WSJ: Mỹ đang mất dần Thái Bình Dương cho Trung Quốc

05:30' - 22/06/2017
BNEWS Trong hơn 100 năm qua, Mỹ coi Thái Bình Dương như là "ao nhà", nhưng gần đây xuất hiện sự cạnh tranh lặng lẽ nhằm giành quyền kiểm soát khu vực giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mỹ đang mất dần Thái Bình Dương cho Trung Quốc? Ảnh: AFP/TTXVN

Tờ Wall Street Journal (WSJ) mới đây đăng bài phân tích về chính sách của Mỹ đối với các quốc đảo Thái Bình Dương của ông Ben Bohane, phóng viên của tờ báo này theo dõi khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tác giả cho rằng dọc theo khu vực Thái Bình Dương, có một ván cờ lặng lẽ nhưng cũng rất quyết liệt nhằm giành quyền kiểm soát khu vực giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ có một bên là đang cạnh tranh với thái độ nghiêm chỉnh còn bên còn lại có vẻ như đang nhượng bộ.

Đây là một hiện tượng mới. Trong hơn 100 năm qua, Mỹ coi Thái Bình Dương như là "ao nhà" của mình. Tuy nhiên, gần đây có vẻ như nhiều thứ đã thay đổi. Philippines, một đồng minh lâu năm của Mỹ, đã xoay về phía Trung Quốc.

Trong khi Trung Quốc đang tìm cách lấy lòng các nước còn lại bằng ngoại giao và đầu tư thì Mỹ vẫn vắng mặt. Chiến lược "xoay trục sang châu Á" dường như chỉ là lời nói vô nghĩa. Đến nay có rất ít minh chứng cho thấy Mỹ dành những nỗ lực quan trọng cho khu vực này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump có cơ hội làm điều gì đó để thay thế, nhưng chính quyền Mỹ lại đang bị xao lãng bởi sự chi phối từ khu vực Trung Đông - tương tự như tình thế mà các chính quyền Mỹ trước đó phải đối mặt.

Với chi phí tốn kém dành cho các cuộc chiến tranh ở Trung Đông mỗi ngày, Mỹ đáng lẽ có thể ủng hộ các quốc gia ở mạn sườn phía Tây của Mỹ bằng cách lấy lòng các quốc đảo Thái Bình Dương thông qua đầu tư du lịch và các cơ sở hạ tầng quan trọng, đồng thời kết nối hiệu quả với lãnh đạo của các nước này.

Thay vào đó, Trung Quốc đang giành sự ủng hộ của từng nước một. Trung Quốc đưa ra các khoản đầu tư nhiều tỷ USD vào các khu vực như Melanesia, Micronesia và Polynesia, mang lại nhiều dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, nhiều du khách và sự tiếp cận tài chính.

Trong khi đó, Mỹ lại im lặng, tiếp tục thờ ơ với đồng minh hiệp ước là Liên bang Micronesia và phớt lờ phần còn lại của khu vực.

Palau vẫn đang chờ đợi khoản 216 triệu USD mà Mỹ đã hứa hẹn vào năm 2011 như là một phần trong thỏa thuận mà nước này đồng ý cho Mỹ quyền tiếp cận quân sự. Sự việc tương tự có thể khiến Micronesia dừng hiệp ước của họ với Mỹ vào năm tới.

Tại vùng lãnh thổ Samoa của Mỹ, một nữ nghị sỹ của khu vực này đang cảnh báo về việc thiếu khả năng phòng thủ cũng như sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại đây. Tại Liên bang Melanesia, Trung Quốc đang tập trung các nguồn lực đầu tư vào Papua New Guinea và thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Fiji.

Nhưng sự khác biệt giữa sự can dự của Trung Quốc và Mỹ tương phản rõ nhất ở Vanuatu. Gần đây, Chính phủ Vanuatu đã ký thỏa thuận với một tập đoàn xây dựng Trung Quốc nhằm nâng cấp 3 sân bay chính trên quốc đảo này, tập trung vào việc mở rộng sân bay Port Vila’s Bauerfield để có thể cho phép các chuyến bay thẳng giữa 2 nước trong năm tới.

Được Hải quân Mỹ xây dựng từ năm 1942, sân bay này được đặt tên theo một phi công của Hải quân Mỹ bị bắn trong trận chiến ở Guadalcanal cùng năm đó. Trung Quốc cũng đang triển khai kế hoạch nâng cấp sân bay Pakoa ở đảo Espiritu Santo thuộc Vanuatu. Trong khi đó, không có công ty Mỹ nào có thỏa thuận tại đây.

Trên thực tế, Mỹ không hề có mối liên hệ nào với Vanuatu, thậm chí còn không có Đại sứ thường trú tại quốc đảo này. Ngược lại, Trung Quốc đã giúp Vanuatu xây dựng tòa nhà Quốc hội, trụ sở Văn phòng Tổng thống, tòa nhà của Bộ Ngoại giao, một trung tâm hội nghị quốc gia và một sân vận động quốc gia.

Đáng chú ý, Vanuatu chính là quốc gia đầu tiên ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, sau đó là Nauru và Papua New Guinea.

Khu vực này cũng bị đóng cửa đối với thương mại điện tử. Nhiều công ty tài chính của Mỹ thậm chí không chấp nhận giao dịch điện tử với bất cứ quốc đảo Thái Bình Dương nào.

Nhưng tập đoàn Alibaba của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma gần đây lại cử đại diện đến giúp đỡ Vanuatu và các quốc đảo khác tham gia hệ thống thương mại điện tử của họ.

Nếu Mỹ không mang lại bất cứ sự hỗ trợ, đầu tư, cơ sở hạ tầng và quyền tiếp cận thương mại điện tử cho các quốc đảo Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc đang mang đến cho họ tất cả những điều trên thì liệu có ngạc nhiên khi các Chính phủ và người dân nơi đây sẽ chuyển hướng sang Trung Quốc.

Trừ phi Mỹ bắt đầu liên hệ ngay với các quốc đảo Thái Bình Dương - được coi là căn cứ quân sự thiết yếu của Mỹ trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, thì sự thiếu đầu tư kinh tế, lạnh nhạt về ngoại giao và rào cản ngăn cách các thể chế tài chính sẽ khiến cả khu vực này nghiêng về phía Trung Quốc. Mỹ sẽ phải nhượng lại toàn bộ khu vực này cho Trung Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục