WEF ASEAN 2018: Việt Nam có tiềm năng lớn khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

17:37' - 13/09/2018
BNEWS Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc đưa ra nhiều biện pháp nhằm đảm bảo tính bền vững về tài chính, điều mà không phải thị trường mở và phát triển nào cũng làm được...

Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS 2018) chủ đề “Việt Nam: Đối tác kinh doanh tin cậy - KẾT NỐI và SÁNG TẠO, diễn ra ngày 13/9 tại Hà Nội trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại ASEAN (WEF ASEAN 2018), với sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà hoạch định chính sách hàng đầu, các doanh nghiệp nổi tiếng địa phương và toàn cầu, tập trung thảo luận về những tiềm năng to lớn cũng như vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị VBS 2018. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Bên cạnh đó, việc chỉ ra ra những cơ hội để kinh tế Việt Nam, và phần còn lại của thế giới, thiết lập mối quan hệ đối tác mới và tạo ra những ý tưởng sáng tạo cũng được chú trọng.

Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2018 và 2019 được dự đoán lần lượt là 7,1% và 6,8%, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Ngoài ra, những điều kiện lý tưởng như lực lượng lao động có học vấn và nền tảng tiêu dùng tốt, đi kèm với nỗ lực nhằm tăng cường sự hội nhập thông qua các hiệp định thương mại tự do và cải cách chính sách, đã giúp Việt Nam đứng trước cơ hội rất lớn để trở thành một trung tâm kinh tế của Đông Nam Á.

* Việt Nam đang tiến bộ và nỗ lực để phát triển hơn nữa

Nhận định về những thành tựu của nền kinh tế Việt Nam, ông Borge Brender, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), cho rằng: "Trong 8 năm kể từ hội nghị lần cuối của WEF được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2010, kinh tế Việt Nam đã chứng kiến đà tăng trưởng tuyệt vời, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng gần gấp đôi và giá trị xuất khẩu tăng gần gấp ba.

Sự thành công của Việt Nam tiếp tục phát triển vững chắc khi tăng trưởng kinh tế trong năm nay được dự báo ở mức gần 7%. Bên cạnh đó, giá trị thị trường chứng khoán cũng tăng gần gấp đôi với lạm phát thấp và ổn định, nền tảng thương mại phát triển nhanh, đầu tư nước ngoài tăng và đặc biệt tỷ lệ đói nghèo giảm vượt bậc xuống chỉ còn 3% (từ mức 50% của những năm 1990)".

Ông Borge Brender đã chỉ ra bốn khía cạnh kinh tế đã được cải thiện vượt bậc tại Việt Nam trong thời gian qua, đó là nợ chính phủ, ngân hàng, thương mại và môi trường kinh doanh.

Trong những năm qua, tỷ lệ nợ công của Việt Nam đã tăng khá cao và nhanh, tuy nhiên Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc đưa ra nhiều biện pháp nhằm đảm bảo tính bền vững về tài chính, điều mà không phải thị trường mở và phát triển nào cũng làm được.

Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Borge Brende bày tỏ sự hài lòng về kết quả Hội nghị WEF ASEAN 2018 diễn ra tại Hà Nội, từ 11-13/9/2018. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN
Trong lĩnh vực ngân hàng, cuộc khủng hoảng tài chính gần nhất đã làm bộc lộ nhiều yếu điểm của hệ thống ngân hàng Việt Nam, song, một lần nữa, chính phủ cũng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm điều chỉnh nợ xấu và cải cách các ngân hàng để mang đến một hệ thống minh bạch, cởi mở hơn trong tương lai.

Thương mại là lĩnh vực thứ ba của Việt Nam đang phát triển nhanh và mạnh, đặc biệt là khi chính phủ luôn ủng hộ thương mai tự do và mở cửa thông qua việc tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do, ví dụ như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng có những bước đi để cải cách các doanh nghiệp nhà nước – thành phần hiện đang đóng góp khoảng 3/4 nền kinh tế Việt Nam.

Cuối cùng là yếu tố môi trường kinh doanh được cải thiện, nhờ vào những bước đi hiệu quả để đơn giản hoá thủ tục và đầu tư vào Việt Nam. Trong báo cáo kinh doanh hàng năm của Ngân hàng Thế giới (WB), đánh giá về sự phù hợp cũng như các điều kiện thuận lợi cho đầu tư doanh nghiệp của từng quốc gia, vị trí của Việt Nam đã được cải thiện từ thứ hạng 82 trong năm ngoái lên thứ hạng thứ 68 trong năm nay.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thay đổi, đặc biệt là những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhà lãnh đạo WEF cũng cho rằng trong số những điểm cần được cải thiện của Việt Nam, vấn đề quan trọng là chất lượng giáo dục và hiệu quả lao động. Đồng thời, việc huy động toàn bộ nguồn lực kinh tế tham gia vào cách mạng công nghiệp 4.0 cũng là một thách thức.

* Việt Nam: Cửa ngõ quan trọng bậc nhất của ASEAN

Cũng tại Hội nghị này, trong bài phát biểu về Việt Nam trong chuỗi giá trị ASEAN và toàn cầu, Thủ tướng chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Dù khái niệm thương mại thế giới đang đứng trước nhiều thức thách do sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ đang đe doạ các cơ chế thương mại đa và song phương, Việt Nam luôn nhất quán đề cao lợi ích của thương mại tự do”.

Theo Thủ tướng, trong hơn 30 năm thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập, những thành tựu đổi mới của Việt Nam không thể không gắn với những cải cách theo hướng tự do hoá. Có thể nói, dù có nhiều thách thức song quyết định mở cửa đã mang lại lợi ích to lớn đối với kinh tế Việt Nam.

Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS 2018). Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra rằng thực trạng kinh tế Việt Nam vẫn còn những điều chưa đạt kỳ vọng và cần hành động quyết liệt hơn. Cụ thể, Việt Nam đã tham gia khá rộng vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, tuy nhiên nếu xét về độ sâu, vẫn còn nhiều việc phải làm.

51% số doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu so với con số trung bình chỉ 41% của khu vực ASEAN, tuy nhiên tỷ trọng trong chuỗi cung ứng thế giới của nền kinh tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mục tiêu đề ra.

Nhiều nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng thành công của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu tuy cao nhưng nhiều doanh nghiệp mới chỉ tham gia ở khâu đơn giản, có giá trị gia tăng không cao và thiếu bền vững.

Vì lẽ đó, Việt Nam cần đặt mục tiêu nâng cấp và dịch chuyển lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tự nâng cấp, cải thiện năng lực quản trị cũng như độ tinh thông trong hoạt động.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó phải kể đến hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), CPTPP… Điều này đang mở ra cánh cửa của 50 nền kinh tế, mang đến những cơ hội mở cửa sâu, rộng hơn nhằm tiếp cận những thị trường mới. Theo Thủ tướng, Việt Nam đóng vai trò cửa ngõ quan trọng bậc nhất trong ASEAN.

Xem thêm:

>>Các tập đoàn lớn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển nền kinh tế số

>>WEF ASEAN 2018: Bế mạc Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục