Vụ xả súng tại Đức khuấy động lại cuộc tranh cãi nhập cư

21:04' - 25/07/2016
BNEWS Kẻ tấn công ở Wuerzburg là một thiếu niên tị nạn, và những lực lượng chính trị sẽ viện dẫn vụ việc này để chứng tỏ rằng người nhập cư là mối đe dọa đối với nước Đức.
Vụ xả súng tại Đức khuấy động lại cuộc tranh cãi nhập cư. Ảnh minh họa: nbcnews.com

Giới chức Đức đã xác nhận được danh tính kẻ xả súng khiến 9 người bị thiệt mạng và 27 người bị thương tại Munich hôm 22/7 là một thanh niên 18 tuổi người gốc Iran, sinh ra và lớn lên ở Đức. Giới chức đã lục soát căn hộ của y, song cho tới nay chưa tìm thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa y và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Kẻ phạm tội trước đó từng phải tới gặp bác sĩ tâm lý để xin tư vấn. Vụ xả súng diễn ra ngay sau vụ một thiếu niên cầm rìu tấn công hành khách trên một chiếc xe lửa ở Wuerzburg hôm 19/7 và là vụ thứ ba ở châu Âu chỉ trong vòng một tuần (vụ đầu tiên là ở Nice, Pháp, hôm 14/7).

Theo bài viết trên trang mạng của Tổ chức phân tích thông tin tình báo "Stratfor" ngày 23/7, tuy ba kẻ phạm tội có phương pháp gây án và động cơ hoàn toàn khác nhau, song tất cả những vụ việc này sẽ thổi bùng trở lại cuộc tranh cãi về vấn đề người nhập cư ở Đức sau một thời gian tạm lắng dịu.

Sau làn sóng phản đối dữ dội, cuộc tranh cãi chính trị xung quanh cuộc khủng hoảng người nhập cư trong thời gian qua đã có vẻ lắng xuống. Trong nửa cuối năm 2015, quyết định của Thủ tướng Đức Angela Merkel chấp nhận đơn xin tị nạn của những người chạy trốn cuộc xung đột tại Syria đã dẫn đến làn sóng người tị nạn ồ ạt đổ vào Đức.

Mặc dù dân chúng Đức ban đầu hoan nghênh quyết định của bà Merkel, song sau đó nhiều người đã bày tỏ lo ngại trước những tác động về xã hội, kinh tế và chính trị của việc tiếp nhận hàng nghìn người nhập cư.

Điều này gây phương hại tới uy tín của Chính phủ Đức và làm dấy lên căng thẳng trong Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của bà Merkel. Cuộc khủng hoảng người di cư còn giúp cho đảng Sự lựa chọn cho nước Đức - đảng phản đối người nhập cư - tăng vọt uy tín.

Đáp lại, bà Merkel siết chặt các quy định về xin tị nạn vào Đức, chấp nhận áp dụng các biện pháp kiểm soát đường biên giới dọc tuyến đường di cư từ Balkan và ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc hạn chế số người vào Liên minh châu Âu (EU).

Thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ gây nhiều tranh cãi, song văn kiện này sau khi có hiệu lực vào cuối tháng Ba đã ngăn chặn được làn sóng người di cư đổ vào châu Âu. Nhờ cuộc khủng hoảng người di cư dịu bớt, uy tín của bà Merkel bắt đầu được cải thiện trở lại.

Tuy nhiên, các vụ tấn công vừa qua sẽ kích động những người phản đối bà Merkel. Kẻ tấn công ở Wuerzburg là một thiếu niên tị nạn, và những lực lượng chính trị sẽ viện dẫn vụ việc này để chứng tỏ rằng người nhập cư là mối đe dọa đối với nước Đức.

Mặt khác, giới chức Đức xem ra đã làm cho sự việc thêm phức tạp vì kẻ tấn công đăng ký là người tị nạn Afghanistan, song giới chức lại thừa nhận rằng có thể thiếu niên này đến từ Pakistan. Điều này khiến dư luận đặt dấu hỏi về khả năng của giới chức Đức trong việc đăng ký và quản lý người di cư.

Theo số liệu của giới chức Đức, trong năm 2015 đã xảy ra 1.029 vụ tấn công nhằm vào các khu trại của người tị nạn, tăng so với con số 199 hồi năm 2014. Riêng trong quý I/2016 đã xảy ra gần 300 vụ tấn công vào các trại tị nạn.

Trong khi đó, kế hoạch của Chính phủ Đức nhằm chặn đứng làn sóng người di cư được đánh giá là về cơ bản đã thành công, song hiện lại đang có nguy cơ phá sản. Những thỏa thuận của Thổ Nhĩ Kỳ về việc thanh lọc người xin tị nạn phụ thuộc vào những yêu sách của Ankara đối với ngân sách của EU, các cuộc đàm phán về tư cách thành viên và việc bãi bỏ thị thực.

Tuy nhiên, cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ đã dẫn đến việc Ankara đàn áp phe đối lập, và làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ các thành viên EU. Giờ đây Berlin rơi vào tình thế khó xử, vừa phải lên tiếng cảnh báo về pháp trị tại Thổ Nhĩ Kỳ, vừa phải kêu gọi nước này tôn trọng thỏa thuận về người nhập cư.

Nghị viện châu Âu và các thành viên châu Âu sẽ lại tranh cãi về vấn đề này vào đầu tháng 9 tới, và Chính phủ Đức sẽ khó có thể thuyết phục được họ đồng ý duy trì thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ.

Các cuộc bầu cử khu vực tại Đức vào ngày 4/9 tại Mecklenburg-Vorpommern và tại Berlin ngày 18/9 sẽ là thước đo uy tín của liên minh cầm quyền trung hữu và trung tả, cũng như hoạt động của đảng Sự lựa chọn cho nước Đức./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục