Vững vàng kinh tế Việt Nam

00:16' - 10/02/2024
BNEWS Nhân dịp Xuân mới, Tư lệnh các bộ, ngành kinh tế đã có những chia sẻ với phóng viên BNEWS/TTXVN những định hướng của ngành cho năm mới.

Với những động lực kinh tế hiện hữu đã đạt được trong năm 2023, năm 2024 kinh tế Việt Nam được nhận định sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt hơn nữa. Nhân dịp Xuân mới, Tư lệnh các bộ, ngành kinh tế đã có những chia sẻ với phóng viên BNEWS/TTXVN những định hướng của ngành cho năm mới. 

* Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược

Mục tiêu phát triển của đất nước đến năm 2030 và đến năm 2045 hoàn toàn có thể đạt được nếu thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.

Trong 3 đột phá, đột phá thể chế là đột phá đầu tiên và cũng là đột phá quan trọng nhất bởi đột phá này làm nền tảng và tiền đề cho các đột phá khác thành công.

Theo tôi, đột phá về thể chế là tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng thể chế theo kịp và đáp ứng yêu cầu của thời đại; có tính chủ động, có tính khoa học, thực tiễn và có tầm nhìn dài hạn và toàn cục.

Việc xây dựng thể chế không chỉ từ trên - xuống, hay từ dưới – lên mà là một đan xen tinh vi, nhiều chiều cạnh, để bảo đảm tính thực tiễn cao và một sự toàn diện, rộng khắp, sâu sắc, đủ mạnh mẽ khi các chủ trương, chính sách được ban hành và triển khai thực hiện.

Tiếp đó, đột phá về thể chế cần phải bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống, không thể chỉ thực hiện cho riêng lẻ một vài khâu, hay một vài ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tri thức đóng vai trò quan trọng và con người có vị trí trung tâm của quá trình chuyển đổi số. Với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nhân lực có ý nghĩa quyết định, thúc đẩy tăng trưởng, gia tăng năng suất lao động, giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình, hiện thực hóa mục tiêu các mục tiêu đến năm 2030 và đến năm 2045.

* Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao

Năm 2024 là năm có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu Kế hoạch 5 năm (2021-2025) trong bối cảnh được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được giao, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan về phát triển công nghiệp, thương mại, nhất là các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Hơn nữa, Bộ chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng, quan trọng và công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao như sản xuất chíp, chất bán dẫn, khai thác chế biến khoáng sản...để trở thành một động lực mới thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới.

Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động tham mưu khai thác các cơ hội từ quan hệ đối ngoại với các nước lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư các ngành trọng điểm sang nước thứ 3 của các tập đoàn đa quốc gia, nhất là trong lĩnh vực mà nước ta đang có nhu cầu và lợi thế.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.  

* Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Không để bị động chính sách tài khóa

Vấn đề đặt ra cho năm 2024 là phải sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Vì vậy, mức độ nới lỏng cần được tính toán, cân nhắc thận trọng để đạt được mục tiêu nói trên; trong đó, mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Mục tiêu lớn của ngành tài chính năm 2024 là xây dựng và tổ chức điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm. Cùng đó, đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, đặc biệt chú trọng nguồn lực thực hiện nhanh các công trình đầu tư hạ tầng quan trọng, kết nối vùng và liên vùng; chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp và tinh gọn bộ máy.

Bộ Tài chính thường xuyên theo dõi, dự báo đúng tình hình kinh tế thế giới và trong nước; không để bị động, bất ngờ, tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác nhằm giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Bộ cũng tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, Bộ quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tiếp tục cơ cấu lại chi đầu tư công; phấn đấu giải ngân đầu tư công cao hơn năm trước, hạn chế tối đa tình trạng chuyển nguồn.

* Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Lan tỏa tư duy kinh tế nông nghiệp

Sự thành công trong xuất khẩu nông sản đã chứng minh rằng, nông dân và ngành nông nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận được những thị trường khắt khe nhất. Chẳng hạn gạo Việt Nam được đưa vào thị trường Nhật Bản, EU…

Thị trường không chỉ là yếu tố cung cầu, bởi còn có những yếu tố ngoại giao. Do đó, thành tích của ngành nông nghiệp là những hình ảnh của đất nước và khi hình ảnh đất nước nâng lên thì niềm tin vào nông sản Việt cũng nâng lên theo. Chiến lược của Đảng, Nhà nước xác định nông sản như là hình ảnh quốc gia và truyền đi thế giới với thông điệp: Việt Nam là một quốc gia sản xuất nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững.

Nông dân với doanh nghiệp là hai đầu của ngành hàng. Theo đó, một bên là đầu vào và một bên đầu ra, một bên sản xuất và một bên thị trường. Khi hai đối tượng này không gặp nhau sẽ không bền vững. Tư duy kinh tế là tư duy thị trường và tư duy thị trường là tư duy doanh nghiệp. Thị trường gần nhất là doanh nghiệp, không có doanh nghiệp thì không có thị trường. Doanh nghiệp phải chủ động tạo ra nguyên liệu ổn định, giúp nông dân con giống, quy trình canh tác.

Định hướng phát triển năm 2024, ngành nông nghiệp lan tỏa hơn tư duy kinh tế nông nghiệp và ngành đang nỗ lực chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Ngành cũng sẽ nghiên cứu giải pháp để trên một đơn vị diện tích nông nghiệp tạo ra giá trị nhiều hơn. Cùng với đó, nông nghiệp không chỉ đơn thuần là nông nghiệp mà tích hợp nhiều ngành, lĩnh vực mới tạo ra giá trị. Đồng thời, tạo ra không gian phát triển cho nông nghiệp.

* Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu phát triển nhà ở xã hội

Theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội”, phấn đấu đến năm 2030 tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng hơn 1 triệu căn; trong đó, giai đoạn 2021-2025 ước tính hoàn thành khoảng 428.000 căn hộ. Như vậy, nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn thì chúng ta sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu đến năm 2025.

Tuy nhiên, theo tôi để thực hiện đúng mục tiêu Đề án đã đặt ra tới năm 2030, các bộ, ngành và địa phương cần rà soát quy hoạch, bố trí quỹ đất, cải cách thủ tục hành chính… cho các dự án nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, rất cần sự vào cuộc chủ động, quyết liệt hơn nữa của Ngân hàng Nhà nước trong việc triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng.

Về phía Bộ Xây dựng cũng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các địa phương và Ngân hàng Nhà nước để đẩy nhanh tiến độ đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội, kịp thời, đảm bảo nhu cầu tín dụng giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng. Đối với việc triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng, hiện đã có 27 tỉnh công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình này với nhu cầu vay vốn khoảng 28.000 tỷ đồng. Một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương đã được giải ngân với số vốn khoảng 180 tỷ đồng.

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương vẫn đang quyết liệt thúc đẩy việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Đặc biệt, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tái cơ cấu thị trường bất động sản, đảm bảo thúc đẩy nâng cao tỷ trọng nhà ở xã hội và nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, hướng tới minh bạch, cân đối cung cầu thị trường.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục