Giá gạo Việt Nam giảm do nguồn cung tăng lên

21:18' - 02/04/2022
BNEWS Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 400-415 USD/tấn trong phiên 31/3, giảm so với mức 415-420 USD/tấn trong tuần trước.

Thị trường gạo châu Á:

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ không đổi trong tuần này trong bối cảnh triển vọng nguồn cung tăng và đồng rupee tăng giá, trong khi lượng dự trữ tăng đã ảnh hưởng đến giá gạo tại Việt Nam.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức 367-370 USD/tấn trong tuần này, không đổi so với tuần trước.

 

Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, cho biết vì chính phủ đã kéo dài thời gian trợ cấp phân phối ngũ cốc thêm sáu tháng, nguồn cung ứng trong nước sẽ tăng và giá cả sẽ tiếp tục chịu sức ép.

Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 400-415 USD/tấn trong phiên 31/3, giảm so với mức 415-420 USD/tấn trong tuần trước.

Một thương lái tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nguồn cung trong nước đang tăng nhờ sản lượng thu hoạch từ vụ Đông-Xuân, thêm vào đó chất lượng vụ mùa này đã bị ảnh hưởng do mưa kéo dài khi thu hoạch.

Dữ liệu vận chuyển sơ bộ cho thấy 72.000 tấn gạo dự kiến sẽ được bốc dỡ tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh trong tuần đầu tiên của tháng 4/2022, trong đó, hầu hết số gạo này sẽ được vận chuyển đến Philippines và châu Phi.

Xuất khẩu gạo Việt Nam trong quý I/2022 ước tính tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021 lên 1.475 triệu tấn, nâng doanh thu tăng khoảng 10,5% lên 715 triệu USD.
Giá gạo Thái 5% tấm giảm xuống mức 408-410 USD/tấn trong tuần này, so với mức 408-412 USD/tấn trong tuần trước.

Các thương nhân cho biết nhu cầu gạo Thái Lan ở nước ngoài đã bị giảm do không đủ tàu và giá cước vận chuyển cao.

Tuy nhiên, một nhà kinh doanh gạo tại Bangkok cho biết giá vẫn cao do nhu cầu trong nước đối với gạo tấm dùng làm thức ăn chăn nuôi do vấn đề logistics.

Tình hình nguồn cung vẫn không đổi dù có thêm sản lượng từ vụ thu hoạch mới trong tuần này.

Tại Bangladesh, giá gạo trong nước đã tăng trong tuần này, mặc dù mùa vụ và dự trữ tốt, trong bối cảnh lạm phát trong tháng 2/2022 đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2020.
Thị trường nông sản Mỹ:

Trong phiên giao dịch 1/4, giá các mặt hàng nông sản giao kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ) đều giảm, dẫn đầu là đậu tương.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 5/2022 giảm 13,75 xu Mỹ (1,84%) xuống 7,35 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn giảm 21,5 xu Mỹ (2,14%) xuống 9,845 USD/bushel.

Còn giá đậu tương giao tháng 5/2022 giảm 35,5 xu Mỹ (2,19%) xuống 15,8275 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Giá ngô Mỹ đang chịu sức ép khi giá ngô của Argentina đang rẻ hơn gần 1 USD, điều này đã thúc đẩy các nhà mua thức ăn chăn nuôi trên thế giới chuyển sang Argentina.

Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago đã cắt giảm ước tính xuất khẩu ngô giai đoạn 2021-2022 của Mỹ xuống 50 triệu bushel và sẽ có sự điều chỉnh tương tự trong tháng 4/2022 nếu hoạt động xuất khẩu ngô của Mỹ không cải thiện. Ngày 1/4, khoảng 130.000 tấn ngô đã được bán cho một người mua giấu tên.

Dự báo thời tiết cho thấy khu vực Tây Canada và khu vực đồng bằng Mỹ sẽ có ít mưa trong hai tuần tới. Thời tiết ấm lên trong 11-15 ngày tới phù hợp để bắt đầu gieo trồng ngô.

Thị trường cà phê thế giới:

Kết thúc phiên giao dịch 1/4, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục tăng. Giá cà phê giao kỳ hạn tháng 5/2022 tăng thêm 13 USD, lên 2.165 USD/tấn và giá cà phê giao tháng 7/2022 tăng thêm 12 USD, lên 2.152 USD/tấn. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng tăng phiên thứ ba liên tiếp. Giá cà phê giao tháng 5/2022 tăng thêm 4,55 xu Mỹ, lên 226,40 xu Mỹ/lb và giá cà phê giao tháng 7/2022 cũng tăng thêm 4,55 xu Mỹ, lên 226,45 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng thêm 200 – 300 đồng, lên dao dộng trong khung 41.100 – 41.600 đồng/kg.

Giá cà phê giao kỳ hạn tiếp tục hưởng lợi khi giá vàng và giá dầu thô tiếp tục sụt giảm. Đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ “giải phóng” kho dự trữ dầu với định lượng 1 triệu thùng/ngày trong vòng 6 tháng nhằm kìm chế lạm phát.

Trong khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, cũng tuyên bố sẽ tăng sản lượng thêm 432.000 thùng/ngày kể từ tháng 5/2022 để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19.

Những thông tin này đã góp phần xoa dịu thị trường dầu. Dòng vốn đầu cơ tiếp tục dịch chuyển về lại các sàn hàng hóa, trong đó có cà phê./.

>>>Ukraine đàm phán về xuất khẩu nông sản qua cảng của Romania


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục