WHO: Dịch COVID-19 vẫn có thể lây lan ngay cả khi đã tiêm vaccine quy mô lớn

10:41' - 26/01/2021
BNEWS Theo quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch COVID-19 vẫn có nguy cơ tiếp tục lây lan ngay cả sau khi thế giới triển khai tiêm chủng quy mô lớn trong tương lai gần.

Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, Tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp Y tế của WHO nêu rõ: "Trong tương lai gần, sự bao phủ của vaccine sẽ không đạt đến mức ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh. Vì vậy, chúng ta có thể sẽ tiếp tục bị lây nhiễm".

Theo ông, các nước có lẽ không nên trông chờ loại bỏ được virus SARS-CoV-2 trong năm 2021. Ông lưu ý rằng  trong lịch sử loài người đến nay mới chỉ "xóa sổ" được một bệnh dịch là bệnh đậu mùa.

Tiến sĩ Michael Ryan cho rằng thế giới không nên bắt đầu ấn định loại bỏ hoặc tiêu diệt virus SARS-CoV-2 là tiêu chuẩn cho sự thành công. Ông khẳng định: "Đó không phải là tiêu chuẩn thành công. Tiêu chuẩn thành công là giảm khả năng virus này khiến con người tử vong, nhập viện, hủy hoại đời sống kinh tế và xã hội của chúng ta".

Ông Ryan cũng đề cập kế hoạch tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo, cho biết WHO sẽ phối hợp với Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), chính quyền thành phố Tokyo và Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản để tư vấn về quản lý rủi ro trong quá trình tổ chức.

Tuy nhiên, IOC và các cơ quan Nhật Bản sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về các biện pháp quản lý rủi ro đối với sự kiện này, cũng như quyết định cuối cùng liên quan đến Thế vận hội.

Cuối tháng 3/2020, IOC và Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 đã quyết định lùi thời gian tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo sang năm 2021 trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng khắp thế giới. Theo kế hoạch mới, Olympic Tokyo sẽ được tổ chức từ ngày 23/7 đến 8/8, trong khi Paralympic Tokyo sẽ diễn ra từ ngày 24/8 đến 5/9 tới.

Khi được hỏi có ưu tiên tiêm vaccine ngừa bệnh cho các vận động viên hay không, ông Ryan cho biết hiện không có đủ vaccine ngay cả cho những nhóm người có nguy cơ cao nhất.

Quan chức WHO nhấn mạnh: “Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng trên quy mô toàn cầu, theo đó các nhân viên y tế tuyến đầu, những người cao tuổi và những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội cần được tiêm vaccine trước tiên”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục