Xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng ứng phó với chính sách thuế mới của Hoa Kỳ

16:16' - 09/04/2025
BNEWS TP. Hồ Chí Minh với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và cửa ngõ xuất khẩu hàng hóa vùng kinh tế phía Nam sẽ chịu tác động trực tiếp từ chính sách áp thuế đối ứng của Hoa Kỳ.

Để chủ động ứng phó với những kết quả khác nhau của công tác đàm phán giữa hai chính phủ, TP. Hồ Chí Minh phải chủ động xây dựng các kịch bản tăng trưởng và có giải pháp ứng phó sớm. Đây là nội dung được các chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi tại “Hội thảo tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh trước tác động chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ” do UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 9/4.

* Tác động trực diện

Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của doanh nghiệp qua cảng Thành phố trong nhiều năm qua, chỉ sau Trung Quốc. Trong giai đoạn 2016 - 2024, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt mức cao nhất với 7,4 tỷ USD vào năm 2024, tốc độ tăng trưởng là 24,27%; trong đó, các nhóm hàng xuất khẩu cao nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt, may; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác với giá trị trên 1 tỷ USD.

 

Các nhóm hàng có kim ngạch từ 100 triệu USD -1 tỷ USD gồm giày dép các loại; gỗ và sản phẩm gỗ; túi xách, ví, va li, mũ và ô dù; sản phẩm chất dẻo; phương tiện vận tải khác và phụ tùng. Ngoài ra còn một số nhóm hàng nông – lâm – sản như hạt tiêu, thuỷ sản, rau quả, cà phê, hạt điều…

Trong số những nhóm hàng xuất khẩu nhiều vào Hoa Kỳ, có 5 mặt hàng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi khi Hoa Kỳ áp mức thuế đối ứng cao. Cụ thể, ngành dệt may và giày dép chiếm khoảng 21% giá trị xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Mức thuế mới có thể khiến đơn hàng tiếp tục sụt giảm, đẩy các doanh nghiệp và người lao động ngành da giày vào tình thế khó khăn hơn, cạnh tranh gay gắt với các nước khác như Bangladesh, Campuchia và Ấn Độ.

Ngành đồ gỗ và nội thất chiếm khoảng 8% giá trị xuất khẩu của thành phố, dự báo sụt giảm mạnh đơn hàng xuất khẩu và có thể phải thu hẹp sản xuất nếu thuế cao. Về lâu dài có nguy cơ cao mất thị trường Hoa Kỳ vào tay các đối thủ cạnh tranh từ Mexico và Indonesia.

 TP. Hồ Chí Minh cũng là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản (văn phòng chính, trung tâm logistics), đặc biệt với các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra. Việc tăng thuế đột ngột có thể đẩy nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ khi xuất sang Hoa Kỳ, ảnh hưởng trực tiếp tới chuỗi cung ứng và người nuôi trồng thủy sản nội địa.

Đặc biệt, ngành điện tử và linh kiện hiện chiếm khoảng 20% giá trị xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh.Nhóm này dự kiến chịu ảnh hưởng lớn do Hoa Kỳ có thể nhắm vào các mặt hàng bị nghi ngờ có nguyên liệu từ nước thứ ba. Các doanh nghiệp điện tử sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn, buộc phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng và tìm kiếm thị trường mới.

Do đó, các doanh nghiệp nội địa cung ứng linh kiện, lắp ráp ở TP. Hồ Chí Minh sẽ chịu tác động dây chuyền, nguy cơ mất đơn hàng nếu đối tác chuyển chuỗi cung ứng.

Ghi nhận từ cộng đồng doanh nghiệp, nếu Hoa Kỳ áp mức thuế đối ứng lên tới 46%, doanh nghiệp có thể buộc phải giảm mạnh lượng hàng xuất hoặc tạm ngừng xuất khẩu sang Hoa Kỳ để tránh thua lỗ. Hệ quả là kim ngạch xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh sang Hoa Kỳ trong quý II, III/2025 dự kiến sụt giảm. Trường hợp mức thuế không thay đổi, các đối tác Hoa Kỳ có thể sẽ hoãn hoặc hủy đơn hàng với Việt Nam vì lo ngại thuế làm giá tăng cao.

Trong dài hạn, những tác động trực diện đối với các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành thâm dụng lao động có thể sẽ gây ra tác động về mặt xã hội khi lao động bị thất nghiệp, giảm giờ làm, ảnh hưởng đến hoạt động tiêu dùng của thành phố. Như vậy, tăng trưởng xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh có thể chững lại, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng chung của kinh tế thành phố.

Ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu TP. Hồ Chí Minh thông tin, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ, duy trì mức xuất khẩu cao trong giai đoạn 2020–2024. Năm 2024, xuất khẩu từ TP. Hồ Chí Minh sang Hoa Kỳ đạt 7,8 tỷ USD cao nhất trong 5 năm, trong khi nhập khẩu từ Hoa Kỳ dao động từ 2,1 đến 3 tỷ USD; tạo thặng dư thương mại ổn định từ 4,1 đến 5,2 tỷ USD hằng năm. Cán cân thương mại luôn dương và tỷ lệ thặng dư cao giúp TP. Hồ Chí Minh giữ vững vai trò đầu tàu xuất khẩu của cả nước trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ.

Theo ông Trương Minh Huy Vũ, cho đến hiện tại, ngoài việc công bố mức thuế đối ứng 46% với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Việt Nam, Hoa Kỳ chưa thông tin cụ thể về việc áp dụng thuế suất như thế nào và hai Chính phủ đang trong quá trình đàm phán. Do đó, chưa có một kịch bản chắc chắn nào cho Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng.

Tuy nhiên, dưới góc độ cơ quan nghiên cứu và tham mưu cho UBND TP. Hồ Chí Minh, Viện nghiên cứu Phát triển Thành phố xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng khác nhau dựa trên 3 khả năng đàm phán có thể xảy ra.

Theo đó, trong trường hợp sau đàm phán Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên mức thuế đối ứng 46% với toàn bộ hàng hoá Việt Nam, quan hệ thương mại hai nước trở nên căng thẳng. Xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh có thể rơi vào tình trạng đình trệ trong ngắn hạn. Khi đó, tăng trưởng năm 2025 của TP. Hồ Chí Minh dự báo chỉ đạt trong khoảng 4,63 – 5,75% (dự báo trung bình 5,19%).

Kịch bản tăng trưởng trung bình từ 6,23 -7,35% nếu hai Chính phủ đạt được thỏa thuận với mức thuế trung bình khoảng 25%, có thời gian tạm hoãn nhất định để doanh nghiệp thích nghi. Với kịch bản lạc quan nhất nếu Hoa Kỳ áp thuế đối ứng ở mức 5 -15%, xuất khẩu tăng trưởng ở hầu hết thị trường sẽ giúp kinh tế TP. Hồ Chí Minh đạt tăng trưởng 7,37 - 8,49% (điểm trung bình 7,93%).

Những kịch bản tăng trưởng này được xây dựng trên cơ sở xuất khẩu bị ảnh hưởng nhưng các động lực tăng trưởng khác như đầu tư công, tiêu dùng nội địa vẫn được duy trì.

*Chủ động ứng phó

Dựa trên dự báo về tác động của từng kịch bản, Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh đề xuất một số nhóm giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ chính sách thuế đối ứng. Đối với hoạt động xuất - nhập khẩu, cần tích cực đàm phán bằng gói giải pháp song phương để hạ nhiệt căng thẳng, có chính sách nhượng bộ hợp lý như giảm thuế nhập khẩu với hàng hoá của Hoa Kỳ; tăng cường kiểm soát gian lận xuất xứ. Nhập khẩu các mặt hàng công nghệ cao và đa dạng hoá thị trường.

Cần lưu ý giải pháp giải quyết các rào cản liên quan với hàng hoá nhập khẩu từ Hoa Kỳ như, xem xét đơn giản hóa và bãi bỏ các thủ tục hành chính liên quan đến ghi nhãn hàng hóa, kiểm dịch động thực vật nhập khẩu, quy trình, thủ tục hải quan. Tăng cường các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên cơ sở các quy định hiện hành; cải cách mạnh mẽ hệ thống tư pháp,…

Song song với gỡ khó cho xuất khẩu, thành phố phải thúc đẩy tiêu dùng nội địa, mở rộng không gian kinh tế thành phố bao gồm mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm thiểu chi phí vận chuyển, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa đi khắp cả nước và các nước lân cận. Giải pháp thu hút đầu tư thông qua cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư FDI.

Chia sẻ góc nhìn chuyên gia, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana Hoa Kỳ đánh giá cao phản ứng của Đảng, Chính phủ Việt Nam và cả TP. Hồ Chí Minh trong việc chủ động tìm giải pháp ứng phó với chính sách thuế đối ứng được công bố một cách đột ngột. Trong thời gian ngắn tuyên bố thuế đối ứng của Hoa Kỳ đã gây ra sự đảo lộn cho kinh tế toàn cầu, đe doạ khả năng suy thoái kinh tế trung hạn và bất ổn về dài hạn.

Tuy nhiên, mức thuế 46% với Việt Nam cũng được hiểu là một “đòn cân não” mà chính quyền ông Trump dùng để nắm thế chủ động trong đàm phán chứ không hẳn là một mức thuế cứng. Do đó, ngoài những tác động tiêu cực chắc chắn sẽ sẵn ra ở những mức độ khác nhau, Việt Nam nói chung, TP. Hồ Chí Minh cần coi đây như một cơ hội cấu trúc lại nền kinh tế, cấu trúc lại ngành hàng và thị trường xuất khẩu.

Theo đó, thay vì tập trung vào tăng kim ngạch xuất khẩu, hàng Việt Nam phải hướng đến phân khúc thị trường cao hơn, mở rộng xuất khẩu dịch vụ bởi Hoa Kỳ chỉ tập trung đánh thuế hàng hoá mà không tính đến giá trị dịch vụ. Về nội tại, Việt Nam cần tận dụng cơ hội nâng cao trình độ công nghệ; cải cách thủ tục hành chính để cải thiện năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, tăng tưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng trong tăng tưởng cả nước. Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh còn liên quan hữu cơ với hầu hết các địa phương trong khu vực kinh tế phía Nam với vai trò là nơi tiêu thụ nguyên liệu và là đầu mối xuất khẩu. Do đó, dù chưa có thông tin cụ thể nhưng Thành phố phải trong tâm thế chủ động và có giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp kịp thời.

Trước mắt TP. Hồ Chí Minh giữ nguyên kịch bản, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra từ đầu năm là 8,5%. Các Sở, ngành tiếp tục theo dõi diễn biến đàm phán giữa hai Chính phủ; đồng thời, theo sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ để đề xuất giải pháp hỗ trợ kịp thời. Truyền thông kịp thời, rõ ràng về kết quả đàm phán, những tác động và cả cơ hội để doanh nghiệp nắm bắt thông tin, an tâm sản xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Được, Việt Nam nói chung, vẫn có những lợi thế về an ninh chính trị ổn định, giá lao động hợp lý và khả năng sản xuất, đặc biệt là một số mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng mà thị trường Hoa Kỳ có nhu cầu lớn.

Thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ cơ cấu lại các chương trình xúc tiến thương mại tập trung vào các thị trường trọng điểm và ưu tiên hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng, đặc biệt làm mạng lưới giao thông, mở rộng dư địa phát triển.

Về phía doanh nghiệp, cần chủ động nghiên cứu nhu cầu thị trường, liên kết doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam để xây dựng mạng lưới phân phối tại Hoa Kỳ. Đồng thời có trách nhiệm phòng chống chuyển tải hàng hoá, gian lận xuất xứ để giảm thiểu các rủi ro khác trong tương lai.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục