Vụ tàu mắc kẹt ở kênh đào Suez: Tiếp tục nỗ lực giải cứu tàu Ever Given

14:29' - 27/03/2021
BNEWS Các nỗ lực giải cứu con tàu Ever Given mắc kẹt ở kênh đào Suez bắt đầu được thực hiện sau khi kết thúc công việc nạo vét nhằm loại bỏ hàng nghìn m3 cát và bùn xung quanh mũi tàu.

Ngày 26/3, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie cho biết các nỗ lực giải cứu con tàu chở hàng Ever Given bị mắc cạn ở Kênh đào Suez đã bắt đầu vào tối cùng ngày sau khi hoàn tất giai đoạn nạo vét.

Phóng viên TTXVN tại Ai Cập dẫn lời ông Rabie cho biết các nỗ lực giải cứu con tàu bắt đầu được thực hiện sau khi kết thúc công việc nạo vét nhằm loại bỏ hàng nghìn m3 cát và bùn xung quanh mũi tàu.

Hiện 9 chiếc tàu đang trực tiếp tham gia kéo chiếc tàu mắc cạn để đưa tàu thoát ra vùng nước chảy.

Quan chức này cho biết nỗ lực giải cứu tàu phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm cả hướng gió và thủy triều nên không loại trừ khả năng sẽ phải đòi hỏi kỹ thuật phức tạp.

Trước đó, SCA đã công bố một đoạn video clip vào cuối buổi chiều cùng ngày cho thấy các nỗ lực giải cứu con tàu Ever Given mắc kẹt đang được triển khai gấp rút.

Chủ tịch SCA đã trực tiếp thị sát và chỉ đạo các hoạt động nạo vét xung quanh con tàu mắc cạn. Ông khẳng định các công nhân đang xúc tiến các nỗ lực cứu hộ để nhanh chóng khai thông tuyến vận tải quan trọng này.

Tàu Ever Given có chiều dài hơn tổng chiều dài của 4 sân bóng đá và tải trọng lên tới 199.000 tấn. Vì vậy, vụ mắc cạn đã khiến hoạt động giao thương đi qua Kênh đào Suez hầu như tê liệt, khiến hơn 200 tàu khác bị tắc nghẽn ở hai đầu kênh đào dài khoảng 190 km này.

Đặc biệt, nhiều tàu chở dầu bị mắc kẹt tại đây được cho là nguyên nhân khiến giá dầu tăng khoảng 5%. Các bên liên quan đều đang nỗ lực để giải cứu con tàu để hoạt động lưu thông qua kênh đào được khôi phục. Nhà chức trách Ai Cập cho hay họ sẽ cần vài ngày để giải cứu “siêu tàu” chở hàng mắc kẹt ở kênh đào Suez.

Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc họp báo chiều 26/3 tại Nhật Bản, ông Yukito Higaki- Chủ tịch công ty Shoei Kisen sở hữu tàu trên, cho biết tàu có thể được giải cứu sớm nhất là tối 27/3.

Ông cũng cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy động cơ hay các thiết bị trên tàu bị hư hỏng. Hiện cũng chưa có báo cáo gì về tình trạng ô nhiễm do tàu gây ra hay hư hại hàng trên tàu. Các điều tra sơ bộ đã loại bỏ giả thuyết rằng nguyên nhân dẫn tới vụ mắc cạn là do lỗi động cơ hay lỗi kỹ thuật./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục