IMF cảnh báo về nguy cơ dài hạn của giá hàng hóa lao dốc

09:36' - 30/09/2015
BNEWS Theo IMF, giá hàng hóa suy giảm sau khi tăng bùng nổ vào những năm 2000 là nỗi đau mang tính chu kỳ đối với các nhà sản xuất và kéo thu nhập của họ xuống thấp.

Trong báo cáo mới nhất về Triển vọng Kinh tế Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng các nước phụ thuộc vào xuất khẩu những hàng hóa như kim loại hoặc dầu mỏ có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức về tăng trưởng trong dài hạn do chịu ảnh hưởng từ giá cả tụt dốc.

Theo IMF, giá hàng hóa suy giảm sau khi tăng bùng nổ vào những năm 2000 là nỗi đau mang tính chu kỳ đối với các nhà sản xuất và kéo thu nhập của họ xuống thấp.

Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde. Ảnh: THX/TTXVN.

Cụ thể, những quốc gia này đang phải đối mặt với nguy cơ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) "bị tước mất" khoảng 1 điểm phần trăm hàng năm trong giai đoạn 2015-2017, so với giai đoạn 2012-2014. Trong đó các nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt sẽ bị tác động nhiều hơn cả.

Cũng trong báo cáo này, IMF cho rằng sự sụt giảm giá hàng hóa có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư trong sản xuất tương lai tại những quốc gia bị tác động, từ đó hạn chế tiềm năng tăng trưởng của họ.

Mặc dù vậy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng cho biết nhiều nước xuất khẩu đã chuẩn bị tốt để ứng phó với xu hướng sụt giảm này bằng cách tăng cường tiết kiệm và hạn chế biến động tỷ giá thông qua việc thả đồng nội tệ biến động theo điều chỉnh thị trường.

Theo quan điểm của IMF, để cải thiện tình hình, các chính phủ cần tập trung tái cơ cấu để nâng cao năng suất trong lĩnh vực hàng hóa, trong đó có việc tháo gỡ "các nút thắt cổ chai" và nâng cao hiệu quả . Thể chế này cũng đồng thời cảnh báo rằng cuộc suy thoái này "thậm chí có thể lớn hơn so với những lần trước".

Nghiên cứu của IMF cho thấy các nhà phân tích nói chung đồng ý rằng giá cả hàng hóa có khả năng sẽ vẫn ở mức thấp hoặc chỉ tăng rất chậm trong 5 năm tới, do nguồn cung dồi dào và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu.

Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng sự linh hoạt của tỷ giá hối đoái có thể giúp các nước xuất khẩu hàng hóa hạn chế những tác động của giá cả sụt giảm, trong khi doanh thu từ các giao dịch hàng hóa và tiềm năng tăng trưởng yếu sẽ hạn chế khả năng triển khai các chính sách tài khóa để đối phó với xu hướng giảm giá hàng hóa của những quốc gia này.

Phương Nga (Tổng hợp)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục