Vụ làng biệt thự chiếm rừng trái phép ở Lâm Đồng: Xác định thêm chủ của 8 căn nhà

18:55' - 16/12/2020
BNEWS UBND huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã xác định thêm chủ nhân của 8 căn nhà trong tổng số hơn 50 công trình nhà ở xây dựng tại “Làng biệt thự” trái phép trên đất rừng ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng.

Chiều 16/12, UBND huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cho biết, đã xác định thêm chủ nhân của 8 căn nhà trong tổng số hơn 50 công trình nhà ở xây dựng tại “Làng biệt thự” trái phép trên đất rừng dưới chân núi Voi, thuộc tiểu khu 268, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng.

Chính quyền địa phương tích cực triển khai việc kiểm tra, xác minh, xử lý và giải tỏa các công trình trong khu vực này sau khi có phản ánh của các cơ quan báo chí.

Ông Lê Nguyên Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cho biết, việc giải tỏa, cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép tại “Làng biệt thự” vẫn đang được huyện tiếp tục triển khai. 8 công trình xây dựng nhà ở trái phép tại “Làng biệt thự” do ba người có hộ khẩu thường trú tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) là chủ.

Hiện ba người này trên đã đến cơ quan chức năng khai báo, đồng thời xin tự khắc phục, tháo dỡ các công trình vi phạm trước ngày 25/12.

Như vậy, đến thời điểm này, trong số hơn 50 công trình nhà ở xây dựng trái phép tại “Làng biệt thự” dưới chân núi Voi, đã có 11 căn “biệt thự” xác định được chính chủ, trong đó có 3 căn đã được chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế, giải tỏa vào ngày 10/12/2020. Hiện hai căn biệt thự lớn và hơn 40 căn nhà ở còn lại vẫn chưa xác định được chủ của công trình vi phạm.

Theo ông Lê Nguyên Hoàng, trong số 13 công trình nhà ở xây lớn, đến giờ đã xác định được chủ của 11 căn, trong đó có 3 công trình huyện đã hỗ trợ lực lượng cưỡng chế, các công trình còn lại chủ đầu tư đều có cam kết xin tự tháo dỡ trước ngày 25/12.

Đến thời điểm này, cơ quan chức năng của huyện tiếp tục thông báo buộc các chủ công trình khắc phục hậu quả, đến hết thời gian sẽ tiến hành làm thủ tục cưỡng chế. Tinh thần của huyện là tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh, đúng quy định của pháp luật”.

Ông Nguyễn Đức Phúc, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch sinh thái Phương Nam (đơn vị quản lý khu vực trên) cho biết, tuy các cấp chính quyền đã vào cuộc nhưng đơn vị chủ quản vẫn còn lo lắng, bởi nếu vụ việc này không được xử lý triệt để, sẽ tạo ra tiền lệ không tốt và ngày càng có thêm nhiều công trình xây dựng nhà ở trái phép khác mọc lên trên đất rừng.

Trước đó ngày 27/10/2020, TTXVN và một số cơ quan báo chí thông tin vụ việc: Từ năm 2017 đến nay, tại tiểu khu 268 thuộc thôn Định An, xã Hiệp An (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) đã và đang hình thành một ngôi làng, với hàng chục căn nhà kiểu biệt thự bằng gỗ trái phép.

Thậm chí, khu vực này còn được mở đường nội bộ, xây dựng hệ thống cấp điện riêng và dựng tấm biển kiên cố rất lớn với cái tên “Làng nghề Bonsai Darahoa”.

Phần đất của ngôi làng này thuộc địa phận đất lâm nghiệp đã được giao cho Công ty Cổ phần Du lịch sinh thái Phương Nam quản lý, bảo vệ từ 30 năm nay. Doanh nghiệp này đã nhiều lần kêu cứu tới các cấp chính quyền vì bị chiếm đất, phá rừng, nhưng ngôi làng vẫn đang ngang nhiên hối hả xây dựng từng ngày.

Khi các cơ quan báo chí lên tiếng, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vào cuộc giải quyết, chủ các ngôi nhà trên lẩn tránh, không đứng ra nhận là chủ sở hữu các căn nhà, gây khó khăn cho công tác xử lý vụ việc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục