WFP: Số người Mỹ Latinh mất an ninh lương thực có thể cao hơn gần 50%

08:59' - 15/06/2022
BNEWS Theo cảnh báo của WFP, tình trạng lạm phát hàng hóa cơ bản trên toàn cầu có thể khiến 14 triệu người Mỹ Latinh rơi vào cảnh mất an ninh lương thực, cao hơn gần 50% con số hiện nay.

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) ngày 14/6 cảnh báo, tình trạng lạm phát hàng hóa cơ bản trên toàn cầu ngày càng trầm trọng do xung đột ở Ukraine có thể khiến 14 triệu người Mỹ Latinh rơi vào cảnh mất an ninh lương thực, cao hơn gần 50% con số hiện nay.

Phát biểu trước báo chí tại Geneve, Giám đốc WPF tại Mỹ Latinh Lola Castro cho biết hiện có khoảng 9,7 triệu người thiếu ăn ở 13 quốc gia trong khu vực, nơi WPF đang nỗ lực cải thiện tình trạng mất an ninh lương thực bằng cách nhập khẩu từ các nước sản xuất lương thực tại chỗ như Mexico hay Argentina.

Theo bà Castro, giá lương thực gia tăng kéo theo chi phí vận chuyển hàng hải và hàng không trong khu vực đã tăng lên 7 lần. Điều này tác động mạnh đến các quốc gia, đặc biệt là các đảo quốc vùng Caribe. Quan chức WPF lấy dẫn chứng về vấn đề nhập khẩu lương thực ở Cuba, Cộng hòa Dominica hay đặc biệt là Haiti, nơi lạm phát lương thực đã lên tới 26%.

Bà Castro nhận định, Mỹ Latinh đã trải qua “khủng hoảng kép” do biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 khiến 17,7 triệu người rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực.

Đến cuối năm 2021, con số này đã giảm xuống còn 8,3 triệu người, song cuộc khủng hoảng ở Ukraine tiếp tục khiến Mỹ Latinh chịu ảnh hưởng nặng nề. Lý giải nhận định này, bà Castro cho biết, mặc dù Nga và Ukraine không xuất khẩu số lượng lớn ngũ cốc và các loại thực phẩm khác sang Mỹ Latinh, nhưng việc giá lương thực gia tăng trên thị trường toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều quốc gia trong khu vực, nhất là những nước nhập khẩu ròng các mặt hàng cơ bản này.

Giám đốc khu vực của WFP khẳng định Mỹ Latinh đã bắt đầu cảm nhận được hậu quả của cuộc khủng hoảng lương thực, đó là sự gia tăng dòng người di cư từ Nam Mỹ lên Bắc Mỹ, băng qua những tuyến đường nguy hiểm như rừng rậm Darien chia cắt Nam Mỹ với Panama.

Theo tổ chức trực thuộc Liên hiệp quốc, năm 2020 chỉ ghi nhận 5.000 người vượt qua tuyến đường chết chóc này, song đến năm 2021 con số này đã tăng vọt lên 151.000 người. Bà Lola Castro kêu gọi các chính phủ cũng như cộng đồng cần “phản ứng ngay lập tức” để ngăn chặn xu hướng di cư ồ ạt tiếp tục gia tăng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục