"Vùng xanh" an toàn được hiểu như thế nào?

15:22' - 11/08/2021
BNEWS Trước diễn biến dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành phố đã thiết lập "vùng xanh", giao cho người dân tự quản với mục đích bảo vệ an toàn khu vực đó. Vậy "vùng xanh" được hiểu như thế nào?

Trên bản đồ COVID-19, màu xanh dường như đã trở thành một sắc màu mang tới sự lạc quan, niềm tin và hy vọng.

Nếu như chỉ ít ngày trước, những "luồng xanh" giao thông được nhắc đến như một sợi dây an toàn nối kết giao thương hàng hoá thì trong những ngày gần đây, màu xanh mới đã xuất hiện nhiều hơn ở nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội.

Đó là màu xanh từ những "vùng xanh" hay còn được gọi là "vành đai xanh"  - vành đai an toàn không COVID-19.

Thế nào là "vùng xanh"?

"Vùng xanh" thực chất là các vùng an toàn, vùng không có dịch. Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đang triển khai vùng xanh, đặc biệt là địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Mỗi địa phương sẽ có những cách để khoanh vùng và bảo vệ khu vực vùng xanh khác nhau. "Vùng xanh" có thể là một ngõ, một khu vực, một hẻm chưa có ca nhiễm COVID-19 nào, được lập chốt chặn và có thông báo ở đầu ngõ, hẻm…

Theo đó, tất cả người lạ đều không được ra vào "vùng xanh". Trong trường hợp cấp thiết, ra vào đều phải khai báo y tế, thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K. Người vận chuyển hàng hóa đến chỉ được giao tại bàn chốt trực, người dân muốn ra khỏi khu vực phải có giấy đi đường, giấy công tác, phiếu đi chợ.

Mô hình "vùng xanh" ra đời nhằm đảm bảo không có dịch lọt vào khu dân cư, nếu có cũng không lây nhiễm chéo trong thời gian vàng thực hiện Chỉ thị 16.

Bảo vệ "vùng xanh" ở cấp độ "tế bào" (tổ dân phố, ngõ, xóm) được xem là "vaccine cộng đồng", mũi giáp công hiệu quả trong chiến lược chuyển hướng từ phòng ngự sang phản công.

Nhiều ý kiến đánh giá, mô hình "vùng xanh" cũng như việc phân vùng xanh, đỏ, vàng để có cách thức chống dịch phù hợp, là một cách tiếp cận mới so với trước, để chủ động phòng ngừa dịch ngay khi dịch bệnh chưa xảy ra, nhất là khi biến thể Delta có hệ số lây nhiễm R0 rất cao (R0=8-9, trung bình một người có thể lây cho 8-9 người trong chủng gốc chỉ là 2 người).

Hiệu quả cao nhất mà mô hình này mang lại chính là ý thức tự giác của người dân được nâng cao hơn, phát huy sức mạnh cộng đồng.

Từ việc tự đứng ra lập các chốt kiểm soát, cùng tham gia vào công tác chốt chặn, mỗi người dân sẽ tự ý thức được đây là việc làm đang bảo vệ sự an toàn cho chính gia đình mình và cho cộng đồng.

>>> Hướng dẫn mới về khám sàng lọc và đối tượng trì hoãn tiêm vaccine phòng COVID-19

>>>Trường hợp nào cần có xác nhận bị mất việc do dịch COVID-19?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục