Vũ khí của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

05:30' - 25/05/2019
BNEWS Trang mạng Boxun đăng bài viết cho biết việc Mỹ chính thức khởi động áp mức thuế mới đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc sẽ có tác động lớn đến nền tảng kinh tế-chính trị của Bắc Kinh.
Đồng tiền giấy 100 Nhân dân tệ (trái) và đồng USD ở Bắc Kinh. Ảnh: TTXVN

Một học giả Trung Quốc giấu tên cho biết điều mà người dân lo lắng nhất là tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm nay, bao gồm các yếu tố bất lợi như sự sụt giảm liên tục của thị trường chứng khoán và giá cả tăng cao… Học giả này nói rằng nếu Trung Quốc áp thuế 25% đối với hàng hóa của Mỹ thì đó hầu hết là các nhu yếu phẩm quân sự và dân sự của Trung Quốc. 

Nhà bình luận thời sự Lưu Nhuệ Thiệu cho biết các biện pháp trả đũa mà Trung Quốc đưa ra cho thấy nước này đã sẵn sàng “một cuộc chiến lâu dài với Mỹ”. Ông tin rằng Trung Quốc và Mỹ một khi khai chiến toàn diện thì Trung Quốc chắc chắn sẽ chịu tổn thất lớn, vì ngoài cuộc chiến thuế quan, Mỹ cũng sẽ sử dụng nhiều biện pháp khác nhau như hạn chế xuất khẩu công nghệ cao, chiến tranh tài chính…

Trong khi đó, các chuyên gia phân tích cho rằng dù Mỹ và Trung Quốc có đạt được thỏa thuận thương mại hay không, hai nước đang bước vào thời kỳ đối kháng, trong đó lĩnh vực ngoại giao và kinh tế ngày càng có khuynh hướng theo chủ nghĩa dân tộc, khiến quan hệ hai bên có xu hướng xấu dần đi. 

Lập trường cứng rắn của hai bên trong chiến tranh thương mại đã cho thấy hai cường quốc này không ngại va chạm để bảo vệ lợi ích của mình. Phó Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc ông Kim Xán Vinh (Jin Canrong) cho hay Bắc Kinh hiện nắm giữ 3 “con chủ bài” để đánh thắng cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Theo ông, con bài thứ nhất là cấm vận triệt để xuất khẩu đất hiếm. Hiện nay, chip điện tử đều cần nguyên liệu là đất hiếm. Trung Quốc hiện chiếm tới 95% sản lượng đất hiếm của thế giới. Mặt khác, chất lượng đất hiếm của Trung Quốc khá tốt. 

Nếu như Trung Quốc cấm vận đất hiếm xuất khẩu sang Mỹ, sẽ có nhiều sản phẩm không thể sản xuất được và Mỹ sẽ bắt đầu tự khai thác đất hiếm, song không thể làm ngay được trong bối cảnh nhu cầu lại rất lớn và sẽ phải mất cần nhiều năm mới giải quyết được.

Con bài thứ hai là Trung Quốc nắm giữ 2.000 tỷ USD trái phiếu Mỹ. Năm 2008, khi khủng hoảng tiền tệ xảy ra, trái phiếu Mỹ thời hạn 3 tháng liên tiếp sẽ bán không nổi và Trung Quốc đã gặp cơ hội để tạo ra ổn định lòng tin. Lúc đó, nếu Trung Quốc tận dụng cơ hội, thừa cơ “đục nước béo cò” thì Mỹ đã gặp thảm họa. 

Con bài thứ 3 là các công ty lớn của Mỹ ở thị trường Trung Quốc. Các công ty này kiếm được 380 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc trong năm 2018, nhiều hơn so với lĩnh vực thương mại. Trong khi các công ty Trung Quốc chỉ kiếm được có 20 tỷ USD ở thị trường Mỹ. Do đó, nếu Trung Quốc nêu yêu sách thị trường đối đẳng, phía Mỹ sẽ vấp phải khó khăn. Ví dụ, hãng ô tô Buick năm ngoái bán ở Trung Quốc số lượng ô tô trị giá 42 tỷ USD, song bán được ở Mỹ chỉ có 39 tỷ USD. 

Cũng theo ông Kim Sán Vinh, đó là chưa kể việc thị trường Trung Quốc tiêu thụ 70% lượng chip điện tử của Mỹ trị giá 44 tỷ USD (số liệu của năm 2017) mà các thị trường khác như Trung Đông, châu Phi, Trung Á, Nam Á, Thái Bình Dương, Nam Mỹ... đều không tiêu thụ được. Còn các thị trường châu Âu, Đông Nam Á, Đông Á, Ấn Độ gộp lại mới chỉ chiếm 30%. Do vậy, nếu Mỹ không bán được chip điện tử cho Trung Quốc, thì các nhà máy của Mỹ sẽ gặp rất nhiều khó khăn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục