Vùng Vịnh - điểm đến tiềm năng của chuỗi cung ứng mới

05:30' - 24/05/2025
BNEWS Vùng Vịnh đang trở thành điểm đến tiềm năng của hoạt động dịch chuyển sản xuất trong bối cảnh các doanh nghiệp đa quốc gia đang hiệu chỉnh lại chuỗi cung ứng toàn cầu của mình.
Giữa lúc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tái khởi động chính sách thuế quan như một công cụ của đòn bẩy kinh tế, cái gọi là "friendshoring" đang thu hút sự chú ý khi các công ty đa quốc gia đánh giá lại vị trí địa lý của chuỗi cung ứng của họ. Friendshoring - dịch chuyển hoạt động sản xuất hoặc lắp ráp cuối cùng sang các quốc gia có quan hệ thương mại thân thiện - không phải là vấn đề mới. Nhưng với căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như các chế độ thuế quan khó lường, vấn đề này đang trở thành một "cân nhắc cốt lõi" trong các chiến lược sản xuất toàn cầu của các công ty.

Trong số các lựa chọn điểm đến cho hoạt động sản xuất giai đoạn cuối, khu vực Trung Đông, đặc biệt là UAE và Saudi Arabia, là điểm đến nổi bật khi không có xích mích thương mại đáng kể với Mỹ và hệ sinh thái rộng lớn hơn, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập nhanh chóng các hoạt động sản xuất. Mexico vẫn là điểm đến phổ biến nhất của Mỹ, trong khi Việt Nam, Thái Lan và Malaysia nằm trong số những lựa chọn hàng đầu cho cái gọi là các chiến lược "Trung Quốc+1", nơi các công ty chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc để giảm rủi ro địa chính trị và thuế quan.

 

Tuy nhiên, thặng dư thương mại đáng kể và ổn định của Mỹ với UAE, với khoảng 19,5 tỷ USD ghi nhận vào năm 2024, và cán cân thương mại ngày càng được cải thiện của Mỹ với Saudi Arabia đã khiến cả hai quốc gia vùng Vịnh này có rủi ro tương đối thấp về mặt thuế quan. Mặc dù thặng dư thương mại không đảm bảo khả năng miễn trừ, nhưng chúng làm giảm khả năng áp thuế có động cơ chính trị so với những quốc gia mà Mỹ có thâm hụt thương mại dai dẳng.

Mặc dù vẫn còn kém xa các điểm đến được thiết lập vững chắc như Mexico và Đông Nam Á, khu vực Trung Đông đang bắt đầu thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu. Những cải cách kinh tế liên tục và các khoản đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng sản xuất là một trong những yếu tố giúp Trung Đông trở nên hấp dẫn hơn đối với các công ty quốc tế. Nhiều công ty đã và đang xem xét kỹ lưỡng khả năng dịch chuyển sản xuất sang Trung Đông, đặc biệt đối với hoạt động lắp ráp và đóng gói giai đoạn cuối.

Các cải cách chiến lược của cả UAE và Saudi Arabia cho thấy sự quan tâm của các công ty đa quốc gia sẽ tăng lên. Saudi Arabia gần đây đã ký kết 9 thỏa thuận đầu tư có tổng trị giá hơn 9,3 tỷ USD với các công ty nước ngoài, trong đó có Vedanta của Ấn Độ và Zijin Group của Trung Quốc, như một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực công nghiệp trong nước.

Ngoài ra, các quốc gia vùng Vịnh đang rót vốn đầu tư vào hoạt động khai thác các khoáng sản thiết yếu để sớm tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu, nơi mà việc tiếp cận khoáng sản đang trở thành điểm nghẽn. Đối với các công ty đang phải đối mặt với mức thuế quan cao và kéo dài được áp lên hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc, các quốc gia như UAE và Saudi Arabia cung cấp điểm đến có rủi ro tương đối thấp cho hoạt động sản xuất giai đoạn cuối. Hàng hóa xuất khẩu của UAE và Saudi Arabia phần lớn đã tránh được thuế quan đối ứng của Mỹ, khiến hai nước này trở thành giải pháp thay thế tiềm năng cho các công ty đang tìm cách phân loại lại "quốc gia xuất xứ" thông qua hoạt động lắp ráp hoặc đóng gói.

Tuy nhiên, chiến lược này chỉ khả thi về mặt pháp lý nếu nó dẫn đến điều mà hải quan Mỹ định nghĩa là "sự chuyển đổi đáng kể". Chẳng hạn, việc lắp ráp máy tính xách tay từ các thành phần nhập khẩu - tích hợp bo mạch chủ, cài đặt phần mềm và hiệu chỉnh hệ thống - có thể đủ điều kiện. Trái lại, chỉ đóng gói một bảng mạch do Trung Quốc sản xuất trong một vỏ máy mới hoặc gắn phụ kiện vào một chiếc xe gần hoàn thiện sẽ không đáp ứng yêu cầu của hải quan Mỹ.

UAE và Saudi Arabia đang tích cực theo đuổi loại hình đầu tư nói trên như một phần của các kế hoạch đa dạng hóa kinh tế rộng lớn hơn, bao gồm "Tầm nhìn 2030" của Riyadh và "Chiến dịch 300 tỷ USD" của UAE. Cả hai sáng kiến này đều nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc vào hydrocarbon.

Trong khi chi phí lao động tại UAE và Saudi Arabia vẫn cao hơn đáng kể so với các trung tâm sản xuất truyền thống như Việt Nam hoặc Bangladesh, cả hai quốc gia vùng Vịnh đều đang đầu tư mạnh vào phát triển nguồn nhân lực để thúc đẩy hoạt động sản xuất tiên tiến. Với dân số trẻ, Saudi Arabia đang thúc đẩy các sáng kiến đào tạo quốc gia như Chương trình "Phát triển Năng lực Con người" để đáp ứng nhu cầu lao động có kỹ năng của ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng là một nỗ lực kéo dài nhiều năm. Các nhà máy, thậm chí là các địa điểm lắp ráp cuối cùng, đều cần thời gian và nhiều vốn. Một công ty đang đặt cược vào "friendshoring" với giả định rằng các chính sách thuế quan của ông Trump - hoặc các biện pháp tương tự của chính quyền tương lai ở Mỹ - không chỉ là một giai đoạn nhất thời. Chính quyền Tổng thống Trump đã thể hiện xu hướng hành động toàn diện, bao gồm cả việc nhắm mục tiêu vào các tuyến đường vận chuyển, đánh giá lại các phân loại thương mại và gắn thuế quan với các mối quan tâm ngoại giao rộng hơn. Tiếp đến là yếu tố hệ sinh thái.

Hoạt động sản xuất thường phát triển trong các mạng lưới, không phải trong sự cô lập. Hiện nay, các công ty đang phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: chấp nhận mức thuế quan ngày càng tăng hoặc tái thiết khâu cuối cùng của chuỗi cung ứng. Trong khi những thay đổi như vậy rất phức tạp và đòi hỏi nhiều vốn, ngày càng có nhiều công ty cân nhắc đặt cược vào sự ổn định địa chính trị và môi trường cách ly thuế quan. Và đối với nhiều người, Trung Đông đang bắt đầu trông giống như một "điểm xoay" hơn là một "tiền đồn". Vì vậy, một loại nhãn mới có thể sớm trở nên quen thuộc hơn với người tiêu dùng Mỹ: "Được thiết kế tại California, được lắp ráp tại vùng Vịnh".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục