WB sẵn sàng tài trợ khẩn cấp cho các nước châu Phi tiếp cận vaccine

09:16' - 04/03/2021
BNEWS Đến nay, chỉ có rất ít quốc gia châu Phi triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 đại trà.

Ngân hàng Thế giới (WB) sẵn sàng tài trợ khẩn cấp để giúp khoảng 30 nước châu Phi tiếp cận được vaccine ngừa COVID-19, trong bối cảnh châu lục Đen đang nỗ lực đảm bảo có được vaccine và bắt đầu tiến hành tiêm chủng cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Đến nay, chỉ có rất ít quốc gia châu Phi triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 đại trà, trong khi một số nước ở những khu vực giàu có hơn trên thế giới đã tiêm hàng triệu liều vaccine.

Nhiều nước châu Phi phải dựa vào vaccine thông qua cơ chế phân phối toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đứng đầu. Tuần trước, những liều vaccine đầu tiên theo cơ chế này đã tới Ghana.

WB cho biết các dự án tài trợ đã được chuẩn bị ở các nước châu Phi, trong đó có CHDC Congo, Ethiopia, Niger, Mozambique, Tunisia, Eswatini, Rwanda và Senegal. Tuy nhiên, WB không tiết lộ số tiền tài trợ trong các cuộc thảo luận.

Người phát ngôn WB nêu rõ: "Các quỹ hiện đã sẵn sàng, và đối với phần lớn các nước châu Phi, việc tài trợ sẽ là cấp miễn phí hoặc có điều kiện mang tính nhân nhượng".

Tháng trước, WB đã thông qua khoản tài trợ 5 triệu USD từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế để cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho Cape Verde.

Theo người phát ngôn WB, đây là hoạt động được WB tài trợ đầu tiên ở châu Phi nhằm hỗ trợ chương trình tiêm phòng cũng như giúp mua và phân phối vaccine ở quốc gia này.

Mới đây, số ca tử vong do COVID-19 ở châu Phi đã vượt trên 100.000 ca, ít hơn các châu lục khác. Tuy nhiên, số ca tử vong đang tăng nhanh trong bối cảnh số ca nhập viện ngày càng tăng trong làn sóng dịch bệnh thứ hai.

Những nước châu Phi đã bắt đầu chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 gồm Nam Phi, Zimbabwe, Senegal, Morocco và Ai Cập. Tuần trước, cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Liên minh châu Phi (AU) cho biết khối này ủng hộ lời kêu gọi các hãng dược hủy bỏ một số bản quyền vaccine ngừa COVID-19 nhằm đẩy nhanh chương trình tiêm chủng ở một số nước nghèo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục