Vực dậy ngành mía đường - Bài cuối: Cạnh tranh công bằng và giải pháp liên kết chuỗi

16:04' - 31/03/2021
BNEWS Việc đánh thuế lên đường nhập khẩu được trợ giá có thể coi là động lực đầu tiên để các doanh nghiệp vực dậy ngành sản xuất, đảm bảo thu nhập, ổn định đời sống nông dân.

Thế nhưng, để mía đường trong nước có thể phục hồi và đủ năng lực cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu một cách sòng phẳng cần có những giải pháo đồng bộ về liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và thương mại.

*Tạo môi trường cạnh tranh công bằng

Sau thời gian đánh giá thiệt hại của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá và mức độ trợ cấp sản phẩm đường mía của Thái Lan cũng như tính toán tác động đối với các ngành sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng, tháng 2 năm 2021, Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan với mức thuế 33,88%.

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương khẳng định, việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời đối với mặt hàng đường là việc làm cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật nhằm bảo đảm một môi trường cạnh tranh công bằng giữa các nhà máy sản xuất đường và người nông dân trồng mía trong nước với đường nhập khẩu từ Thái Lan.

Mức thuế này sẽ được rà soát thường xuyên để bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng nếu có biểu hiện chuyển mạnh từ nhập khẩu đường tinh luyện, đường trắng sang nhập khẩu đường thô để lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp ở mức cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã ví quyết định áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan của Bộ Công Thương chính là “phao cứu sinh” đối với ngành mía đường đang trong cơn “thập tử nhất sinh”.

Theo phân tích của ông Lộc, đặc trưng của ngành chế biến mía đường ở hầu hết quốc gia là chi phí nguyên liệu mía chiếm phần lớn, từ 70-80% giá thành sản xuất.

Tuy nhiên, kết quả điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 48,88%.

Điều này tạo áp lực ép giá khiến doanh nghiệp Việt Nam bị tồn kho hoặc phải bán đường ở mức giá không đủ trả tiền nguyên liệu mía dẫn đến thua lỗ và không ngành sản xuất chế biến nào có thể tồn tại trong điều kiện cạnh tranh như vậy.

Với những chứng cứ xác đáng về thiệt hại mà các biện pháp trợ cấp đường của Thái Lan gây ra cho ngành sản xuất trong nước, các doanh nghiệp vẫn mong chờ quyết định áp thuế cuối cùng nhằm tạo môi trường cạnh tranh thật sự công bằng, minh bạch cho ngành mía đường”, ông Lộc nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, tại buổi tọa đàm trực tuyến cơ hội và thách thức cho ngành mía đường do Báo Nhân dân điện tử tổ chức mới đây, ông Phạm Hồng Dương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị Công ty cổ Phần Thành Thành Công - Biên Hoà cho rằng, quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan là thực sự cần thiết cho ngành mía đường tại thời điểm này.

Đây là điểm mấu chốt để tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các quốc gia cùng cam kết hội nhập. Quyết định này không chỉ mang lại những lợi ích thiết thực cho các nhà máy sản xuất mà còn tác động trực tiếp cho nông dân trồng mía.

Ghi nhận thực tế, quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan đã ngay lập tức đã tạo ra hiệu ứng tích cực đối với thị trường và giá thu mua nguyên liệu.

Cụ thể, giá đường trong nước đã tăng từ 1.000 - 2.000 đồng lên mức 15.000 -16.000 đồng/kg; các doanh nghiệp mía đường cũng nhanh chóng tăng giá thu mua mía thêm 50.000  - 100.000 đồng/tấn tùy theo chữ lượng đường để giúp nông dân bù đắp vào các chi phí đã bỏ ra và khuyến khích họ quay lại với cây mía.

*Liên kết và phục hồi vùng nguyên liệu

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trình độ kỹ thuật và công nghệ chế biến mía đường của Việt Nam đang ở mức trung bình so với nhiều quốc gia có lịch sử phát triển mía đường lâu đời.

Vào thời điểm phát triển mạnh, nhiều tập đoàn, công ty lớn đã đầu tư xây dựng nhà máy, nhập khẩu dây chuyền sản xuất hiện đại có công suất lớn.

Thực tế cũng chứng minh, chất lượng đường Việt Nam tương đương với đường nhập khẩu và giá thành vẫn còn thấp hơn so với mặt bằng giá thành sản xuất của các quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên, có một thực tế là chuỗi việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp ngành mía từ trước đến nay chưa thật sự bền vững nếu không nói là lỏng lẽo.

Ông Nguyễn Văn Lộc cho rằng, ngành mía đường bị thiệt hại quá nặng nề nên việc phục hồi sản xuất sẽ cần rất nhiều thời gian và giải pháp, trong đó xây dựng lại chuỗi liên kết với nông dân nhằm khôi phục lại diện dích vùng nguyên liệu đóng vai trò quyết định.

Để làm được điều đó, các doanh nghiệp và nông dân cần thiết lập quan hệ hợp tác mang tính cam kết cao, cân bằng lợi ích và nghĩa vụ của các bên.

“Vùng nguyên liệu chỉ có thể hình thành và duy trì nếu người nông dân trồng mía có thu nhập đủ sống. Ở hầu hết các quốc gia, việc chia sẻ lợi nhuận của doanh nghiệp chế biến cho nông dân vùng nguyên liệu được quy định rõ ràng trong Luật. Trong khi đó, tại Việt Nam cơ chế này được làm theo kiểu “tùy tâm” của doanh nghiệp, nông dân thường ở thế yếu. Vì vậy, cần luật hóa nguyên tắc chia sẻ lợi ích của các bên trong một chuỗi giá trị mới đảm bảo liên kết bền vững. Bên cạnh đó, nhà máy và nông dân cần tiến đến liên kết trực tiếp, giảm bớt các khâu trung gian để tiết kiệm chi phí cho cả hai bên”, ông Lộc nêu quan điểm.

Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, dù làm vùng nguyên liệu mía lớn song phần lớn mía của nông dân đều được bán cho thương lái cung cấp đến nhà máy. Phần diện tích có liên kết trực tiếp giữ nông dân với nhà máy rất ít và mối quan hệ cũng không mang tính cam kết.

Điều này dẫn đến tình trạng khi sản xuất thuận lợi, doanh nghiệp tranh nhau mua nguyên liệu nhưng khi gặp khó khăn doanh nghiệp để nông dân tự bơi. Ngược lại, khi giá mía nguyên liệu tăng, nông dân đã hợp đồng với doanh nghiệp cũng sẵn sàng bẻ kèo để bán cho mối khác giá cao hơn.

Do đó, việc xây dựng được chuỗi liên kết đồng bộ từ quy hoạch, sản xuất, tiêu thụ rất quan trọng trong việc định hướng phát triển  thời gian tới.

Theo bà Giang, mặc dù diện tích mía giảm mạnh song đối với những vùng trồng mía nguyên liệu, vùng trồng chuyên canh nhiều năm của tỉnh cây mía vẫn là cây trồng có sự đóng góp quan trọng trong việc ổn định kinh tế địa phương trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp gặp nhiều điều kiện bất lợi.

Thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 14/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới, Hậu Giang đang triển khai đồng bộ việc quy hoạch lại diện tích vùng trồng mía, hướng đến nâng cao năng suất, chất lượng.

Tỉnh sẽ xây dựng các mô hình cánh đồng mía lớn, áp dụng kỹ thuật đồng bộ và nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa từ khâu gieo trồng đến thu hoạch; trong đó ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 100% về chi phí san bằng đất mặt để tiến hành cải tạo đất trồng. Đồng thời tập trung vào tuyên truyền, tập huấn để khuyến khích nông hộ sử dụng hiệu quả nguồn lực, đặt biệt là giống để hạ giá thành sản xuất.

“Hậu Giang có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp cho cây mía sinh trưởng phát triển, người dân có kinh nghiệm và trình độ canh tác tốt, năng suất trung bình 100 tấn/ha. Do đó, khi ngành sản xuất mía đường trong nước hiệu phục hồi thì việc tái phát triển vùng mía vẫn có tính khả thi cao. Thậm chí, nhiều diện tích đã chuyển đổi cây trồng không đạt hiệu quả cũng có thể chuyển đổi cây mía trở lại mà không gặp trở ngại gì lớn.”, bà Giang nhận định về khả năng phát triển lại vùng nguyên liệu mía trên địa bàn nếu các nhà máy hoạt động trở lại hiệu quả.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng đã khuyến cáo, để người nông dân yên tâm phục hồi diện tích trồng mía cần có giải pháp giúp lợi nhuận từ cây mía cao hơn các cây trồng cạnh tranh trực tiếp tại địa phương.

Các doanh nghiệp cũng cần rà soát đánh giá và quy hoạch lại các diện tích sản xuất mía có tiềm năng đạt được hai yếu tố năng suất cao và chi phí thấp để nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu.

Trong nhiều cuộc họp của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xoay quanh vấn đề của ngành mía đường thời gian qua, các chuyên gia đều cho rằng, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho sản xuất trong nước chính là điều kiện, động lực đầu tiên để ngành mía đường vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong bối cảnh hội nhập, bên cạnh áp lực cạnh tranh, ngành đường cũng đứng trước không ít cơ hội để mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua xuất khẩu và phát triển chế biến sâu.

Tuy nhiên, để có thể vực dậy cả ngành mía đường cần những giải pháp tổng thể cả về quy hoạch, áp dụng cơ giới hóa sản xuất và dự báo thị trường.

Hơn hết cần sự đồng lòng xây chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân và với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý cũng như các địa phương./.

Xem thêm:

>>Vực dậy ngành mía đường - Bài 1: Sản xuất bị thu hẹp

>>Vực dậy ngành mía đường - Bài 2: Cây mía có vị "đắng"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục