WB sẵn sàng tài trợ cho việc nâng năng lực quản lý đô thị

16:18' - 09/10/2015
BNEWS Cũng giống như một số đô thị khác, Việt Nam hiện phải đối mặt với nhiều khó khăn. Việc chia sẻ kinh nghiệm quốc tế rất quan trọng và WB có lợi thế với một mạng lưới rộng khắp toàn cầu.
Tọa đàm vai trò của lãnh đạo trong quản lý đô thị. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS

Tại diễn đàn đô thị hóa và vai trò lãnh đạo trong quản lý đô thị do Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) tổ chức ngày 9/10, ông Achim Fock, Giám đốc Danh mục đầu tư và dự án, Ngân hàng Thế giới tại (WB) tại Việt Nam cho biết, WB sẵn sàng tài trợ kỹ thuật, cơ chế quản lý và tài chính cho chương trình Nâng cao năng lực quản lý đô thị cho Việt Nam.

Theo Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị Trần Hữu Hà, Đề án 1961 được Chính phủ phê duyệt đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý về xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức và lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010-2015.

Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế về sự phối hợp giữa các ngành với cán bộ quản lý cũng như nhận thức chung về ý nghĩa của công tác này.

Dẫn chứng về hệ quả lỏng lẻo trong công tác quản lý đô thị, ông Đỗ Viết Chiến, Cục trưởng Cục quản lý đô thị - Bộ Xây dựng khẳng định: Hiện nay, tình trạng xây dựng không phép, trái phép vẫn diễn ra. Việc công khai quy hoạch đô thị nhiều nơi chưa thực hiện triệt để, ảnh hưởng lớn đến diện mạo chung.

Hệ thống đô thị Việt Nam hiện manh mún, tự phát, chưa liên kết với nhau để phát triển. Mục tiêu đặt ra là phải giảm chênh lệch giữa đô thị lớn và đô thị nhỏ. Hiện đô thị lớn chỉ nên chiếm 20% và trong thời gian tới cần khuyến khích phát triển đô thị nhỏ.

Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc, Giáo sư – Tiến sỹ Taiyoung Ryu - Nguyên cán bộ nghiên cứu cao cấp, Viện Nghiên cứu Định cư con người Hàn Quốc cho biết luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến đến giao thông vì nó liên quan đến quy hoạch.

Phải phát triển giao thông trước tiên và cần có kết nối đồng bộ và có như vậy mới tạo sự hấp dẫn cho từng đô thị, tránh sự dồn ứ, tập trung vào các đô thị trung tâm gây quá tải.

Tại diễn đàn, các đại biểu đều chung quan điểm lãnh đạo và quản trị tốt là những nhân tố quyết định đối với sự phát triển thành công của các thành phố.

Seoul và New York là hai thành phố được dẫn chứng như những ví dụ điển hình về tác động của sự lãnh đạo mang tính đột phá ở cấp địa phương.

Những thành phố được quản lý tốt là kết quả của lãnh đạo có tầm nhìn, thôi thúc lập kế hoạch dài hạn hiệu quả, cấu trúc lại thể chế và cơ sở hạ tầng, dự báo những cơ hội để xây dựng các hoạt động và phát huy sáng tạo, đồng thời biết huy động khu vực tư nhân, tận dụng công nghệ để tăng cường tương tác đô thị, quản lý hành chính, an toàn và khả năng chống chịu và sức cạnh tranh toàn cầu.

Ước tính đến năm 2025, một nửa dân số Việt Nam sẽ sống ở các đô thị và khoảng 70% sản lượng của nền kinh tế sẽ được tạo ra từ các thành phố./.

Thu Hằng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục