WFP lạc quan về thỏa thuận nối lại xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine

10:01' - 26/07/2022
BNEWS Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã bày tỏ lạc quan về thỏa thuận nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc cho các thị trường quốc tế qua Biển Đen giữa Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc.

Theo hãng tin Reuters, ngày 25/7, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã bày tỏ lạc quan về thỏa thuận nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc cho các thị trường quốc tế qua Biển Đen giữa Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc (LHQ), đồng thời cảnh báo kể cả khi được thực thi hiệu quả, chỉ riêng thỏa thuận này vẫn chưa đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

WFP đã phải cắt viện trợ trong năm nay cho những "điểm nóng" về nạn đói như Yemen và Nam Sudan do lạm phát toàn cầu và thiếu hụt ngân sách, vốn trở nên trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Trả lời phỏng vấn, người phát ngôn của WFP đã bày tỏ lạc quan rằng thỏa thuận trên sẽ giúp hạ nhiệt giá lương thực toàn cầu.

Những nước phụ thuộc vào nguồn cung ngũ cốc từ Biển Đen sẽ cảm nhận được tác động tích cực đầu tiên. Tuy nhiên, theo người phát ngôn, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay không chỉ là khủng hoảng về giá cả, trong khi xung đột, những cú sốc về khí hậu và đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục khiến giá lương thực leo thang kể cả khi thỏa thuận trên được duy trì.

Cuộc xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đang làm gián đoạn nguồn cung ngũ cốc, khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt. Hiện vẫn còn đến 25 triệu tấn lúa mỳ và ngũ cốc đang bị mắc kẹt tại các cảng ở Ukraine, trong khi quốc gia này dự kiến sẽ thu được 60 triệu tấn nữa vào mùa vụ năm nay. Trước khi xảy ra xung đột tại Ukraine, WFP đã mua hơn 50% lúa mỳ từ nước này. Cơ quan này cảnh báo khoảng 47 triệu người sẽ đối mặt với nạn đói trong năm nay do khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Cùng ngày, người phát ngôn của LHQ Farhan Haq cho biết các tàu đầu tiên xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ các cảng ở Biển Đen của nước này có thể sẽ di chuyển trong vòng vài ngày tới theo thỏa thuận được Ukraine, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ nhất trí hôm 22/7. Theo ông Haq, Trung tâm điều phối chung (JCC), có trụ sở ở Istanbul, sẽ liên lạc với ngành vận tải biển và sẽ công bố các thủ tục chi tiết cho các tàu trong tương lai gần.

Trong cuộc gặp song phương cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã nói với Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov rằng điều quan trọng là chuyến hàng ngũ cốc đầu tiên theo thỏa thuận do LHQ làm trung gian phải diễn ra càng sớm càng tốt.

Thông báo của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho hay ông Akar hoan nghênh tuyên bố rằng Ukraine hy vọng sẽ bắt đầu thực hiện thỏa thuận trong tuần này, đồng thời nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận. Ông Akar, người đã thảo luận về thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin trước đó, cũng cho biết công việc tại JCC đang tiếp tục diễn ra.

Nga và Ukraine đã ký thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc tại Istanbul hôm 22/7 mà Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ là bên đồng bảo lãnh. Theo đó, nhóm gồm các nhân viên Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và LHQ sẽ giám sát hoạt động chất hàng lên tàu tại cảng của Ukraine, trước khi chúng đi qua tuyến đường được vạch sẵn trên Biển Đen. Thỏa thuận nếu được thực hiện sẽ giúp "giải phóng" khoảng 5 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng từ ba cảng Ukraine.

Cả Nga và Ukraine đều là những nước xuất khẩu nông sản lớn nhưng cuộc xung đột đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động xuất khẩu lúa mì của Ukraine, khi giao tranh khiến mùa màng thất bát, cảng biển phong tỏa và bị cài thủy lôi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục