Vùng lũ đầu nguồn phát triển ngành xay xát lúa gạo

09:57' - 18/04/2022
BNEWS Huyện Cái Bè thuộc vùng kiểm soát lũ phía Tây của tỉnh Tiền Giang có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Đây là nguồn nông sản hàng hóa dồi dào phục vụ ngành hàng xay xát lúa gạo.

Huyện Cái Bè nằm đầu nguồn sông Tiền, thuộc vùng kiểm soát lũ phía Tây của tỉnh Tiền Giang có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp; trong đó, diện tích đất trồng lúa năng suất cao 3 vụ/mỗi năm trên 12.000 ha, cho sản lượng thu hoạch trên 232.000 tấn lúa/năm. Đây là nguồn nông sản hàng hóa dồi dào phục vụ ngành hàng xay xát lúa gạo tại địa phương.

 

Ngoài ra, với thuận lợi có mạng lưới đường giao thông thủy bộ phát triển kết nối tiểu vùng Đồng Tháp Mười nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung với miền Đông Nam bộ cũng như cả nước đã giúp cho ngành xay xát lúa gạo tại huyện Cái Bè ngày càng phát đạt, giải quyết lao động việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới nông nghiệp - nông thôn. Đặc biệt là Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Phó Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Cái Bè Bùi Văn Màu cho biết, huyện Cái Bè hiện có 540 doanh nghiệp lớn nhỏ đang hoạt động trên các lĩnh vực sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ; trong đó, có đến trên 120 doanh nghiệp chuyên ngành xay xát, lau bóng gạo và chế biến lương thực, thực phẩm phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu (gọi tắt là ngành xay xát lúa gạo).

Theo ông Bùi Văn Màu, ngành xay xát lúa gạo huyện Cái Bè phát triển mạnh từ khoảng năm 1990 trở lại đây, khi đất nước mạnh bước trên con đường đồi mới và hội nhập, được xếp vào hàng đầu tỉnh Tiền Giang.

Thời gian qua, đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành xay xát lúa gạo Cái Bè mạnh mẽ chuyển đổi từ làm ăn nhỏ lẻ sang doanh nghiệp làm ăn lớn hướng đến xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tập trung ở những địa bàn thuận lợi giao thông trên bến dưới thuyền, gần các vùng nguyên liệu, đầu tư hiện đại hóa dây chuyền xay xát, lau bóng gạo nhằm nâng chất lượng hạt gạo hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đặc biệt, các doanh nghiệp hiện tập trung đầu tư hệ thống băng tải tự động để vận chuyển lúa – gạo, cho phép giải phóng sức lao động, chủ động trong khâu sản xuất và thực hiện hợp đồng, giảm chi phí sản xuất cùng nhiều lợi ích khác.

Mỗi hệ thống băng tải tự động bình quân phải đầu tư từ 200 triệu đồng trở lên nhưng sử dụng được lâu dài và mang lại hiệu quả sản xuất – kinh doanh cao.

Nói đến ngành xay xát lúa gạo huyện Cái Bè người ta lại liên tưởng ngay đến khu Bà Đắc – An Cư (xã An Cư, huyện Cái Bè). Tại đây, trên một đoạn Quốc lộ 1 dài chừng dăm cây số đã tập trung hàng trăm cơ sở xay xát, lau bóng gạo, kinh doanh ngành hàng lúa gạo lớn nhỏ.

Với địa thế quay mặt ra Quốc lộ I đồng thời tựa lưng vào các tuyến sông lớn phía sau như: Kênh 8, sông Cái Bè…hết sức thuận tiện trong vận chuyển, tập kết hàng hóa, khu Bà Đắc – An cư có nhiều lợi thế có một không hai về mở mang ngành xay xát lúa gạo.

Tại đây, hàng ngày  xe cộ, tàu bè ra vào ăn hàng nườm nượp, không khí sản xuất, kinh doanh náo nhiệt, qui tụ phương tiện thủy bộ chở lúa từ miệt Hậu Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ qua; từ Đồng Tháp, Long An trong vùng Đồng Tháp Mười đổ về…Do vậy, Khu Bà Đắc – An Cư từng được thương lái trong nghề mệnh danh là “Cảng gạo Đồng Tháp Mười”.

Lãnh đạo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cái Bè ước tính, trung bình mỗi năm, sản lượng lúa gạo trung chuyển qua đây từ 2 triệu đến 2,5 triệu tấn.

Ngoài khu Bà Đắc – An Cư, các cơ sở xay xát lúa gạo ở Cái Bè còn tập trung ở xã Hòa Khánh, xã Hậu Thành – những vựa lúa lớn với lợi thế các cánh đồng bạt ngàn cò bay thẳng cánh của địa phương.

Bí thư Đảng ủy xã An Cư Nguyễn Văn Phương cho biết, chỉ riêng trên địa bàn xã đã có 66 cơ sở xay xát, lau bóng và kinh doanh thương mại chủ yếu trên lĩnh vực lúa gạo, thu hút trên 330 lao động.

Các doanh nghiệp hoạt động ở các loại hình chính là xuất khẩu gạo trực tiếp, chuyên tiêu thụ nội địa hoặc xay xát, lau bóng gia công cho các đối tác có nhu cầu xuất khẩu ở các tỉnh, thành phố lớn phía Nam… Hàng năm, chỉ riêng ngành xay xát ở An Cư đã đạt giá trị sản xuất từ 228 đến 230 tỷ đồng.

Lãnh đạo xã An Cư đánh giá, ngành công nghiệp xay xát lúa gạo phát triển trên địa bàn đã đóng góp rất lớn trong đổi mới nông thôn, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế địa phương, góp phần đưa đến thành công của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại xã An Cư.

Qua đó, giúp An Cư nâng thu nhập bình quân đầu người lên 62 triệu đồng/người/ năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,44%. An Cư đã ra mắt thành công xã nông thôn mới vào năm 2018. Xã đang hướng đến mục tiêu đạt xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2023.

Gần đây, cùng với thực thi các chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm gắn với sản xuất nông nghiệp, huyện Cái Bè còn quan tâm qui hoạch, tổ chức lại sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, định hình các cụm công nghiệp để thu hút đầu tư cũng như sắp xếp lại doanh nghiệp xay xát lúa gạo, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông.

Vừa qua, được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện Cái Bè đã đưa Cụm công nghiệp An Thạnh I có quy mô gần 10 ha, vốn đầu tư trên 29 tỷ đồng vào hoạt động.

Cụm công nghiệp này đã thu hút 32 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 185 tỷ đồng, chủ yếu ngành hàng xay xát lúa gạo, lấp đầy 100% diện tích đất hữu dụng. Đồng thời, tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp An Thạnh 2 có tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng, tồng diện tích gần 35 ha.

Đây là những điểm nhấn trong thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp nói chung, ngành xay xát lúa gạo nói riêng của huyện Cái Bè trong một giai đoạn mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục