Vướng giải phóng mặt bằng, dự án điện chưa thể vận hành

15:48' - 24/12/2019
BNEWS Công trình đường dây và trạm biến áp 110kV tại huyện Nghi Xuân sẽ được đóng điện vào tháng 3/2019, thế nhưng đơn vị thi công vẫn chưa thể kéo dây do vướng giải phóng mặt bằng.
Dự án đường dây và trạm biến áp 110kV Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh vướng mắc giải phóng mặt bằng tại vị trí 25 đến vị trí 27. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Để bảo đảm việc cung ứng điện, phát triển kinh tế xã hội và đời sống, việc nghiên cứu, lắp đặt đường dây, trạm biến áp 110kV đang được triển khai tại các địa phương trên cả nước.

Thế nhưng, nhiều dự án đang gặp khó giải phóng mặt bằng; trong đó, có dự án đường dây và trạm biến áp 110kV tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Từ giữa năm 2018, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã khởi công dự án đường dây và trạm biến áp 110kV Nghi Xuân với tổng mức đầu tư hơn 138,5 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới.

 Đây là dự án quan trọng khi đưa vào vận hành sẽ nâng cao chất lượng điện năng, đảm bảo cung cấp điện lâu dài và ổn định, góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho khu vực huyện Nghi Xuân và các vùng lân cận.

Ông Phạm Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân chia sẻ về tầm quan trọng của dự án đường dây và trạm biến áp 110kV Nghi Xuân. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Ông Phạm Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết, Dự án đường dây và trạm 110kV Nghi Xuân là một dự án hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của huyện.

Cũng như nhiều huyện khác của tỉnh Hà Tĩnh, huyện Nghi Xuân đang nhận điện từ nguồn điện của tỉnh Nghệ An, do đó thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải và sự cố trên lưới. Trong khi đó, Nghi Xuân đang trên đà phát triển kinh tế xã hội với sự ra đời của các khu công nghiệp như Gia Lách, Xuân Lĩnh...

Nhu cầu về điện năng của huyện trong những năm tới sẽ rất lớn. Trên địa bàn chưa có trạm 110kV để chủ động về nguồn điện thì sự cố về điện cũng xảy ra thường xuyên, như: mất lưới từ phía Nghệ An, chuyển lưới từ Linh Cảm hay các đường dây khác về cho Nghi Xuân, gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân địa phương.

“Khi dự án hoàn thành đi vào sử dụng sẽ đáp ứng được nhu cầu cung cấp điện cho khu công nghiệp Gia Lách. Hiện nay chúng tôi đã quy hoạch đưa vào 100ha và theo quy hoạch tổng thể thì 300 ở Xuân An, ngay gần vị trí trạm 110kV, cùng với đó là phát triển kinh tế xã hội, các dự án phát triển du lịch, các cơ sở sản xuất kinh doanh khác trên địa bàn huyện Nghi Xuân. Trước mắt, công trình đi vào vận hành sẽ kịp thời phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý bởi đây cũng là thời điểm mà nhu cầu sử dụng điện rất lớn”, ông Phạm Tiến Hưng nói.

Trạm biến áp 100kV, nhà điều khiển, hệ thống cột, đường dây đã hoàn tất. Song vì vướng giải phóng mặt bằng, công trình này vẫn chưa thể đi vào vận hành. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Chia sẻ về tình hình vận hành, cung ứng điện trên địa bàn huyện thời gian qua, ông Đinh Tiết Trung, Giám đốc Điện lực Nghi Xuân - PC Hà Tĩnh cho biết, vấn đề cung ứng điện tại huyện Nghi Xuân gặp nhiều khó khăn vì trên địa bàn đang vận hành lưới điện độc đạo qua đường dây 372 E 15.7 ở trạm 110kV Bến Thủy.

Do đây là đường dây độc đạo nên khi xảy ra sự cố sẽ dẫn đến tình trạng mất điện trên diện rộng, mất toàn huyện, do đó làm giảm độ tin cậy cung cấp điện, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của nhân dân, sự phát triển kinh tế xã hội của huyện.

Hiện nay, tổn thất điện năng tại huyện Nghi Xuân là trên 7%. Nếu trạm 110kV Nghi Xuân đi vào hoạt động sẽ giảm được tổn thất điện năng, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Theo kế hoạch, công trình đường dây và trạm biến áp 110kV tại huyện Nghi Xuân sẽ được đóng điện vào tháng 3/2019, thế nhưng dù các hạng mục cơ bản đã hoàn thành theo tiến độ và đủ điều kiện đưa vào vận hành song đơn vị thi công vẫn chưa thể kéo dây từ vị trí 25 đến vị trí 27 do 4 hộ dân thuộc xã Xuân Hồng có phần đất nằm trong hành lang an toàn lưới điện không đồng tình với chính sách đền bù của huyện.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng phòng Quản lý công trình 3, Ban Quản lý Dự án phát triển điện lực. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng phòng Quản lý công trình 3, Ban Quản lý Dự án phát triển điện lực – đơn vị được Tổng công ty Điện lực miền Bắc giao quản lý dự án cho biết, tất cả các hạng mục như: trạm biến áp 110kV, dựng cột, nhà điều khiển... đã có; song công tác kéo dây chưa được hoàn thành vì một số hộ dân trên địa bàn chưa đồng ý với phương án bồi thường do UBND huyện Nghi Xuân phê duyệt. “Chúng tôi vẫn đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương cũng như PC Hà Tĩnh tiếp tục tuyên truyền vận động cho các hộ dân nhận tiền bồi thường cho chúng tôi triển khai thi công”.

Cũng theo ông Thanh, từ khi xảy ra vướng mắc, đơn vị đã có nhiều buổi làm việc với chính quyền địa phương và các hộ dân. Đến thời điểm này đã phê duyệt được phương án bồi thường cho các hộ dân và đang thực hiện chi trả. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn 4 hộ dân chưa đồng ý với tiền đền bù.

Trước đó, vào tháng 30/7/2019, ngành điện cũng đã có văn bản khẳng định tới các hộ dân, nhà cửa, vật kiến trúc vẫn đủ điều kiện tồn tại dưới hành lang an toàn lưới điện dự án, không phải di dời, phá bỏ, các hộ dân này vẫn sử dụng, sinh hoạt bình thường; cam kết xây dựng dự án theo đúng quy định nhà nước đã ban hành.

Cán bộ ngành điện và địa phương huyện Nghi Xuân tuyên truyền, vận động người dân hỗ trợ giải phóng mặt bằng thi công dự án vào ngày 19/12/2019. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Song đến ngày 19/12/2019, tìm hiểu thực tế tại địa phương và trực tiếp tham gia một buổi làm việc, vận động từng hộ gia đình nhận tiền đền bù, tạo điều kiện cho đơn vị thi công hoàn thành dự án, phóng viên ghi nhận, ông Lê Văn Luận, một trong các gia đình chưa thống nhất với chính sách đền bù đã yêu cầu chính quyền và chủ đầu tư một mặt cam kết về an toàn điện, đồng thời yêu cầu tái định cư...

“Chúng tôi chỉ cần an toàn thôi. Các nhà đầu tư và nhà thi công phải có cam kết để người dân, con trâu, con bò, con người… có thể an toàn. Còn bồi thường thì thiệt hại bao nhiêu, nhà nước bồi thường cho nhân dân”, ông Lê Văn Luận nói.

Giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề khó. Để những công trình điện có thể hoàn thành và đưa vào sử dụng thì cần hơn hết là sự vào cuộc của cơ quan chức năng và sự đồng thuận của người dân, giúp dự án sớm được hoàn thành góp phần bảo đảm việc phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Ông Đinh Tiết Trung, Giám đốc Điện lực Nghi Xuân cho hay, đơn vị quản lý dự án và nhà thầu thi công sẽ tiếp tục vận động, phổ biến pháp luật và các quy định an toàn điện để người dân hiểu và tạo điều kiện cho ngành điện triển khai công trình.

Tuy nhiên, ngành điện cũng mong người dân hiểu, chia sẻ, hỗ trợ ngành điện triển khai các công trình điện, đặc biệt là những công trình dân sinh, phục vụ phát triển địa phương, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.

Đồng thời, chính quyền địa phương cũng cần tích cực và có các giải pháp quyết liệt hơn nữa trong việc giải phóng mặt bằng, hỗ trợ ngành điện triển khai công trình song vẫn đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục