Khắc phục yếu kém nội tại để ngành lúa gạo phát triển bền vững

19:05' - 24/05/2017
BNEWS Mặc dù đã đạt được thành tích tăng trưởng vượt bậc trong nhiều năm nhưng ngành lúa gạo vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức và nhiều rào cản về chính sách khiến cho năng lực cạnh tranh bị giảm sút.

Chính vì vậy, đã đến lúc Nhà nước cần thực thiện những giải pháp mạnh mẽ để khơi thông thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng lúa gạo.

Các chuyên gia tại phiên thảo luận về nâng tầm ngành lúa gạo thông qua chính sách thương mại, đầu tư và thương hiệu. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Đây là nội dung được các chuyên gia bàn thảo tại hội thảo "Ngành hàng lúa gạo - nâng tầm ngành lúa gạo thông qua chính sách thương mại, đầu tư và thương hiệu" do Vụ Kinh tế - Văn phòng Quốc hội phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tổ chức chiều 24/5 tại Hà Nội.

Phân tích về tổng quan và dự báo thị trường thế giới trong trung hạn, ông Sergio Araujo - Ban Thương mại và Thị trường - Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, thị trường gạo toàn cầu được xây dựng dựa trên sự đồng thuận từ các bên liên quan khác nhau.

Đặc biệt, việc tăng sản lượng chủ yếu đặc biệt ở châu Á và châu Phi do tăng năng suất gần 500 triệu tấn năm 2015-2016. Nguyên nhân do sử dụng thực phẩm tăng.

Tuy nhiên, theo tính toán vẫn phải sản xuất thêm 50 triệu tấn nữa mới đủ. Cùng với đó, thương mại cũng tăng và tồn cuối kỳ giảm đi nên dự báo trong tương lai lượng tồn sẽ thấp hơn so với sản xuất và nhu cầu.

Cũng theo ông Sergio Araujo, đến năm 2025 sản lượng lúa gạo có thể sẽ đạt 165 triệu tấn và diện tích vẫn giữ ổn định. Thương mại gạo toàn

cầu dự báo sẽ phục hồi vào 2025, nhưng sự bất ổn về chính sách và tiền tệ vẫn tiếp diễn.

Các dự báo cho thấy sự suy giảm nhẹ đối với hàng tồn kho toàn cầu. Dự báo giá gạo thực tế nhìn chung trong xu hướng giảm dần. Hiện đã có nhiều nhà sản xuất gạo lớn đang gặp nhiều vấn đề về yếu tố tác động như xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu...

Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu cánh đồng mẫu lớn dẫn đến chất lượng gạo không đồng đều bởi Việt Nam đang sử dụng quá nhiều giống lúa với chất lượng hạt khác biệt nhau dẫn đến không đồng nhất về chất lượng, không thể xác định nguồn gốc.

Bên cạnh đó, mức độ cơ giới hóa trong công đoạn thu hoạch còn thấp dẫn tới chất lượng gạo xuất khẩu thấp, giá thành sản xuất và tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch cao.

Hơn nữa, quy trình ngược đi từ chế biến gạo xuất khẩu dựa trên dự trữ gạo nguyên liệu, sau đó phối trộn, lau bóng, sấy và phân cấp theo hợp đồng xuất khẩu cũng dẫn đến chất lượng gạo thấp, tỷ lệ hao hụt và hư hỏng cao.

Đánh giá về triển vọng ngành lúa gạo Việt Nam năm 2017, bà Phạm Thị Kim Dung, đại diện Bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng (IPSARD) cho biết, giá gạo trung bình năm 2017 giảm 2,7% so với năm 2016, sau đó tăng 6% trong năm 2018.

Cùng đó, giá gạo danh nghĩa tăng nhưng trước năm 2020 mặt bằng giá vẫn thấp hơn năm 2016. Trong khi giá gạo thực tế duy trì khuynh hướng giảm đến năm 2030.

Vì vậy, theo bà Phạm Thị Kim Dung, ngành lúa gạo Việt Nam cần tăng cường hợp nhất-tập trung hóa ngành, đặc biệt là khâu trung gian thương mại và chế biến.

Ngoài ra, tiếp tục chú trọng xuất khẩu đồng thời không bỏ lỡ cơ hội mới trên thị trường nội địa.

Bà Dung cũng nhấn mạnh tới việc cần theo dõi sát sao thị trường Trung Quốc để chủ động trước các biến động khó lường. Hơn nữa, phải duy trì quan hệ thương mại với các thị trường truyền thống, vẫn còn dư địa như Philippines, Bangladesh.

Đặc biệt là khơi thông phát triển thị trường mới, có tiềm năng tại châu Phi, châu Âu (nhất là Đông Âu); tìm hiểu và thâm nhập vào thị trường Trung Đông và Mỹ Latin để mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu và sản xuất trong nước.

Ông Hồ Quang Cua, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng đề xuất, trước mắt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục công nhận giống lúa thơm để sớm có nhiều giống tốt cho sản xuất.

Mặt khác, ban hành quy chuẩn lúa thơm cũng như kiểm tra việc thực hiện để phát triển sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tổ chức hội nghị chuyên đề về lai tạo lúa thơm để định hướng việc lai tạo để tương lai có những giống lúa thơm cấp độ cao hơn.

Theo các chuyên gia, thời gian tới, ngành gạo sẽ tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn.

Thách thức này yêu cầu ngành gạo Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện những yếu kém nội tại như sản xuất còn manh mún, khâu chế biến chưa bảo đảm tính liên tục và còn nhiều vấn đề như chất lượng gạo chưa thực sự ổn định, khâu tổ chức thu mua còn nhiều bất cập.

Cùng đó, ngành lúa gạo cần có những biện pháp ứng phó kịp thời và thích ứng với những biến đổi của thị trường gạo thế giới; tạo lập và duy trì thị trường xuất khẩu gạo ổn định hàng năm, góp phần tiêu thụ lúa gạo cho nông dân.

Đồng thời nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu với những sản phẩm gạo chất lượng cao; đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới./.

Xem thêm:

>>Rà soát thể chế quản lý chuỗi giá trị lúa gạo

>>Ngã rẽ nào cho lúa gạo Việt Nam?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục