Vượt khó nhờ trồng lúa trên đất cát trắng bỏ hoang

14:42' - 25/05/2017
BNEWS Cây lúa đó hoàn toàn sinh trưởng nhờ vào lượng nước mưa tự nhiên và nguồn nước trong lòng đất. Đó cũng là lý do mà người dân ở đây chỉ chỉ canh tác lúa vụ Đông Xuân có khí trời mát mẻ, ẩm ướt.
Vượt khó nhờ trồng lúa trên đất cát trắng bỏ hoang. Ảnh minh họa: Báo Quảng Ngãi
Gần 20 năm trở lại đây, mọi người đến thôn Hà Tây, xã Triệu An, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) đều ngạc nhiên trước những thửa lúa tốt tươi được trồng trên những khuông ruộng đất cát, khác xa với hình ảnh bỏ hoang trước đây.

Đặc biệt, điều làm mọi người ngạc nhiên là tất cả các đám lúa trồng ở đây đều được trồng trong những thửa ruộng khô không có tầng nước mặt cũng như không có hệ thống kênh mương thuỷ lợi.

Anh Dương Văn Long - Trưởng thôn Hà Tây cho biết, vụ Đông Xuân năm nay thôn Hà Tây có gần 350 hộ canh tác lúa trên tổng điện tích 112 ha, tăng 15 ha so với năm 2016.

Do canh tác trong điều kiện tự nhiên khô hạn, không đủ lượng nước để phát triển nên lúa trên cát ở thôn Hà Tây sinh trưởng chậm hơn những địa phương khác, nhưng nhìn chung lúa năm nay sinh trưởng tốt. Hiện nay nông dân đã thu hoạch được khoảng 30% diện tích, năng suất bình quân đạt từ 32 - 34 tạ/ha.

Để đạt được năng suất như vậy, ngay từ đầu vụ mùa, cán bộ khuyến nông của xã Triệu An đã phối hợp với thôn tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân đưa các giống lúa ngắn ngày chịu khô hạn và kháng bệnh tốt vào canh tác, tập huấn các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên cây trồng.

Nhờ đó, trong năm 2016 vừa qua, xã Triệu An có hơn 144 ha lúa, trong đó diện tích lúa trên cát có gần 100 ha, năng suất bình quân trên 30 tạ/ha, góp phần giúp nền kinh tế của xã Triệu An đạt được nhiều thành quả vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng các ngành sản xuất trên 12%, tổng giá trị kinh tế trên 169 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu gười gần 25,2 triệu đồng/người.

Triệu An là một xã bãi ngang ven biển, đất đai nhiều nhưng chủ yếu là đất cát phần lớn bị bỏ hoang hoặc trồng các loại hoa màu như dưa hấu, khoai lang... cho giá trị thấp nên đời sống kinh tế của nhân dân nơi đây chủ yếu dựa vào đánh bắt, khai thác trên biển là chính. Do đó, vào những ngày sóng to biển động thì hầu hết các hộ gia đình trong thôn đều rất khó khăn, chật vật trong sinh hoạt hàng ngày và phải đi vay mượn lương thực.

Ông Lê Quang Trung, một trong những người đầu tiên đưa cây lúa vào canh tác trên đất cát từ năm 1999 tại thôn Hà Tây, xã Triệu An, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) cho biết, trước đây, những ngày sóng to gió lớn không ra khơi được, nhân dân nơi đây thường phải đi vay mượn để sinh sống.

Gần 20 năm trở lại đây, nhờ canh tác được cây lúa, người dân đã chủ động được lương thực nên trong những ngày sóng to biển động không ra khơi bám biển được vẫn an tâm ở nhà. Họ không phải mạo hiểm ra khơi đánh bắt cũng không phải chạy vạy cái ăn như trước đây. Không những vậy, nhiều hộ gia đình còn có dư lúa, gạo để bán ra thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục