Vườn quốc gia U Minh Thượng tạm dừng đón khách du lịch

09:58' - 02/04/2024
BNEWS Theo dự báo, khoảng giữa tháng 4, cấp cháy rừng ở Vườn quốc gia U Minh Thượng khu vực trên bờ đê là cấp 4, dưới rừng là cấp 3.

Theo ngành chức năng tỉnh Kiên Giang, hiện nay trên địa bàn tỉnh thời tiết đang vào giai đoạn cao điểm mùa khô, diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, mực nước tại các cánh rừng hạ thấp và nguy cơ cháy rừng rất cao.

 

Vì vậy, các đơn vị kiểm lâm, chính quyền địa phương có rừng đã và đang tích cực triển khai thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2024 theo phương châm “4 tại chỗ”.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên huyện Vĩnh Thuận - U Minh Thượng, cơ quan khí tượng thủy văn dự báo mùa khô năm nay gay gắt và xảy ra hiện tượng El Nino trong tháng 4 nên có nguy cơ cao về cháy rừng.

Trước tình hình trên, đơn vị đã thông tin đến các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng chủ động đắp đập giữ nước cao hơn hàng năm trên 10 cm, phát dọn 30 đường tuyến để đề phòng khi có cháy xảy ra lực lượng chữa cháy dễ dàng vận chuyển phương tiện, tiếp cận khu vực cháy để chữa cháy nhanh nhất có thể. Ngoài ra, các đơn vị cũng tổ chức phát dọn kênh mương thông thoáng để lực lượng dễ tuần tra, quan sát và ngăn chặn người dân bên ngoài vào rừng.

Ông Toàn cũng cho hay, Vườn quốc gia U Minh Thượng có diện tích 8.038 ha. Hiện tại, nhiều khu vực trong vườn có các lớp thực bì rất dày và khô nên rất dễ xảy ra cháy và có nguy cơ cháy lan nhanh. Riêng rừng sản xuất với diện tích 1.331 ha cũng nguy cơ xảy ra cháy rất cao vì các lớp thực bì rất khô và dày, các đám lau sậy, dây leo cũng đã héo khô. 

“Thời gian tới thời tiết nắng nóng còn kéo dài, mực nước càng khô kiệt, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao. Hạt Kiểm lâm thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, thông báo về cấp cháy rừng theo từng thời điểm, tổ chức lực lượng tại cơ quan tiếp nhận thông tin về cháy rừng của các địa phương, chủ rừng, báo cáo Ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ huyện để kịp thời chỉ đạo, xử lý”, ông Toàn cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Sơ, Phó trưởng phòng Quản lý bảo vệ và phát triển rừng, Vườn quốc gia U Minh Thượng, hiện nay cấp cháy trên các khu vực bờ đê cấp 3 (cấp dễ xảy ra cháy rừng), khu vực dưới rừng nguy cơ cháy rừng cấp 2. Đơn vị đã bố trí 5 đội trực phòng cháy chữa cháy theo phương án 4 tại chỗ gồm: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ.

“Theo dự báo, khoảng giữa tháng 4, cấp cháy rừng ở Vườn quốc gia U Minh Thượng khu vực trên bờ đê là cấp 4, dưới rừng là cấp 3. Nhận định tình hình nắng hạn dễ gây cháy rừng, từ ngày 15/3/2024, đơn vị đóng cửa, tạm dừng đón khách du lịch để đảm bảo phòng cháy chữa cháy”, ông Sơ cho biết thêm.

Gắn bó với Vườn quốc gia U Minh Thượng gần 30 năm, ông Phan Thanh Nhã, nhân viên đội cơ động cho biết, việc phòng cháy chữa cháy những tháng cao điểm mùa khô rất vất vả.

“Hằng ngày tôi làm công việc tuần tra để phát hiện và ngăn chặn người xâm nhập vào rừng săn bắt động vật, nhất là những người vào khai thác mật ong. Đồng thời, tôi cũng ở túc trực trên chồi canh quan sát lửa, quan sát người và phương tiện xâm nhập vào rừng từ trên cao. Công việc hơi cực vì phải thường xuyên thức khuya, dậy sớm, nhưng vì tình yêu rừng nên tôi có động lực và tinh thần làm việc hiệu quả hơn”, ông Nhã chia sẻ thêm.

Bà Nguyễn Thị Thắm, ấp Minh Kiên 2, xã Minh Thuận, huyện U Minh chia sẻ, gia đình về sống ở vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng hơn 20 năm nay. Gia đình bà Thắm được giao 2 ha đất trồng chuối xiêm, khoai từ, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

“Năm nào cũng vậy, bên kiểm lâm phát tờ rơi và tuyên truyền nhắc nhở gia đình tôi không đốt rác, nướng đồ ăn hoặc bỏ tàn thuốc ngoài vườn để phòng tránh ngọn lửa gây cháy. Không chỉ vậy, bên Vườn quốc gia còn huy động chồng tôi tham gia diễn tập phòng cháy chữa cháy để có thể tham gia chữa cháy cùng các lực lượng khi không may có đám cháy xảy ra”, bà Thắm cho biết thêm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, hiện diện tích ba loại đất rừng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trên 82.600 ha, trong đó rừng tự nhiên gần 51.000 ha, rừng trồng gần 16.700 ha và đất chưa có rừng trên 14.800 ha. Tỉnh đã và đang tập trung thực hiện nhiều phương án, giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất các vụ cháy có thể xảy ra để bảo vệ tài nguyên rừng như: bố trí 81 trạm, chốt, lán trại, với gần 500 lực lượng và nhiều trang thiết bị chữa cháy.

Các hạt kiểm lâm phối hợp địa phương và các đơn vị chủ rừng đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức và hướng dẫn gần 1.000 hộ gia đình sống ven rừng ký cam kết bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô; tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trên các lâm phần, thường xuyên nhắc nhở hộ gia đình sống ven rừng sử dụng lửa an toàn, nêu cao ý thức, chủ động phòng cháy chữa cháy rừng.

Các hạt kiểm lâm tăng cường thực hiện quy chế phối hợp bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng với các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ và các đơn vị đóng quân trên địa bàn, huy động được nhiều lực lượng cùng tham gia bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng ở địa phương; tổ chức phát dọn thực bì trên các tuyến kênh, phát quang đường tuần tra, đường tuyến tại các khu vực có nguy cơ cháy cao, nạo vét các hố chứa nước trong rừng; sửa chữa, bảo trì trạm bơm nước bằng điện và bơm bổ sung vào các lâm phần ở một số khu vực, địa phương.

"Chúng tôi đề nghị các đơn vị chủ rừng tăng cường lực lượng tuần tra và chốt trực 24/24 giờ đến hết mùa khô năm 2024; xử lý nghiêm những chủ rừng không thực hiện các điều kiện đảm bảo an toàn về phòng chống cháy rừng; kiểm soát chặt chẽ các lâm phần, nhất là khu vực có nguy cơ cháy cao, theo dõi thông tin, diễn biến tình hình phòng cháy chữa cháy rừng ở địa phương, kịp thời huy động lực lượng ứng cứu, khống chế, dập tắt các vụ cháy mới phát sinh, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn", Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho hay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục