WB điều chỉnh giảm dự báo giá hàng hóa năm 2015

08:56' - 22/10/2015
BNEWS Theo WB, nguồn cung dồi dào và nhu cầu yếu, đặc biệt là đối với các loại hàng hóa phục vụ lĩnh vực công nghiệp, là nguyên nhân chính dẫn tới đà sụt giảm giá ở hầu hết các mặt hàng này.
WB hạ dự báo giá cả hàng hóa toàn cầu năm 2015. Ảnh: Reuters

Cụ thể, trong báo cáo công bố ngày 21/10, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết giá kim loại đã giảm 12% trong quý III/2015 và là quý giảm thứ tư liên tiếp, phản ánh nhu cầu chậm lại, đặc biệt là từ Trung Quốc. Ngân hàng này dự báo giá kim loại cơ bản thế giới sẽ giảm thêm 16% trong năm 2015.

Trong khi đó, giá kim loại quý cũng đã giảm 7% trong quý III vừa qua và có khả năng giảm 8% trong năm 2015 do nhu cầu đầu tư thấp hơn.

Giá phân bón đã giảm 1% trong quý III, và theo WB, mặt hàng này có thể giảm thêm 1% trong năm nay do nhu cầu yếu và nguồn cung tăng. Ngân hàng này lưu ý, ngay cả giá nông sản cũng có khả năng giảm 13% trong năm 2015, phản ánh nguồn cung dồi dào và nguồn dự trữ lúa gạo ở mức cao.

WB cắt giảm dự báo về giá dầu thô thế giới năm 2015 từ 57 USD/thùng xuống 52 USD/thùng.

Giải thích về động thái trên, các chuyên gia WB cho rằng hoạt động kinh tế toàn cầu chậm lại, các kho dự trữ dầu hiện khá cao và dự kiến ​​xuất khẩu dầu của Iran sẽ tăng sau khi dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế có thể khiến tình trạng dư cung dầu mỏ càng trở nên nghiêm trọng.

Ngoài ra, WB cũng điều chỉnh giảm dự báo giá dầu năm 2016 từ 61 USD/thùng xuống còn 51 USD/thùng.

Theo WB, giá năng lượng năm 2015 dự kiến ​​sẽ ở mức trung bình thấp hơn 43% so với năm 2014. Trong vòng vài tháng tới, Iran có khả năng trở lại mức xuất khẩu trước khi bị áp đặt lệnh trừng phạt là 3,6 triệu thùng mỗi ngày.

Ngoài ra, Iran ngay lập tức có thể bắt đầu xuất khẩu từ kho dự trữ dầu ước khoảng 40 triệu thùng của mình.

Hơn nữa, các chuyên gia WB cho rằng khả năng giá dầu thế giới đi xuống còn do sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cao hơn dự kiến ​​và chi phí tiếp tục giảm cùng với việc cải thiện năng suất của ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ.

Tố Uyên (P/v TTXVN tại Geneva)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục