WB và Moody's dự báo tăng trưởng kinh tế Mexico năm 2025

08:43' - 17/01/2025
BNEWS Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 16/1 duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế Mexico năm 2025 và 2026 lần lượt là 1,5% và 1,6% so với các con số tổ chức toàn cầu này đưa ra hồi tháng 10/2024.

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, báo cáo “Triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới. Tháng 1/2025” của WB cho biết năm 2024, Mexico chứng kiến sự suy giảm kinh tế rõ rệt và dự kiến sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2025 do chính sách tiền tệ thắt chặt và củng cố tài khóa ảnh hưởng đến tiêu dùng và đầu tư tại nước này.

 

Tỷ lệ lạm phát sẽ giảm nhẹ, song vẫn ở gần mức cao so với mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Mexico (Banxico) đưa ra cho năm 2025. Đối với toàn bộ Mỹ Latinh và Caribe, WB ước tính GDP khu vực sẽ lần lượt đạt 2,5% và 2,6% năm 2025 và 2026, phục hồi so với mức tăng trưởng 2,2% vào năm 2024, nhờ kinh tế Argentina tăng trưởng trở lại.

Tuy nhiên, WB cũng lưu ý những dự báo trên có thể thay đổi do một vài nguyên nhân bao gồm sự bất ổn tài chính, tình trạng lạm phát kéo dài, chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng trưởng yếu ở Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu về hàng hóa, đặc biệt là tại Chile và Peru.

Ngoài ra, các quy định hạn chế thương mại trong Thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) sẽ được thảo thuận tới đây có thể làm giảm kim ngạch xuất khẩu Mexico và các chính sách nhập cư chặt chẽ hơn có thể làm giảm lượng kiều hối đổ về quốc gia Mỹ Latinh này.

Cùng ngày, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's cảnh báo Mexico sẽ phải đối mặt với một kịch bản kinh tế đầy thách thức trong năm 2025, do cả yếu tố bên trong và bên ngoài, đặc biệt tác động từ các chính sách không chắc chắn khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Moody's dự báo nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh sẽ chỉ tăng trưởng 1,3% năm 2025, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng yếu và trái ngược với mức trung bình dự kiến của khu vực là 3%.

Báo cáo của Moody's cũng nhận định các tuyên bố áp dụng chính sách thuế quan mới và hạn chế nhập cư của Tổng thống đắc cử Trump sẽ tác động đến hoạt động xuất khẩu và dòng kiều hối- hai nguồn thu ngoại tệ quan trọng và chủ yếu của quốc gia Mỹ Latinh này. Các chính sách đó sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng biến động tỷ giá hối đoái do đồng peso Mexico đã mất giá nhiều so với đồng đô la Mỹ kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2024.

Bên cạnh đó, Mexico đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể liên quan đến chất lượng thể chế và các chương trình cải cách do Chính phủ của Tổng thống Claudia Sheinbaum thúc đẩy. Điều này tác động đến niềm tin kinh doanh và đầu tư vào nước này.

Cuối cùng, Moody's cảnh báo về tình trạng nợ công của nền kinh tế số 2 Mỹ Latinh do khả năng chi trả vẫn còn hạn chế, chi phí vay cao và nguồn thu thuế thấp. Sự cứng nhắc trong chi tiêu công cùng với nhu cầu xã hội ngày càng tăng sẽ hạn chế khả năng ứng phó của chính phủ Mexico trước các rủi ro kinh tế và khí hậu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục