụ IPO đáng chú ý duy nhất của một công ty công nghệ Đông Nam Á là Sea, công ty thương mại điện tử và trò chơi trực tuyến có trụ sở tại Singapore và được niêm yết tại thị trường chứng khoán New York.

Giá cổ phiếu của Sea đã tăng gần gấp 5 lần trong năm 2020, cho thấy sự ham muốn rất lớn của các nhà đầu tư đối với các công ty công nghệ đang phát triển ở Đông Nam Á và phản ánh sự khan hiếm các khoản đầu tư thay thế.

Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Grab, Anthony Tan, nhấn mạnh, kế hoạch IPO của Grab là một cột mốc quan trọng trong hành trình của công ty này nhằm mở ra khả năng tiếp cận cho tất cả mọi người tới nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á.

Sau vụ IPO của Grab, chắc chắn danh sách các công ty công nghệ Đông Nam Á tiếp bước sẽ còn nối dài.

Tại Indonesia, đối thủ của Grab là Gojek và gã khổng lồ thương mại điện tử Tokopedia đang thảo luận về việc sáp nhập và khả năng niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ và Indonesia.

Công ty dịch vụ du lịch trực tuyến của Indonesia là Traveloka cũng đang xem xét việc thực hiện IPO thông qua việc sáp nhập với SPAC giống Grab.

Nếu những công ty này thành công, các “kỳ lân” của khu vực có thể đi theo con đường tương tự, và điều này có thể biến Đông Nam Á trở thành “ngôi nhà” của nhiều công ty công nghệ được niêm yết trên sàn chứng khoán, thách thức vị thế vốn do Mỹ và Trung Quốc nắm giữ suốt nhiều năm qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục